Hình minh họa.
Cái kết quả mới được công bố: trên 94% khách du lịch nước ngoài đánh giá tốt về chất lượng phục vụ của du lịch Việt Nam, đã khiến nhiều người nghi ngờ.
Bởi vì nếu tốt thế, tại sao số lượng khách tới Việt Nam lại liên tục sụt giảm? Nếu tốt thế thì cần gì phải thay đổi, phải đầu tư, phát triển nữa?
Vậy nên không hiểu kết quả trên kia để làm gì? Để chúng ta vỗ tay khen ngành du lịch, tự hào vì du lịch nước mình được đánh giá cao đến như vậy, để làm chứng cứ phản bác những ý kiến cho rằng du lịch Việt Nam yếu kém… để yên tâm là cứ làm như hiện nay là đã tốt rồi.
Tôi thấy cái kết quả ấy nó cũng giống như kết quả cuối năm học: hơn 90% học sinh giỏi. Giỏi thế để làm gì trong khi nó chưa phản ánh đúng lực học thực của học sinh.
Những kết quả đó chỉ có tác dụng làm đẹp cho học bạ của học sinh, làm đẹp cho sổ điểm của cô, cho thành tích của nhà trường.
Nếu cứ tin vào những danh hiệu ảo đó thì có ngày phụ huynh sẽ phải ngã ngửa vì những bài khảo sát chất lượng nghiêm túc khiến thực chất lực học của con cái mình bị phơi bày.
Và cũng giống như sự xếp hạng về giáo dục vừa rồi mà theo đó Việt Nam đứng hàng thứ 12 trên thế giới. Xếp hạng cao như thế để làm gì trong khi ngày càng có nhiều phụ huynh cho con đi du học bằng mọi cách, mà chúng ta vẫn nói vui là đi tị nạn giáo dục.
Những con số thống kê có tác dụng như một kim chỉ nam để ta biết mình đang ở đâu so với thế giới, so với những người xung quanh.
Từ đó ta biết mình còn thiếu gì, còn yếu về mặt nào để mà phấn đấu, để chỉnh sửa, mạnh ở mặt nào để còn phát huy…
Thế nên những con số chỉ có giá trị khi nó phản ánh trung thực, đánh giá đúng thực lực. Còn nếu chỉ vì thành tích, chỉ vì thi đua thì nhiều khi nó vô giá trị, chỉ có tác dụng như một sự trang trí, nếu không muốn nói là phản tác dụng vì nó như một liều thuốc an thần khiến người ta bị ru ngủ trong ảo tưởng.
Điều chúng ta học được từ đây là cần phải cảnh giác với những con số trong các báo cáo. Mà hãy quan tâm đến cái kết quả cuối cùng.
Minh Anh