Bóng giếng của Hà Nội

Tôi mạn phép lấy một cái tiêu đề mơ hồ ấy để đặt tên cho bài viết về giếng cổ Hà Nội, ngõ hầu cùng bạn đọc ngẫm nghĩ đến một góc cạnh nhỏ của văn hóa kinh kỳ. Nhưng tôi biết rằng, mỗi cái giếng là một số phận, có cái đoản mệnh, có cái đa đoan, lại có cái như biết nói biết nhắc người ta nhớ đến nó.

Giếng Trung Kính Thượng có từ thời Hùng Vương.

Kỳ 1: Lập làng là đào giếng

Làng Kính Chủ, nay là Trung Kính Thượng thuộc phường Trung Hòa (Cầu Giấy – Hà Nội) là một làng cổ có từ thời Hùng Vương. Chứng tích để minh chứng thì không gì thuyết phục bằng cái giếng cổ đá xanh đã mòn mép răng cưa.

Lễ giáo từ tên làng

Trước khi đi sâu vào câu chuyện giếng cổ Trung Kính Thượng, tôi xin được lược về tên làng mà dù mới chỉ nghe qua cũng khiến người ta nghĩ đến những nền nếp lễ giáo “trung chủ, kính trên”.

“Ngoài ba chữ nho “Thiên Quang Tỉnh” chỉ tên giếng, ở đây còn soạn đôi câu đối: Tỉnh khí lưu hậu thiên cổ dẫn/Tô Giang cận tiền vạn niên trường. Ý và tứ của câu đối ấy minh chứng cho một giếng quý, cổ và hiếm tồn tại mãi với thời gian”, cụ Trần Minh Hồng.

Khoan hãy bàn đến cái nền nếp ấy có giữ được trong thời làng lên phố, phố đè bẹp làng mà bao nhiêu tệ ấp xưa cũ của kinh kỳ đã vướng phải, đã lung lay và đã mất đi. Cứ hẵng bàn đến cái gốc gác, cái sự tích lẫn vị tổ làng để hiểu, dù chỉ một chút trầm tích văn hóa xưa.

Thú thật là, để tìm một người am hiểu làng Trung Kính Thượng không phải là dễ. Sau rất nhiều những dò hỏi, những tham vấn giới sử học mới biết cụ Trần Minh Hồng (85 tuổi) là người gốc làng. Cụ lại theo học Hán Nôm từ nhỏ nên bao nhiêu những chuyện, những tích đều được cụ nhớ cả.

Cụ Trần Minh Hồng là người tường những chuyện về giếng làng.

Khom mình bên chiếc chiếu cạp điều ngả màu, cụ Hồng đã bày la liệt trên đó bộ khay trà có đủ chén tống, chén quân và trịnh trọng tiếp người nghe chuyện như tiếp một quý khách. Giọng thật rền thật vang, cụ bắt đầu kể:

Không rõ được làng có từ bao giờ. Nhưng chắc chắn thời Hùng Vương đã có. Bởi lẽ làng thờ vị tướng của vua Hùng có tên nôm là Hùng Nõn tức Hùng Nộn công. Thành hoàng làng nguyên làm chủ trưởng Ô Châu. Khi giặc đến, ông được vua sai đóng quân tại làng Kính Chủ.

Tại đây, ông đã lấy người vợ lẽ thuộc dòng Nguyễn Đức, húy là Cẩn Nương. Khi giặc Bắc xâm lấn, Hùng Nộn được lệnh ra trận. 142 trai tráng của Kính Chủ đi theo phá tan giặc. Trở về, Hùng Nộn được Hùng Duệ Vương phong làm Bảo Quốc hầu, rồi Bảo Quốc công cho lập dinh ở Kính Chủ.

Cái tên Kính Chủ cũng nghĩa là tôn kính chủ nhân. Đến thời Lê thì tên làng đổi thành Trung Kính, nghĩa là ngoài tôn kính thì còn trung thành. Đến khi thôn trang tệ ấp đông dân thì gần nửa làng chuyển đến nơi khác phân ra Thượng – Hạ, còn gọi là làng Giàn.

Cái giếng quý nhất làng là giếng cổ bây giờ. Đó là bảo vật, là chứng tích cho việc lập làng – đào giếng sinh cơ lập nghiệp. Giếng gắn với làng, làng gắn với giếng, cả hai thứ gắn với con người. Hay ở chỗ đó, mà quý cũng ở chỗ đó.

Đất cao mà thủy tụ

Ở cái thế đất của làng Trung Kính ấy, người dù đã đông lên gấp bội, nhà cũng sát khít nhau không thừa một khe hở nhưng hồn làng còn nhận ra ở cái cổng kiểu cổ. Qua cổng này vài chục thước, phía tay trái là chiếc giếng bằng đá xanh đã bạc màu mòn miệng.

Thành giếng được xếp bằng những cối đá.

Giếng giờ không có nước, khô cong tận đáy. Từ đáy tới miệng, áng chừng gần hai mét dài. Dưới thành giếng có lẽ cũng độc đáo nhất, được xếp chồng nhau bằng những cối đá cũ.

Xung quanh, bao lấy giếng là hàng rào xây hình lục lăng có cột, có mái che. Phía chính giữa, có ban thờ trang trọng ba chữ Hán “Thiên Quang Tỉnh” viết theo lối chữ khải chứ không đá thảo rườm rà.

Cụ Hồng hấp háy mắt, chỉ vào ba chữ ấy, giải nghĩa: “Thiên Quang Tỉnh là giếng đón ánh sáng mặt trời. Tạm hiểu thế đi, còn sao lại thế thì tí nói sau. Nhưng này anh xem, thế đất này cao mà thủy lại tụ thì đích thị là đất tốt, có long mạch”.

Nhắc nhở của cụ Hồng quả không sai. Cứ bản đồ xưa chiếu với Hoàng thành Thăng Long thì rõ ấp Trung Kính ở phía Tây Nam. Phía ấy bao giờ cũng cao ráo, nhỉnh hẳn lên mà vùng Ba Vì là điển hình.

Biết là giếng quý, nhưng cụ Hồng cũng không giấu nổi những phiền muộn. Cụ nhắc đến cái quá vãng xa xưa, khi còn theo học thầy đồ làng mới thấy cả một thời vàng son mà giếng đem lại.

Rõ là với những cao niên, dĩ vãng bao giờ cũng đẹp hơn hiện tại. Nhưng cụ thành thật: “Giếng gắn với làng mới là giếng. Giếng gắn với phố thì tự nhiên thành thừa. Đấy, có giếng mà làm gì có nước. Mà có nước thì chắc gì dùng được”.

Cụ kể, xưa giếng này sâu đến chục thước. Xung quanh đá xanh xếp hộp, đáy rải cát vàng, nước trong như vắt. Lại bao giếng lục lăng, sớm chiều tụ hội, trẻ thì chơi nhởi, già thì thảnh thơi. Người lấy nước đồ xôi, kẻ xin nước pha trà. Giếng đúng là quý.

Giếng đã thành thần

Nói đến nước giếng cổ làng Trung Kính xưa. Cụ Hồng lại nhớ cả đến chuyện cả làng dùng chung một cái giếng mà không bao giờ cạn. Bởi người xưa khi đào giếng, bao giờ cũng nhìn thế mà đo tia đất cho trúng mạch. Bỏ sang một bên những chuyện mang tính phong thủy, nhưng chuyện giếng Trung Kính thành thần là điều có từ xa xưa.

Cổng làng Trung Khính Thượng.

Trên ban thờ phía giữa hình lục lăng, người ta bầy hương hoa nến thờ thần giếng. Gắn với tục ấy là chuyện mà hầu hết những người trong làng đã trải qua và thấy hiệu nghiệm là tục xin sữa.

Khi trong làng có phụ nữ mới sinh mà mất sữa, họ sẽ ra giếng khấn xin khai rõ tên tuổi dòng họ, hiện bệnh bản thân. Rồi sau đó, ngắt hai cành cây sữa bên cạnh gánh về như gánh nước treo ở đầu giường, tức thì sẽ có sữa cho con bú.

Không biết chuyện thật bao nhiêu phần tin được. Nhưng nhiều người cứ xót xa khi cái tục cũ ấy không khả dĩ nữa. Phần vì giếng chỉ còn là thứ trưng bày. Phần nữa là cây sữa đã không còn. Thay vào đấy là cây xoài chưa đủ cành lá.

Thứ duy nhất quý của giếng cổ bây giờ, mà theo cụ Hồng là ở cái thành giếng và miệng giếng mà thôi. Cầm cái ba toong có gắn chân quỳ, cụ Hồng chỉ vào những đường rãnh của miệng giếng đá:

“Mấy chục cái đường rãnh vào đá ấy là do các đời dùng dây gầu kéo nước. Nước chảy đá mòn, bền kéo đá sâu nên miệng giếng đá giống như răng cưa. Không biết bao nhiêu nhà sử học đến đây thăm giếng mà trầm trồ ở những khuyết tật của giếng. Ở người, khuyết tật là xấu; mà ở giếng đá, khuyết mép lại quý mới hay”.

“Làng Trung Kính Thượng có hai giếng, đều là giếng quý cả. Nhưng giếng đá đầu làng thì thờ thần. Lễ tết, bà con đều thực hiện nghi lễ tâm linh. Tuy giếng không thuộc công trình di tích, nhưng để gìn giữ giếng thì UBND phường đã chỉ đạo tôn tạo”.

Bà Phan Thị Hải Yến (Phó chủ tịch UBND phường Trung Hòa)

(còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top