Sản phẩm đồng ở phố cổ chủ yếu là hàng nhập
“Làm đồng nát còn hơn”
Phố Hàng Đồng dài đúng 130m từng là niềm tự hào của đất Kẻ Chợ, cũng là đất lành tụ nhiều thợ đồng giỏi nhất nước ta. Ngày nay, dạo qua con phố ấy, những cửa hàng vẫn ăm ắp đồ đồng đủ loại, từ đồ thờ cúng đến vật trang trí, chẳng thiếu thứ gì. Nhưng ai tinh tế sẽ nhận ra, ở con phố ấy thiếu đi hai thứ đặc trưng là tiếng gõ chạm đồng và thứ mùi ngai ngái.
“Hiện nay, nhà nước đã có chính sách ưu đãi đặc biệt không thu thuế với nghề đồng nhưng do đặc thù lao động thủ công vất vả, thu nhập không cao, ít thị trường nên nhiều người đã không còn gắn bó với đồng. Chúng tôi duy trì cũng vì đây là nghề truyến thống, chứ nếu không thì…”, nghệ nhân Ngô Thị Đan.
Câu trả lời rất đơn giản, bởi cả phố hầu như chẳng tìm đâu ra người gò đồng. Tất cả chuyển sang buôn bán, sản phẩm đồng được nhập về từ khắp các nơi, thậm chí cả hàng Trung Quốc. Vì vậy, phố Hàng Đồng giờ đây đã vắng bóng nghệ nhân, thay vào đó là những phường hội buôn bán.
Phố Hàng Đồng đã vắng bóng nghệ nhân
Chúng tôi vào hơn chục cửa hàng chỉ để đặt làm một sản phẩm nho nhỏ. Nhưng tất cả những gì chúng tôi nhận được chỉ là những lời khước từ ráo hoảnh hoặc những cái lắc đầu nguồi nguội. Một bà trung niên cất tiếng bảo rằng: “Cậu đặt làm đồng á? Không ai làm nữa đâu mà đặt, phí công thôi. Bảo chúng tôi làm đồng thì thà làm đồng nát còn hơn. Nghề này ngày xưa “ráo mồ hôi là hết tiền”, nhưng bây giờ “chưa ráo mồ hôi đã hết tiền” thì ai dại gì mà làm. Buôn bán cho nó lành, vừa có tiền lại chẳng vất vả gì, tôi nói thế có đúng không?”.
Nói rồi bà kéo tôi vào cửa hàng xem hàng trăm mẫu sản phẩm trưng bày. Từ mâm, bát đến não bạt, đèn đồng đều đủ cả. Bà bảo: “50% sản phẩm này là nhập từ Trung Quốc về, vừa rẻ vừa bóng bẩy. Tội gì mà phải cắm mặt vào cái lò lửa cho nó bạc mặt ra. Đấy cậu xem, cả phố người ta bán đồ đồng chứ có ai làm nữa đâu”.
Chuyện cũ nhắc lại
Không bỏ cuộc, chúng tôi tiếp tục tìm kiếm cho ra một vài nghệ nhân còn sót lại ở con phố này. May mắn thay, còn cụ Hoàng Văn Nõn ở số nhà 28. Cụ Nõn năm nay đã bước sang tuổi 80, nghề làm đồng đã vắt kiệt sức lực của một người vốn rất lực lưỡng lại thạo nghề.
Đèn đồng – một vật dụng còn sót lại của nghệ nhân phố cổ
Phải lấy hơi lâu lắm cụ Nõn mới nói được vài câu: “Ngày trước cả phố làm gò đồng. Từ già đến trẻ ai cũng làm, cả nước đến đây đặt hàng cơ mà. Đận những năm 1920 người ta còn xuất hàng sang nước ngoài bán. Gia đình tôi cũng 6,7 đời làm nghề này. Nghề vất vả lắm, nhưng nếu chịu khó làm thì chẳng bao giờ nghèo đâu”.
Cũng theo cụ Nõn, nguyên nhân phố Hàng Đồng bỏ nghề gia truyền cũng nhiều “vô thiên lủng” nhưng tựu chung lại với một lý do mà ai cũng nhìn thấy. Đấy là đận những năm sau đổi mới, có vài gia đình ở nơi khác chuyển đến, họ tham gia buôn bán đồ đồng chứ không tham gia sản xuất. Các hộ khác thấy buôn bán có lợi hơn lại nhàn hạ nên cứ theo nhau bỏ nghề. Một nhà, hai nhà rồi mười nhà, đến bây giờ là cả phố bỏ nghề.
Cháu nội cụ Nõn, anh Hoàng Xuân Thắng không cam chịu nhìn nghề gia truyền mai một, đã cố gắng học nghề truyền thống. Nhưng ai ngờ: “Giữa con sóng lớn thì con cá nhỏ bị vùi dập. Mình không buôn bán thì mình chết, thôi thì cứ vừa buôn bán vừa làm nghề. Nhưng làm chẳng được bao nhiêu, chỉ làm những thứ đơn giản nhỏ lẻ nếu có ai đặt hàng”, anh Thắng bộc lộ.
Nhìn từ “láng giềng”
Cụ Nõn thở dài vẻ não nuột lắm, bảo: “Anh có biết làng Ngũ Xá không? Ở đấy họ làm đồng chỉ sau phố cổ này thôi, ở đấy có nhiều nghệ nhân ra đi từ đây. Tôi mách cho anh một người, và hỏi xem ở đấy nghề cha ông có bị thất truyền như ở đây không?”.
Nghệ nhân Ngô Thị Đan
Chúng tôi tìm về làng Ngũ Xá, nghệ nhân nữ duy nhất của làng đồng nổi tiếng 500 năm là bà Ngô Thị Đan ở ngõ Nam Tràng. Khoảng những năm 70, khi chưa được truyền nghề, bà Đan đã tự nặn những bộ binh khí bằng đất sét và tạc tượng đòi hỏi kỹ thuật cao, thành công vượt xa những thợ bậc 6 lúc bấy giờ.
Sự khéo léo của người phụ nữ này khiến cụ Nguyễn Văn Tùy – thợ cả của làng cũng phải sửng sốt. Sau nhiều lần mục sở thị học trò tự tay làm nên những sản phẩm đó, cụ quyết định truyền nghề cho cô dâu dòng họ Nguyễn Văn.
Có một kỉ niệm trong nghề mà bà Đan nhớ mãi đó là vào năm 1991, một nhà buôn đồ cổ đã “chết đứng” khi thấy chiếc lư đồng giả cổ được bà bán với giá 60 nghìn đồng, mà trước đó ông ta mua lại của một nhà buôn khác với giá 800 USD.
Nước đồng giả cổ với màu xanh rêu tinh tế trong khe rãnh được bà sáng tạo quá đỗi tự nhiên đã khiến các tay buôn đồ cổ sành sỏi nhất cũng không thể phát hiện được. Sau lần ấy, tay nhà buôn đặt hàng bà sản xuất những lư, triện, tượng giả cổ với giá hời nhưng bà từ chối.
Bà Đan cho hay, một trong những niềm tự hào của Ngũ Xã có thể kể đến quả chuông cao 1,5m và pho tượng Quan Thánh đền Trấn Vũ. Tượng được hun màu đen bóng, cao 3,72m, nặng khoảng 3000kg. Tượng A-Di-Đà tại chùa Thần Quang là một công trình tuyệt mỹ, pho tượng đúc liền đòi hỏi tay nghề, kỹ thuật cực cao, tượng nặng tới 10 tấn, cao gần 4m.
Ấy vậy mà trăn trở đối với bà Đan hiện nay không phải là ít. Bà than thở, nghề truyền thống đang ngày càng mai một, làng nghề với 500 năm có nguy cơ bị biến mất y hệt phố cổ nếu không có kế hoạch bảo tồn phát triển. Bà Đan bảo: “Cứ nhìn cái gương phố Hàng Đồng mà gai cả người.
Nhiều nghệ nhân làng Ngũ Xá cũng thành danh từ con phố ấy, bây giờ nhìn lại đều tiếc. Nhưng biết đâu đấy, rất có thể Ngũ Xá rồi sẽ chịu chung số phận đau khổ với nghề gia truyền như ở phố cổ bây giờ”.
“Dù thế hệ trẻ bây giờ đã quay lưng lại với nghề gia truyền nhưng tôi cũng chẳng trách được. Thị trường bây giờ như thế thì làm đồng cũng như làm những nghề khác đều rất khó khăn. Tôi chỉ truyền lại cho con cháu một tâm niệm rằng, cái lý thuyết rất thấm với người Hà Nội là bởi đó là thứ nghề cha ông nên hãy yêu và giữ nó chừng nào trái tim còn đập”, nghệ nhân Hoàng Văn Nõn.
(còn nữa)
Trần Hoà