Bóng giếng Hà Nội – Kỳ 10: Giếng vuông tụ thủy tụ phúc

Nằm trong đền Voi Phục – một trong Thăng Long tứ trấn đất kinh kỳ, giếng vuông hội đủ những cổ, quý, thiêng, thần. Nhưng, giếng vuông chỉ còn là chuyện xưa, bởi nay đã thay hình đổi dạng.

Nói giếng “thay hình đổi dạng” có quá lắm không, hay lại chuyện hư cấu, bởi tự thân giếng không làm được điều ấy. Tất nhiên, đó là do con người làm, biến giếng vuông thành hình bán nguyệt. Đấy là cả một câu chuyện dài, nhưng cứ thấy tiêng tiếc khi bước nhẹ chân qua bực tam quan, mà bóng giếng vuông vức vành cạnh ví như chàng lực điền đã biến thành cô gái đào tơ.

Tam quan đền Voi Phục.

Thị Trại

Ông Đào Trùy, Phó ban quản lý di tích đền Voi Phục là người gốc làng. Ông không rõ đã bao đời họ Đào ăn đời ở kiếp nơi này, nhưng chắc chắn một điều là những nền nếp, tục lệ cũ xưa của Thị trại đã ăn vào máu của những dòng họ ở chung một thôn trang phía Tây kinh thành.

Trong lịch sử, đền Voi Phục như một trấn thiêng ở phía Tây của thành Thăng Long, đền không chỉ liên quan trực tiếp với Kinh đô mà đã hội vào bản thân rất nhiều dòng chảy của tín ngưỡng dân gian”, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương.

Ông Trùy bảo, vùng đất Thủ Lệ này là một trong mười ba thị trại ở phía đằng Tây. Thế nên, cái tên Thủ Lệ cũng bắt nguồn từ Thị trại mà ra. Nhưng sâu xa hơn, gốc tích từ một truyền thuyết đã giải thích địa danh Thủ Lệ. Rằng, đền Voi Phục được xây trên nền nhà cũ của Linh Lang, một hoàng tử con vua Lý Thánh Tông và một thôn nữ cư ngụ ở làng Thị Trại.

Khi Linh Lang bước vào tuổi thành niên cũng là lúc nước ta bị phương Bắc xâm lăng. Chàng xin vua cha cho đi đánh giặc, vua theo ý. Linh Lang cầm cờ cưỡi voi dẫn đoàn nghĩa sĩ làng Thị Trại và các làng bên lên đường diệt thù. Chàng đánh đâu được đấy, cuối cùng phá tan giặc, ca khúc khải hoàn.

Giếng vuông xưa nay đã thành hình bán nguyệt.

Vua cha có ý truyền ngôi báu nhưng chàng nhất quyết không nhận và xin về làng Thị Trại sinh sống. Không lâu sau, chàng bị trọng bệnh và qua đời, hóa thành rồng đen và đi xuống hồ nước. Vua thương xót cho lập đền thờ tại làng Thị Trại, miễn mọi thuế khóa cho dân ở trại này để họ chuyên giữ lệ thờ cúng, tế lễ.

Từ đó, làng Thị Trại đổi tên thành Thủ Lệ (nghĩa là giữ lệ thờ cúng). Vì đền ở phía tây kinh thành nên đến nay vẫn được gọi là “Tây trấn” trong số “Thăng Long tứ trấn”.

Gần đây, các nhà sử học đưa ra giả thuyết: Có thể Linh Lang là một người có thật. Đó là hoàng tử Hoằng Chân, lập công trong lần chống quân Tống xâm lược năm 1077 và hy sinh ở giữa dòng sông Như Nguyệt.

Ông Trùy cho biết, theo sử làng chép lại, Thị Trại là một trong những nơi buôn bán sầm uất. Với địa thế là thượng nguồn sông Kim Ngưu nối với sông Hồng thuận lợi trong việc xuôi bè nên tơ lụa của vùng được thông thương với nhiều nơi.

Sử giếng vuông

Nay, nếu ai tham quan hoặc đến lễ bái ở đền Voi Phục thì hẳn sẽ không còn thấy giếng vuông đúng như tên gọi. Thay thế vào đó là một giếng có hình bán nguyệt, tất nhiên vẫn là chung đáy bởi xây trên nền giếng cũ.

Bậc lên xuống giếng.

Ông Đào Trùy bảo rằng, giếng vuông xưa có diện tích khoảng 91m2 có đáy và thành giếng đều bằng gạch vồ gắn kết với nhau bằng vôi trộn mật mía. Nước giếng trong và mát vô cùng, là nguồn nước sinh hoạt cho cả làng cả thôn.

Nhưng trên hết, giếng vuông xưa cùng là biểu tượng tâm linh cao quý của đền Voi Phục. Giếng vuông theo quan niệm cũ là nơi tụ thủy và tụ phúc. Là huyệt long mạch, mà ai dùng nước ấy sẽ gột rửa cõi lòng. Tết đến xuân về, nước giếng vuông không chỉ dùng pha trà, đồ xôi mà còn để lễ tế thần linh.

Giếng xưa sâu, phải có bậc lên xuống để lấy nước. Giếng hợp với một quần thể kiến trúc uy nghi với đường lên sân ba lối, chính giữa có 12 bậc đá rộng. Trước mặt lối giữa chính là giếng vuông.

Ý nghĩa cầu nước và cầu no đủ còn được thể hiện ở đôi rồng mây “chạm tròn” bằng đá và đôi hổ phù gắn hai bên tường cửa chính chạm nổi nhìn ra hướng giếng. Tiền tế 5 gian, kết cấu vì chồng rường, mái lợp ngói mũi hài cổ. Trung đường một gian chạy dọc vào phía trong nối hậu cung.

Dưới ngai thờ thần là tượng hai vị tuỳ tướng quỳ chầu. Hậu cung gian chính giữa ở sâu và cao nhất là đức Linh Lang Đại vương. Phía trước pho tượng là một hòn đá lớn có vết lõm, tương truyền thần đã từng gối đầu trên hòn đá này.

Như vậy, có thể khẳng định giếng vuông được xây dựng cùng thời với đền. Bởi sự hài hòa tổng thể kiến trúc và kết nối tâm linh, giếng như một chứng nhân, lại như một vị thần ban nước và phép lành cho nhân quần suốt cả ngàn năm.

Hàn long mạch

Qua những lần giở những chuyện rất xưa, rất cũ, ông Trùy mới biết thêm giếng vuông đây còn một tên gọi khác là giếng Ngọc. Hẳn là những giếng có tên mỹ miều ấy, thường là rất quý. Giống như giếng Ngọc làng Diềm xứ Kinh Bắc chẳng hạn, hay như giếng Ngọc cổ quý của đảo Cát Bà.

Ông Trùy bảo, trước giếng rộng đến 91m2.

“Sáng mùng 4/7/2009 khởi công trùng tu đền Voi Phục, trong đó có nhiều hạng mục khác nhau. Trước đó, các nhà khoa học đã tổ chức hội thảo đánh giá và đi đến kết luận sửa giếng vuông thành hình bán nguyệt cho phù hợp với tổng thể kiến trúc thời Lý”, ông Trùy cho hay.

Cũng theo ông Trùy, nhiều người cho rằng, giếng vuông là một trong những long mạch tối quan trọng. Vì thế, khi sửa lại hình thế của giếng thì đồng thời cũng phải hàn lại long mạch, phòng bị mọi bất trắc.

“Chúng tôi đã mời bên Học viện Phật giáo về để lập đàn, làm lễ, cúng tế rất trang trọng. Vừa là để hàn lại long mạch cho giếng, cũng vừa để bà con yên tâm”, ông Trùy cho biết.

Từ đó, hình bóng giếng vuông không còn nữa, thay vào đó là hình bán nguyệt như hiện tại. Giếng không còn được dùng nên người ta thả xuống dưới đó khá nhiều ếch. Khách tham quan đền Voi Phục, có lẽ cũng ít người ngắm nghía đến thế giếng mà chủ yếu nhìn ếch dưới đó mà thôi.

Thực ra, theo ông Trùy thì giếng này từ lâu đã không còn được sử dụng. Năm 1946, người dân Hào Khánh bán phần đất làng cho người hội Phúc Thiện. Sau đó, Phúc Thiện có làm một nghĩa trang ở ngay sau đền. Người làng Thủ Lệ sợ nước bẩn ngấm vào giếng nên cũng không dám sử dụng nước ấy nữa.

“Giếng vuông không chỉ với ý nghĩa tụ thủy mà còn tụ phúc, tụ lộc. Nhưng trên hết, trong tiềm thức của người địa phương chúng tôi thì giếng như một vị thần ban phúc lộc dồi dào”, ông Đào Trùy, Phó trưởng ban quản lý di tích đền Voi Phục.

(còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top