PGS.TS Bùi Văn Nhơn, nguyên Giảng viên cao cấp, Học viện Hành chính Quốc gia.
Về hưu coi như giảm biên chế
Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 257 cuộc kiểm toán trong năm 2017, trong đó riêng về công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động đã phát hiện bộ máy thừa đến hơn 57.000 người. Tôi tự hỏi, quy trình tuyển dụng 1 cán bộ vốn rất chặt chẽ, sao lại thừa được?
Khách quan mà nói, hiện số lượng cán bộ công chức tính trên đầu dân là không lớn lắm. Số cán bộ công chức làm việc trong hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp lại càng không lớn, mà số cán bộ trong các hội, đoàn thể chiếm phần nhiều. Khi giảng dạy, tôi cũng nói nhiều về vấn đề này. Để giảm gánh nặng ngân sách thì phải đưa tất cả những người không làm việc trong hệ thống hành chính sự nghiệp ra khỏi hệ thống công chức. Còn nếu chúng ta cứ gộp hết cả các đoàn thể vào thì đây là một đội ngũ cực kỳ đông đảo.
Vì sao số lượng công chức cứ đông lên mãi, thậm chí là thừa?
Lỗi nằm ở luật. Hiện chúng ta không quy định chặt chẽ ngạch, bậc cụ thể, không ngăn việc tuyển người của các tổ chức. Dẫn đến là đua nhau tuyển dụng không kiểm soát. Mạnh ai người nấy tuyển. Thậm chí người về hưu nhưng lại báo cáo là giảm biên chế để lấy thành tích. Rồi chế độ trả lương chỉ căn cứ vào ngạch bậc mà không dựa trên hiệu quả công việc. Cứ dựa trên danh sách mà chi trả lương thôi. Do đó, không hạn chế được việc tuyển dụng. Thậm chí là tuyển dụng càng nhiều, cán bộ càng đông thì càng có cớ để xin nhiều ô tô.
Người ta vẫn than vãn về hiệu quả làm việc của cán bộ công chức, đông mà chưa tinh, phải chăng vì cơ chế này?
Nói thẳng là số lượng cán bộ công chức thì đông, nhưng số người làm việc ít do không trả lương theo hiệu quả. Người ta cứ làm việc bình bình, đủng đỉnh, không đuổi người ta đi được. Việc ít, người ta cứ chia nhỏ ra mà làm. Trong khi cán bộ công chức ở các nước khác như Nhật Bản, ngoài 8 tiếng, người ta còn phải làm thêm cật lực mới hết việc. Còn ở ta cứ đủng đỉnh, thư thả.
Các bộ ngành, hàng năm đều có chỉ tiêu biên chế, vì sao lại dẫn đến tình trạng thừa?
Có chỉ tiêu rõ ràng đấy, nhưng trong năm, các bộ, ngành, địa phương cứ báo cáo phát sinh thêm việc, nên phải bổ sung thêm nhân sự. Giống như quy hoạch bị phá nát bởi người ta cứ điều chỉnh, bổ sung, làm rồi lại phá đi. Còn nếu thực hiện đúng quy hoạch ngay từ ban đầu thì không có vấn đề gì. Đó là nguyên nhân làm phình bộ máy.
Trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm tới tấp
Ông vừa nói có tình trạng người nghỉ hưu lại cho vào danh sách giảm biên chế để làm gì?
Giảm biên chế là cắt giảm những vị trí không cần thiết, tăng hiệu quả ở các vị trí công việc, chứ không phải là đưa người nghỉ hưu, mất sức vào danh sách biên chế để lấy thành tích, rằng tôi cũng giảm biên chế đấy chứ! Thế thì nói làm gì.
Biên chế tăng, trong khi chủ trương giảm, theo ông lỗi là do ai?
Bởi ai cũng thích tuyển dụng thêm, vì chẳng ai phải bỏ tiền túi ra trả lương cho cán bộ cả. Có lãnh đạo trước khi về hưu bổ nhiệm tới tấp mấy chục vị trí lãnh đao. Người ta đã kiểm tra ra rồi đấy. Rồi thì có người tuyển mới hàng chục cán bộ, mỗi suât vài chục cây vàng. Công chức dù lương thấp nhưng ổn định, người ta vào đó có cơ hội để kiếm lại nên sẵn sàng đầu tư. Tình trạng mua quan bán chức vì thế cũng vẫn là nỗi nhức nhối.
Thế thì buồn quá!
Giờ người ta vẫn nói với nhau, để lên chức không đơn giản. Nếu chỉ có tài năng, nếu cứ “ngồi im” thì dù có tài đến mấy cũng còn lâu mới lên được. Tiêu cực vẫn còn nặng nề, nó làm cho biên chế không những không giảm mà còn tăng lên.
Liệu có cách nào để xiết lại công tác này?
Khó lắm, vì để đổi mới phải đổi mới cả thể chế, luật cán bộ công chức, thực thu luật. Nếu vẫn còn tình trạng phạt 500 triệu đồng rồi giữ nguyên biệt phủ thì làm sao chống được tham nhũng. Giờ phải có quy định rõ ràng, vì không có quy định cụ thể nên chỗ nào cũng kêu thiếu người, chẳng ai nhận là cơ quan mình thừa người. Thế thì việc giảm biên chế sẽ vô cùng khó khăn.
Nếu tự nhận đơn vị mình thừa người thì hóa ra là có sai phạm trong tuyển dụng?
Thì thế, nên cứ thử hỏi mà xem, chắc là sẽ không ai nhận cơ quan mình đang thừa người đâu.
Thanh tra cán bộ như kiểm tra tài chính
Theo ông, có giải pháp nào căn cơ để ngăn chặn tình trạng bộ máy cứ phình ra do số lượng cán bộ công chức tăng?
Tôi cho rằng cần đưa vào luật quy định cụ thể về số lượng biên chế. Quy định cụ thể bao nhiêu biên chế, trở thành luật để các cơ quan thực hiện. Tăng cường khâu báo cáo, kiểm tra, minh bạch công tác cán bộ. Có nơi lấy lý do số lượng cơ cấu cán bộ công chức trong cơ quan là bí mật, giấu nhẹm đi là không ổn.
Các cơ quan cần công khai số lượng người, số lượng tuyển dụng hàng năm, vào bao nhiêu, ra bao nhiêu. Giờ đi tìm con số này là rất khó, gần như không có.
Công khai số lượng này để làm gì thưa ông?
Để ai cũng có thể giám sát được. Giờ công nghệ thông tin rất phát triển rồi, cần thì có thể vào mạng là cập nhật được ngay. Giờ phải cải tiến khâu cung cấp thông tin, không thể cứ động đến kiểm tra là có sai phạm, còn không thì chẳng ai biết gì.
Phải thanh tra công tác cán bộ thường xuyên. Nếu như năm nào người ta cũng phải thanh tra tài chính, kế toán, thì công tác cán bộ cũng phải được thực hiện như vậy.
Chuyện giảm biên chế đã nói từ lâu, theo ông thì đến bao giờ mới thực hiện được, thay vì chỉ hô hào?
Chúng ta đang đứng trước quá nhiều sức ép buộc phải cải cách bộ máy, trong đó phải kể đến sức ép về chi tiêu. Hiện nay chi tiêu nuôi bộ máy chiếm một tỷ trọng rất lớn và lớn chưa từng thấy trong ngân sách (hiện chi thường xuyên dao động khoảng 70% ngân sách), trong khi sức ép nợ công ngày càng lớn.
Nếu không cải cách bộ máy mà cứ để phình ra thì không ngân sách nào nuôi nổi, nhất là với bộ máy có quá nhiều người làm lãnh đạo, người làm việc lại không hiệu quả.
Để làm được, hẳn phải rất quyết liệt?
Cần phải loại khỏi bộ máy những cán bộ, công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc. Xem xét lại chỗ nào thừa, cắt ngay lập tức. Không thể đưa ra con số rồi để đấy. Về tổng thể thừa, nhưng nơi nào cũng bảo chỗ mình thiếu, cần tuyển thêm, thì không ổn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Kiểm toán Nhà nước, trong năm 2017, toàn ngành đã xử lý tài chính 43.660 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng. Con số này tăng 12,5% so với năm 2016 (năm 2016 là 38.776 tỷ đồng). Đối với công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động, sau khi phát hiện thừa 57.175 người, Kiểm toán Nhà nước đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý.
Tô Hội (thực hiện)