Bóng giếng Hà Nội – Kỳ 7: Bốn giếng quý làng Xuân Tảo

P

Hệ thống giếng cổ của làng Xuân Tảo xưa khá đa dạng. Với thế đất gần với sông Hồng, mạch nước ngầm chảy mãi nên ở đây, từ xưa đã hình thành những cái giếng hữu dụng và đẹp mắt. Nhưng mỗi giếng một kiểu, và cũng gắn với những câu chuyện riêng.

Giếng “ăn” mạch sông Hồng

Cụ Phạm Đình Trung, 78 tuổi là lớp người già rành rẽ những chuyện về làng xã hơn ai hết. Cụ bảo, trước đây Xuân Tảo nhiều giếng lắm, nhưng rồi từ khi có nước sạch thì giếng cứ bị lấp dần. Mà “cái anh nước sạch” không sợ bằng “cái anh đô thị hóa”.

“Cũng biết giếng cổ giếng quý đấy, là bảo vật, là tâm linh đấy nhưng bây giờ biết sao. Không đóng miệng giếng lại thì nào là bụi, là rác, rồi còn nguy hiểm cho trẻ con. Nhưng thực tình, khi thiết kế khung thép khóa miệng giếng, chúng tôi cũng thấy không đành”, cụ Phạm Đình Trung.

Cũng bởi đô thị hóa, rồi san lấp làm đường, làm trường học mà giếng Chợ ở gần trung tâm làng bị phá. Giếng đẹp, nước giếng ấy là của chung, tuy chỉ để rửa chân tay nhưng dáng giếng vừa mỹ miều lại gân guốc.

Giếng Lộc lặng lẽ dưới miếu thờ.

Cho nên bây giờ, ở Xuân Tảo quý nhất là giếng Đông. Giếng nằm ven đường ngay đầu ngõ Bún. Giếng đã bị “khóa miệng” để tránh những rủi ro khi con trẻ nghịch ngợm.

Từ bên ngoài tường bao ngó vào, thành giếng trát lớp xi măng đã cũ. Đấy là kết quả của trùng tu mới đây. Chứ xưa kia, mà theo như cụ Trung thì giếng hoàn toàn bằng gạch vồ (tức loại gạch vuông) ghép lại mà thành. Giếng sâu đến hơn chục mét ta. Nước trong, mát và ngọt lịm lưỡi.

Dưới đáy giếng, người xưa đặt xuống những phiến gỗ lim dầy và chắc chắn lắm. Mạch nước ăn với sông Hồng nên thấy nước giếng cao là y như rằng, nước sông Hồng đang lên.

“Trước, những bà đi chợ còn lấy nón múc nước để uống. Khi lũ lên, bao giờ nước cũng dâng tràn miệng giếng. Chúng tôi không gọi đây là giếng thần, cũng không lập ban thờ cúng tế, nhưng trong tâm thức mỗi người thì giếng Đông là bảo vật linh thiêng”, cụ Trung cho hay.

Giếng thời Mã Viện

Cách giếng Đông một đoạn đường dài là giếng làng Giàn. Theo truyền thuyết kể lại thì giếng có từ thời Mã Viện đem quân sang xâm lược nước ta. Giếng làng Giàn được lập ban thờ, cúng tế hàng năm rất uy nghiêm.

Giếng Đông ở đầu ngõ Bún.

Nhiều nhà nghiên cứu khi đến thăm làng cho rằng, giếng được đào vào khoảng những năm 1016 – 1018 cùng thời điểm khởi dựng đình Giàn. Giả thuyết được cho là hợp lý vì thông thường khi lập làng bao giờ người ta cũng đào giếng, xây đình gắn kết cộng đồng.

Kề bên miếu Vũ thôn Nhang cũng có một chiếc giếng đá. Hình như giếng và miếu ở Xuân Tảo cứ mãi khăng khít với nhau. Tương truyền miếu Vũ được khởi dụng vào thời nhà Lý thờ hai vợ chồng ông bà Vũ Phục người làng Thượng Cát đã gieo mình xuống sông để chữa bệnh đau mắt cho vua.

Khác với giếng làng Giàn, thành giếng thôn Nhang không cao, chỉ chừng 30cm nhưng được tạo bằng đá liền khối. Theo quan sát của chúng tôi, thành miệng giếng đã có nhiều vết lõm sâu. Đây rõ ràng là dấu tích đời này sang đời khác, dây gầu kéo nước ghì vào mà thành.

Giờ giếng nước thôn Nhang đã không còn được sử dụng, nó cũng giống như các giếng khác của làng, người ta đã thiết kế hẳn những cái khung sắt khóa lại hoặc dùng một miếng bê tông đậy lên miệng giếng.

Còn ở thôn Trung, phía bên phải đình Xuân Tảo là một cổ giếng. Tên giếng được gắn với tên thôn tên xóm. Giếng này khá giống với giếng Lộc ở ngay ngã ba. Cả hai giếng đều có tường bao bảo vệ, phân định rạch ròi giữa giếng với đình; hoặc giữa giếng với đường làng, nhà dân.

Lịch sử của giếng thì hầu như chẳng ai được biết, như cụ Vọng ở cạnh giếng Lộc đã khẳng định: Sinh ra là thấy giếng rồi. Giếng ngày xưa tuy là quý, nhưng có ai biết rồi đây nó sẽ mai một đâu mà hỏi gốc tích, lịch sử.

Độc đáo tục giếng

Nếu đem giếng Xuân Tảo mà sánh vẻ mỹ thuật, cầu kỳ với giếng làng Phú Diễn thì e rằng hơi khập khiễng. Nhưng bù lại, theo như cụ Vọng và cụ Trung thì ở đây có những tục lệ, lễ nghi độc đáo liên quan đến giếng.

Giếng Trung ẩn mình trong đình Xuân Tảo.

Từ xưa, cứ vào ngày 15/3 âm lịch hàng năm, người dân lại tổ chức lễ kỳ an cầu mát. Có một việc không thể thiếu trong nghi lễ này là “thau giếng”. Chỉ những trai làng mạnh khỏe, chưa vợ mới được tuyển chọn để xuống thau giếng mà thôi.

Hội làng Giàn mở từ mùng 9 tới 11/2 âm lịch. Điểm nhấn của lễ hội là nghi lễ rước nước từ chiếc giếng cổ về đình làng. Sau khi các cụ cao niên làm lễ xin nước, hai thanh niên được chọn sẽ mặc áo đỏ, gánh nước bằng tay đòn sơn son. Họ chạy khắp làng, đi vào nhà dân tùy hứng. Người dân tin rằng nhà nào được gánh nước ghé thăm sẽ có lộc cả năm.

Vì không được sử dụng nên cỏ mọc um tùm bên thành giếng.

Thật là giếng xưa để lại sao mà quý mà thiêng. Nhưng khi đi một lượt các giếng ở Xuân Đỉnh mà thăm thì tôi lại cảm thấy có gì đó không ổn và cũng hơi buồn. Giếng vốn để dùng, nhưng giờ nước sạch thay nước giếng nên đúng như các cụ nói “có mới nới cũ”.

Phần nữa, các giếng giờ như bị cầm tù, hoặc như bị bịt miệng. Mà cả hai nghĩa ấy đều đúng thực. Giếng bị khóa lại rất mất thẩm mỹ. Người yêu giếng chỉ có thể nhòm qua những khe, những ô vuông vức của khung sắt mà ngắm đáy.

Nhưng bảo có cách nào bảo tồn mà giếng vẫn an toàn, vẫn đạt thẩm mỹ hay không, thì e là hơi khó. Có lẽ, cũng phải biết chấp nhận khi làng lên phố thì những cái giếng kia chỉ còn lại cái bóng trong tâm trí những người lão bộc, điều đó đã là may mắn rồi.

Tôi nghĩ, việc xác định tuổi giếng làng Xuân Tảo là khó. Và việc đó cũng không thực sự cần thiết. Nhưng cái hay và cũng quý mà Xuân Tảo tạo dựng rồi giữ được là ở những cái tục lệ, lễ nghi hàng năm đối với giếng. Nó cho thấy một cuộc sống giàu tâm linh và rất phong phú”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Khắc Xương.

(còn nữa)

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top