Tam quan đền An Dương Vương.
Chuyện xưa tích cũ
Câu chuyện cổ tích về Mỵ Châu – Trọng Thủy vẫn được lưu truyền mãi cho đến ngày nay. Sau khi công chúa bị vua An Dương Vương chém, Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng đuổi theo đến nơi, thấy Mỵ Châu đã chết, thương khóc ôm xác đem về chôn ở Loa Thành, xác nàng hóa làm đá ngọc.
“Quê tôi còn tương truyền, giếng Trọng Thủy không những linh thiêng, mà các triều sau này còn múc nước giếng ấy làm quà cống sang Trung Quốc để rửa ngọc trai. Ngọc trai rửa nước này sẽ sáng hơn và đẹp hơn”, ông Trương Quốc Bảo đền An Dương Vương.
Trọng Thủy nhớ tiếc Mỵ Châu, trở lại nơi vợ tắm gội trang điểm mà lòng thương nhớ không nguôi. Lại thấy bóng Mỵ Châu hiện ra nơi đáy giếng, chàng liền trầm mình xuống đó. Giếng ấy giờ đây ngự ngay cửa đền An Dương Vương, xã Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội).
Giếng Trọng Thủy có từ thời Âu Lạc.
Ông Nguyễn Quang Xuân, Trưởng phòng quản lý di tích cho biết: Khu di tích Cổ Loa nằm trên địa phận của ba xã Cổ Loa, Dục Tú và Việt Hùng. Khác với các di tích lịch sử khác, Cổ Loa là một quần thể di tích có diện tích trải rộng trên một địa bàn rộng lớn lên tới gần 500ha. Đây được coi là địa chỉ văn hóa đặc biệt của thủ đô và cả nước.
Nơi đây là một khu đất đồi cao ráo nằm ở tả ngạn sông Hoàng (tức sông Thiếp), là một con sông nhánh lớn quan trọng của sông Hồng, nối liền sông Hồng với sông Cầu trong hệ thống sông Thái Bình.
Về mặt quân sự, thành Cổ Loa thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm. Các bức thành kiên cố với đường rộng hào sâu cùng các ụ lũy phòng thủ vững chắc để bảo vệ kinh đô.
Nhưng trên hết, Cổ Loa gắn với những tích, những chuyện xưa cũ mà truyền thuyết đã để lại. Những dấu tích tường thành, những đền đài tháp ngọc, những giếng cổ hồ ao… mang trong mình những câu chuyện riêng.
Mê cung thành
Ông Xuân cũng cho biết, thành Cổ Loa được xây dựng kiểu vòng ốc nên gọi là Loa Thành. Tương truyền thành có tới 9 vòng, bên dưới phía ngoài là hào sâu ngập nước thuyền bè đi lại được.
Giếng và đảo ngọc đều nằm trong hồ bán nguyệt trước cửa đền.
Ngày nay ở Cổ Loa còn lại 3 vòng thành đất, dài tổng cộng 16 cây số: Vòng ngoài, tức Thành ngoại có chu vi 8km, vòng giữa, tức Thành trung kết cấu hình đa giác có chu vi 6,5km và vòng trong cùng gọi là Thành nội mang hình chữ nhật, chu vi 1,6km. Mỗi vòng thành đều có hào nước bao quanh bên ngoài, hào rộng trung bình từ 10m đến 30m. Các vòng hào đều thông với nhau và thông với sông Hoàng.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành Cổ Loa như một mê cung, là một khu quân sự vừa thuận lợi cho tấn công vừa tốt cho phòng thủ.
Thành Trung là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, chu vi 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng Đông, Nam, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam, trong đó cửa đông ăn thông với sông Hoàng. Thành ngoại không còn hình dáng rõ ràng, chu vi hơn 8.000m, cao trung bình 3 – 4m.
Giếng thời Âu Lạc
Ông Nguyễn Quang Xuân cho hay, nhiều nhà sử học gọi giếng Trọng Thủy là giếng Âu Lạc. Đó là cơ sở đầu tiên cho tên gọi của giếng, vì theo căn cứ lịch sử An Dương Vương là vị vua lập nên nước Âu Lạc và cũng là vị vua duy nhất cai trị nhà nước này.
Giếng cổ gần điếm thôn Quang.
Nếu như giếng cùng được tạo dựng với thành Cổ Loa, mà chiếu theo truyền thuyết lại là nơi Trọng Thủy trầm mình thì quả thực giếng này ở mức 2.200 năm tuổi.
Tục truyền khi Mỵ Châu đã bị vua cha giết, máu nàng chảy xuống biển, trai ăn được nên mới có ngọc châu. Lấy được ngọc trai đó đem rửa nước giếng trong thành Cổ Loa thì ngọc trong sáng vô cùng.
Pho tượng công chúa Mỵ Châu bị chặt đầu được đặt bên trong đền thờ. Trong câu chuyện này không biết có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng dân gian vẫn xem bức tượng là hiện thân, là minh chứng sắt đá cho lòng trung nghĩa.
Và giếng Trọng Thủy cũng là minh chứng cho tình yêu. Trải qua hơn 2000 năm có lẻ mà giếng vẫn tồn tại giữa hồ nước lớn. Hiện nay, theo quan sát nước giếng ấy vẫn rất trong và rất ngọt.
Ông Nguyễn Xuân Lạng và ông Trương Quốc Bảo là người bản địa, cũng là người nhà đền cho hay: Trước đây, đường ra giếng là một chiếc cầu tre. Khi cầu tre chưa bị dỡ bỏ thì người dân vẫn ra đấy gánh nước về dùng.
Chuyện có tính xác thực cho rằng, rất nhiều ngư dân đem ngọc trai về đây và xin nước giếng Trọng Thủy để rửa. Sau một thời gian ngâm ngọc trai trong nước giếng này, thì quả thực ngọc trai sáng láng lung linh như được đánh bóng bằng chất tạo màu.
Chuyện quanh giếng cổ
Đến giếng Trọng Thủy, tôi lại nhớ những vần thơ viết cách đây đúng 82 năm của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp – con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh: “Đêm khuya, gió lốc, mây đen vần/Cỏ lướt gieo mình vực giếng thâm/TrọngThủy nằm trên làn nước sủi/…Phơn phớt hồn ma đóm lập lòe”.
Giếng đá cổ ở thôn Gà.
Bài thơ viết năm 1933 ấy mà theo lời kể của thi sĩ là chứng kiến hồn ma Trọng Thủy vơ vẩn bên thành giếng cổ. Chuyện ấy không biết thực hư thế nào, nhưng những cao niên ở đất Cổ Loa này vẫn truyền nhau câu chuyện về giếng, về những oan hồn hiện hình trong đêm trăng suông.
Chẳng biết có phải vì thế hay không, mà giếng được bảo tồn từ đời này qua đời khác. Không ai xâm phạm, không ai mảy may nghĩ chuyện lấp giếng hay làm uế giếng. Giếng có thần và trở thành giếng thiêng.
Theo ông Nguyễn Quang Xuân, đền An Dương Vương còn hai giếng cổ bên cạnh tam quan. Một bên giếng đầy nước, một bên giếng cạn. Người ta gọi đây là giếng mắt rồng. Vì rồng chột một mắt nên gọi là “độc nhãn long”.
Ngay trước cửa đền và cạnh giếng Trọng Thủy có một hòn đảo gọi là đảo ngọc. Hòn ngọc ấy chính của “độc nhãn long”. Đảo ấy giờ đã cây cối um tùm và được coi là huyệt long mạch quan trọng của đất Cổ Loa, đất thế “cửu long tranh châu”.
Quý hơn nữa là ở Cổ Loa bây giờ, người dân cũng giữ thêm được vài cái giếng cổ của thôn. Như giếng thôn Quang bên cạnh một cái điếm nhỏ, hoặc giếng thôn Gà, xóm Chùa… tạo cho Loa Thành một hệ thống giếng quý giá.
“Trước đây thành giếng vẫn là bằng đất. Năm 1998 thì trùng tu lại giếng để bảo tồn, và các nhà khoa học đã thống nhất dùng đá ong để xây xung quanh. Phải khẳng định giếng Trọng Thủy là giếng quý, không thể thiếu đối với quần thể di tích”, ông Nguyễn Quang Xuân, Trưởng phòng quản lý di tích Cổ Loa.
Trần Hòa