Giếng có “ngôi”
Làng Phú Diễn giờ đã ồn ào khác xưa. Vẫn xóm đấy làng đấy, vẫn ao sen sân đình nhưng không giấu nổi những xâm lấn phố phường. Có người tinh ý lại vui tính nữa, cứ ví mãi Phú Diễn như cô gái xuân thì bước chân quê lên phố.
Vì đổi thay nhiều nên đi tìm một chút hồn làng lắng đọng sao khó quá. Nhưng may thay, chút hồn làng cỏn con cũng còn sót lại ở cái giếng ngay đầu Xóm Giếng. Bước chân qua con đường làng vốn ken đặc xe cộ là một khuôn viên nhỏ.
Giếng cổ Phú Diễn theo lối chân quỳ dạ cá.
Bao giếng này không hình lục lăng như thường thấy, người ta xây bao đến sát vỉa hè. Bên trong, chếch tay trái là chiếc giếng cổ, mà người làng vẫn quen gọi là giếng khơi. Người ta thấy cái hình ảnh miệng giếng đẹp đẽ làm bằng đá tròn nguyên khối ẩn đủ những nắn nót của nghệ nhân.
Chếch sang phía bên phải vài thước là ban thờ nhỏ. Thì ra ở Phú Diễn, giếng cũng có thần bản thổ. Vẫn được hương hoa suốt ba mươi ngày trong tháng. Nếu thực có thần linh, thì hẳn thần giếng đây cũng hài lòng trước tâm tôn kính của nhân quần.
Gần đó, một bia đá của thời mới, có ghi: “Giếng khơi làng Phú Diễn là ngôi giếng cổ. Tuy chưa biết đích xác niên đại. Nhưng những sợi dây gàu cọ vào miệng giếng có nhiều vết lõm rất sâu, là dấu ấn thời gian giếng tồn tại đã lâu đời. Vành giếng liền tròn, chạm chân quỳ dạ cá tinh xảo.
Mạch nước giếng dồi dào, trong mát cung cấp cho cả làng dùng từ thế hệ này qua thế hệ khác quanh năm không bao giờ cạn, là nguồn sống của bao đời. Song mạch nước ngầm ở khu vực Hà Nội tụt xuống thấp nên giếng làng cũng bị cạn theo”.
Thì ra, giếng cổ ấy không chỉ là bảo vật làng hoặc chứng tích khai lập thổ cư xưa kia. Giếng đã được tôn thành “ngôi”, thì tất không thể thường được. Cứ những chữ nghĩa ấy mà xét mới thấy những giá trị không dễ cân đo của người Phú Diễn.
“Tôi có nhớ trước đây, cạnh giếng có một cái bia khắc chữ nho. Nhưng không biết cái bia ấy đâu mất. Nếu tìm lại được, thì có thể đấy là bia ghi khắc về giếng. Giếng làng tôi đẹp, không ai không khen. Nhưng tài tình nữa là tang giếng đều bằng gạch cũ, xếp khép nhau chứ không dùng gì đến vôi vữa cả”.
Ông Trần Đức Chính
Những vết chạm ngọt
Cụ Nguyễn Viết Liên, 92 tuổi, là học trò cụ đồ Trần Tái – một thí sinh đỗ tam trường trong khoa thi cuối cùng của nhà nước phong kiến. Từ lâu, cụ Liên đã để tâm đến những việc của làng. Trong cái quan niệm cũ của người già, việc làng bất phân lớn nhỏ nên làm được gì cho làng thì gắng sức.
Độ sâu của giếng là 8 thước, và tang giếng bằng gạch xếp khít.
Khi làng Phú Diễn lên phố, chính cụ cũng không ngờ cả những nền nếp cũ cũng phải đổi thay. Vậy nên, khi không làm gì xoay tạo con vần được thì cụ đặc biệt giữ gìn đến giếng.
Nhiều lần chống tay bên miệng mép giếng cổ, cái bóng cụ già ít khi được đậu hình cho lâu trên phiến gương nước mát lạnh. Chốc chốc một vài giọt nước ngọt lại rời mạch, thánh thót rớt xuống, tiếng kêu bì bõm.
Cụ Liên bảo, trước đây làng có giếng Xỏ, nước rất ngon nhưng phụ nữ hay chết trẻ, đặc biệt là người đẻ con so. Thế là giếng Xỏ bị lấp và khơi giếng mới ở đầu làng, đấy là cái giếng cổ bây giờ.
Cụ nói khoan hẵng bàn đến những thứ khác lạ ở đây. Hẵng nói đến cái kiến trúc của bề mặt giếng thì mới thấy những độc đáo lẫn tỉ mỉ của nhóm thợ xưa. Vừa nói, cụ Liên lại rờ tay vào phiến đá nguyên khối xù xì như cố tìm xem ở những đường gờ chạm rất gọn ấy có một chút nào khiếm khuyết không?
Và cụ như được mãn nguyễn hơn khi biết khối đá ấy là hoàn chỉnh quá. Thế miệng giếng theo lối chân quỳ dạ cá tuyệt đích. Và khi hoàn thành những đường chạm ngọt và gọn kia, người thợ đá chắc đã là một người thợ có hoa tay.
Theo tí kiến thức nhỏ bé có được, tôi thấy cái thế chân quỳ dạ cá ấy mà người thợ lấy dáng cho miệng giếng kia đã cố cách điệu từ hình hoa sen. Ở gờ giếng có đường soi xung quanh nắn nót lắm. Và ở cái gờ soi này, tôi đếm đủ 72 vết rãnh do những dây gầu kéo nước tạo ra.
Cái thế bụng cá phình to nhưng chân quỳ chắc chắn tạo cho giếng cổ như vừa có khí thiêng, lại uy nghi lẫm liệt như giếng cung vua phủ chúa. Các bậc nho lão xưa của Phú Diễn chắc rằng không học đòi lối ấy, nhưng cũng sùng mộ đạo Phật mà cách điệu hoa sen cho tỏ chút chí tình.
Cũng may, bảo vật quý không bị phá đi, lấp mất giữa cái thời mọi thứ có thể bị phá và lấp. Âu đó cũng là một cơ duyên trời cho làng Phú Diễn.
Câu hỏi tuổi giếng
Nhiều người cứ hỏi cụ Liên xem đích xác cái giếng quý đã bao nhiêu tuổi? Câu hỏi dường như là khó lẫn không thuyết phục nếu cụ giả nhời. Vì giếng không để lại bia ngày đào, cũng không thấy sử làng chép lại. Cho nên, cứ cái lý lập làng là đào giếng thì suy ra.
Một trong những chân quỳ.
Tôi gặp ông Trần Đức Chính, ông Chính là con trai cụ đồ Tái nên cũng rõ sử làng hơn ai hết. Ông bảo, trước làng Phú Diễn không ở đây, mà ở cạnh Cầu Sắt. Vì cha ông có va chạm với người Cổ Nhuế nên mới chuyển nơi ở đến chỗ này.
Còn nói làng có đến nghìn tuổi không, thì cụ lắc đầu: “Không đến nghìn tuổi được. Bởi làng đầu tiên của Từ Liêm là làng Chèm. Khi người Phú Diễn va chạm với người Cổ Nhuế thì chuyển đến đây, tôi ước chừng vào khoảng bốn đến sáu trăm năm gì đó”.
Vậy thì theo một suy luận có lý thì giếng cổ này cũng ở dưới mức năm, sáu trăm năm mà thôi. Nhưng dù bao nhiêu năm chăng nữa, cái quý giá, cái mực thước mà giếng đem lại là thiêng liêng hơn mọi thứ làng còn.
Ông Chính bảo, dưới đáy giếng có ba phiến gỗ lim dầy lắm. Hàng năm, dân làng vẫn tát cạn nước thau giếng, tẩy uế. Phải đợi sau khi lấy nước giếng đem đi cúng thánh, làm lễ tắm tượng xong dân làng mới lấy nước. Chỉ trai tân, gái tân mới được vào giếng.
Giếng Phú Diễn lại ngon và ngọt lạ kỳ. Có năm hạn nhiều, các làng hết nước đều phải qua đây xin. Theo như lời truyền xưa để lại, thì trước khi đào giếng này, đã có thầy địa lý đến xem mạch rồi chỉ cho trai đinh đào xuống. Xuống chừng 8 thước ta thì gặp mạch phun. Mạch nước to như bắp chân người, cứ ồng ộc chảy cho đến khi đầy mới thôi.
“Giếng làng Phú Diễn đã nổi tiếng từ xưa. Làng lại phát xuất nhiều thầy nho nổi tiếng nên có người cho đấy là mạch nghiên bút. Đấy là quan niệm, đúng sai không quan trọng. Còn cái thế giếng lối chân quỳ dạ cá thì đây có một, chưa thấy cái thứ hai”.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Xương
(còn nữa)
Trần Hòa