Trồng chuối như chơi… xổ số
Chỉ cần đến bãi Phù Đổng (Bắc Giang, Hà Nội) hỏi vườn chuối anh Tuấn Sóc Sơn (Trần Văn Tuấn, hơn 50 tuổi) ai cũng biết rõ. Bởi anh là một trong những người có thâm niên trồng chuối ở bãi này. Đồng thời, vào dịp Tết, đây là một trong những nhà vườn nhộn nhịp xe ra vào chở hàng đổ đi khắp nơi.
Anh Tuấn, nhà ở Sóc Sơn lên đây trồng chuối nên bà con ở đây gọi anh là Tuấn Sóc Sơn. Vườn anh có hơn 7.000 gốc chuối với cả hai loại chuối tiêu và Tây. Theo anh Tuấn, người trồng chuối đón Tết rất sớm và dài ngày, bắt đầu từ tháng 11 âm lịch đến ra Giêng.
Đó là lúc bãi chuối đông đúc, nhộn nhịp bởi các thương lái đến xem chuối, mua vườn chờ dịp Tết chỉ đến chặt và bung ra bán lẻ. Năm nay vườn chuối anh rất được mùa, nhiều buồng chuối ra đúng dịp Tết, quả đẹp khiến anh hy vọng vào một cái Tết đầy đủ.
Nhưng anh cũng chia sẻ rằng, dân trồng chuối vất vả cũng như chảy nước mắt vì giống cây này nhiều lắm. Đó là khi họ phải bất lực chứng kiến cây chuối do tay mình chăm từ khi nhú mầm đến lớn quá đầu người bị gió bão quật ngã hay bệnh virus khiến cây chết dần.
Anh chia sẻ: Có hai nỗi lo lớn nhất của người trồng chuối là gió bão và bệnh virus. Nếu như cây ăn quả khác gió cấp 8 vẫn bình thường thì cây chuối đã đổ rạp chỉ còn gốc. Nhiều hôm khi bắt đầu gió giật vẫn thấy vườn xanh um, 15 phút sau ra thấy quang cả trời vì chuối đã ngã rạp. Loài cây này lại đổ theo hiệu ứng, cây này đè lên cây kia nên vườn coi như bỏ.
Không những thế, nông dân trồng chuối còn đối mặt với bệnh virus, dân gian còn gọi là bệnh nhậy. Chuối bị bệnh này sẽ vàng lá, sau đó chết dần chết mòn. Virus lây lan theo mạch đất, côn trùng chích hút nên nhiều người phải bỏ vườn vì mất trắng tay.
Do đó, dân trồng chuối bãi sông thường hay có một điều ước là nước dâng lên cao để thau đất, diệt sâu bệnh. Nếu không được mẹ tự nhiên thương, họ không dám trồng cây chuối trên nền đất cũ sang năm thứ hai.
“Những ngày mưa bão hay cây có biểu hiện bệnh vàng lá, dân trồng chuối mất ăn mất ngủ. Cả gia tài đặt ngoài ruộng, bao ngày công phơi sương phơi nắng có nguy cơ không còn giá trị gì. Vì thế, chúng tôi xem trồng chuối như đánh xổ số, được mất chỉ tính ăn may”, anh Tuấn tâm sự.
Nhưng trong cái khó ló cái khôn, người dân đã áp dụng kỹ thuật để khắc phục. Như họ cập nhật giống mới là chuối tây Thái cao, Thái lùn có khả năng chịu được bệnh virus lên đến 90 – 95%. Kèm theo đó, luôn kèm từng cây để phòng khi cây mẹ bị thì cây con vẫn có thể phục hồi…
Cách chọn chuối dâng tổ tiên ngon, đẹp
Chỉ vào các buồng chuối chuẩn bị cho dịp Tết, anh Tuấn bảo, không dễ dàng có những buồng chuối đẹp thế này. Thay vào đó, người trồng phải chăm rất kỹ. Ví dụ như để buồng chuối nhiều nải, mỗi nải đông “con” thì ngoài việc trồng đúng vụ để quả to thì phải có sự làm đẹp bằng chính đôi tay của người thợ vườn.
Đó là, phải xử lý chống nấm, kích thích để cây và quả phát triển, dùng túi nilon bao phía ngoài từng buồng ngăn ruồi vàng chích, mưa và sương muối. Lúc này quả chuối không những không bị bụi bẩn mà còn không bị xỉn, xám, giữ được râu ria.
Thông qua đó, anh Tuấn chia sẻ cách chọn chuối dâng tổ tiên đẹp, ngon, để thắp hương ngày Tết. Đó là nên chọn mua nải chuối đang xanh (màu xanh trong), quả chuối căng mẩy hay còn gọi là béo. Đây là dấu hiệu chuối đã trổ mã, sắp chín, được chăm bón tốt và còn nguyên lá (trên 10 tàu) nên đủ chất, ăn sẽ ngon ngọt.
Ngược lại, không nên chọn nải chuối có quả bé, trông còi cọc hoặc màu xanh bạc. Quả bé thể hiện chuối có thể ra không chính vụ, không được chăm sóc tốt nên không những không đẹp mà còn ăn không ngon. Nhiều quả xanh là do cắt khi còn non nên rất khó chín.
Ngoài ra, chọn chuối dâng tổ tiên ngày Tết cần nhất là vẫn còn nguyên râu ria. Theo đó, buồng chuối chăm đủ dinh dưỡng, bao nilon kỹ râu sẽ có phấn mốc trắng, ria màu đen tuyền. Còn kém dinh dưỡng râu sẽ bị rụng hoặc không có phấn mốc.
Phân biệt chuối dấm hóa chất
Khi đưa về nhà thắp hương, nải chuối xanh đẹp sẽ chín sau khoảng 10 – 15 ngày. Ngày lạnh, chuối sẽ lâu chín hơn ngày nắng ấm. Nếu chuối sau khi hạ xuống ban thờ chưa chín, người dân có thể ủ hương để tăng nhiệt độ giúp chuối chín nhanh hơn.
Cách làm như sau: Cho vào thùng xốp, phía dưới lót giấy bạc và cắm 1 cây hương, đậy chăn lên trên. Cắm khoảng ba tuần hương là vừa đủ. Tuy nhiên, khi chuối có màu vàng chưa nên ăn vì sẽ cảm giác kém ngon, sồn sột. Thay vào đó khi chuối chín thẫm, vỏ gieo và bám sát vào thịt quả ăn là ngon nhất.
Là một người trồng chuối, anh Tuấn khuyên người dân nên cẩn trọng khi chọn chuối dâng tổ tiên, nhất là chuối được cho là chín cây. Theo kinh nghiệm của anh, chuối được cắt khi còn xanh, không ai để chuối chín mới hái (trừ chuối vườn nhà ăn). Quá trình chín có thể thông qua dấm hương, ủ trấu hoặc nhúng thuốc. Mua chuối xanh, quả to về nhà để chín ăn sẽ an toàn nhất.
Ngoài ra, lưu ý khi chọn chuối dâng tổ tiên, có thể phân biệt chuối chín cây, chín do nhúng hóa chất và chín ủ như sau: Chuối chín cây có đài tươi nhưng động vào sẽ rụng (còn được ví mẹ già như chuối chín cây), ăn quả chuối ngọt. Chuối chín nhúng hóa chất có thể đài vẫn tươi, nhưng lắc không rụng, ăn mềm nhèo nhẽo.
Còn chuối xanh cắt sau đó để chín tự nhiên hay dấm hương, ủ trấu sẽ có đài hơi hanh, lắc quả không gãy hay rơi. Nhất là quả chuối dạng này sẽ có độ héo nhưng dẻo, vỏ hơi thâm nhưng bóc ra bên trong trắng nõn, ăn ngọt sắc và rắn đanh. Trong khi đó quả chuối dấm hóa chất sẽ nhanh rơi ra, ăn mềm nhèo nhèo.