Bác sĩ chỉ rõ những xét nghiệm phụ nữ trên 40 tuổi nên làm

Qua giai đoạn tuổi 40 phụ nữ phải đối diện nhiều thay đổi bên trong cơ thể như nhan sắc, sức khỏe, tâm sinh lý. Đây là mốc thời gian cơ thể người phụ nữ có nhiều biến chuyển nên cần xét nghiệm tầm soát.

Kiểm tra đường huyết

Việc tiêu thụ quá nhiều các loại thực phẩm không tốt cho sức khỏe, chẳng hạn như: Xúc xích, khoai tây chiên, soda; kèm theo sự tăng cân do thay đổi hormone đã khiến cho tuyến tụy của cơ thể phải hoạt động quá mức cho phép. Tình trạng này nếu không được cải thiện sớm có thể dẫn tới bệnh tiểu đường.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyến cáo những người trên 45 tuổi nên được kiểm tra đường huyết lúc đói, và cứ sau ba năm lại thực hiện xét nghiệm một lần. Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể yêu cầu bạn kiểm tra đường huyết sớm hơn, hoặc thường xuyên hơn tùy thuộc vào các yếu tố rủi ro về sức khỏe của bạn.

Kiểm tra ngực và chụp quang tuyến vú

Ung thư vú là một trong những căn bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Do đó, việc kiểm tra vú thường xuyên là một điều vô cùng quan trọng nhằm phát hiện ra ung thư từ sớm và có biện pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, những phụ nữ có độ tuổi từ 40 trở lên nên tự kiểm tra vú định kỳ tại nhà, hoặc đi khám vú 1 lần/năm.

Đối với trường hợp tự kiểm tra vú tại nhà, bạn nên theo dõi về những dấu hiệu thay đổi của vú, chẳng hạn như: Sự khác biệt về hình dạng, kích thước, hay có xuất hiện bất kỳ nốt phát ban hoặc khối u nào bên trong vú hay không.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, phụ nữ sau 40 tuổi cũng nên thực hiện chụp X quang tuyến vú để sàng lọc ung thư vú. Ở người Việt Nam do mô vú đặc nên xét nghiệm sàng lọc thường phối hợp giữa X quang tuyến vú và siêu âm vú. Các xét nghiệm có thể được thực hiện định kỳ mỗi năm một lần, hoặc cách năm.

Bác sĩ chỉ rõ những xét nghiệm phụ nữ trên 40 tuổi nên làm - ảnh minh họa

Bác sĩ chỉ rõ những xét nghiệm phụ nữ trên 40 tuổi nên làm - ảnh minh họa

Sàng lọc ung thư đại trực tràng

Như tên gọi, những xét nghiệm này được tiến hành để đánh giá sàng lọc nguy cơ ung thư của đại tràng và trực tràng, bằng cách:

Nội soi đại tràng được ưu tiên tiến hành mỗi 10 năm hoặc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc khác từ tuổi 50. Người Mỹ gốc Phi được khuyên bắt đầu tầm soát từ tuổi 45.

Những biện pháp khác bao gồm các xét nghiệm sau đây:

Xét nghiệm Hồng cầu trong phân (FOBT) hàng năm hoặc xét nghiệm hóa miễn dịch phân với độ nhạy với ung thư cao.

Nội soi đại tràng sigma bằng ống soi mềm mỗi 05 năm

Chụp X quang với thuốc cản quang (kỹ thuật chụp đối quang kép - double contrast barium enema) mỗi 05 năm

Chụp cắt lớp mỗi 05 năm

Xét nghiệm DNA phân (không xác định thời gian)

Kiểm tra nồng độ cholesterol

Cholesterol là một loại chất béo, được sản xuất từ gan của cơ thể. Bạn có thể nhận được nhiều lượng cholesterol hơn thông qua một số loại thực phẩm, bao gồm động vật.

Tuy nhiên, nếu cơ thể có quá nhiều cholesterol, chúng sẽ tích tụ lại tại thành của động mạch, gây ra tình trạng xơ vữa động mạch, làm thu hẹp động mạch và khiến máu khó lưu thông hơn.

Theo thống kê, tại Mỹ có hơn 71 triệu người trưởng thành có mức cholesterol cao, một trong những yếu tố hàng đầu dẫn đến các cơn đau tim hoặc đột quỵ. Để biết được chính xác mức cholesterol trong cơ thể, bạn cần phải thực hiện xét nghiệm cholesterol trong máu theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Nếu nồng độ cholesterol LDL (Lipoprotein mật độ thấp- cholesterol xấu) là 190 mg/dL trở lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, và bệnh nhân nên được điều trị tích cực, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, lối sống, hoặc sử dụng liệu pháp statin.

Các bác sĩ thường khuyến cáo những người trưởng thành trên 20 tuổi nên kiểm tra cholesterol khoảng 5 năm/lần. Ngoài ra, những người có nguy cơ hoặc có tiền sử gia đình bị mắc bệnh tim cũng cần được kiểm tra nồng độ cholesterol thường xuyên hơn.

Kiểm tra huyết áp

Đối với một người khỏe mạnh sẽ có chỉ số huyết áp tâm thu bình thường là dưới 120 và huyết áp tâm trương bình thường là thấp hơn 80.

Nếu huyết áp tăng cao, trong đó huyết áp tâm thu dao động từ 120-129, và huyết áp tâm trương dưới 80; bạn nên kiểm tra mức huyết áp khoảng 3-6 tháng một lần.

Nếu bị tăng huyết áp giai đoạn 1 (130-139/89-90), bệnh nhân nên thay đổi lối sống lành mạnh hơn và lên lịch tái khám sau 3-6 tháng.

Những người bị tăng huyết áp giai đoạn 2 (140/90, thậm chí là cao hơn) có thể phải sử dụng thuốc để điều chỉnh mức huyết áp, và thường tái khám sau một tháng.

Kiểm tra mắt

Bạn nên đi kiểm tra mắt thường xuyên cứ sau 1-2 năm cho đến khi 60 tuổi. Điều này giúp phát hiện sớm những vấn đề phổ biến ở mắt, như viễn thị, cận thị, tăng nhãn áp, hoặc thoái hóa điểm vàng.

Tần suất kiểm tra mắt có thể thường xuyên hơn nếu bạn là người có vấn đề về thị lực hoặc các yếu tố rủi ro gây ra các vấn đề về mắt.

Hóc môn tuyến giáp

Để kiểm tra xem tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm nội tiết tuyến giáp.

Khám vùng chậu và xét nghiệm Pap

Những phụ nữ sau 40 tuổi vẫn cần phải thực hiện khám vùng chậu và xét nghiệm Pap định kỳ, đặc biệt là những người có các hoạt động tình dục. Những xét nghiệm này không chỉ giúp bảo vệ bạn khỏi các bệnh ung thư nguy hiểm, mà còn ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STDs).

Xét nghiệm Pap sẽ là một biện pháp hữu hiệu giúp tầm soát sớm ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Tần suất thực hiện phết Pap sẽ được chỉ định theo yêu cầu của bác sĩ.

BS Đinh Minh Trí (Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)

Theo Đời sống
Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Nguy hiểm rình rập khi dùng cồn nướng mực, cá

Hiện nay, các loại cồn khô, cồn nước được sử dụng phổ biến thay thế bếp gas mini khi nấu ăn. Tuy nhiên, nếu không biết cách nấu, cách chọn loại cồn, người tiêu dùng có thể bị bỏng, trở thành những “ngọn đuốc sống”.
Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Những dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 thế giới. Ở giai đoạn đầu khi khối u còn khu trú ở một vị trí có nhiều khả năng điều trị hơn. Vì vậy, việc nhận biết dấu hiệu cảnh báo ung thư sớm vô cùng quan trọng.
back to top