Đại Bái là một làng cổ của huyện Gia Bình (Bắc Ninh). Người phương xa đến đây cũng dễ nhận thấy những di tích cổ ở những đình đền lẫn nhà dân. Ngay cả những di tích xa xưa hiển hiện ngay ở chợ Bưởi Nồi.
- Khuôn đồng do người Đại Bái làm ra.
Nhưng trên hết thảy, dấu hiệu nhận biết đầu tiên là những cửa hàng san sát nhau bày ra la liệt đồ đồng các loại. Đâu đó tiếng gõ chiêng, tiếng đục đẽo vang vọng từ đầu làng đến cuối ngõ. Người dân thì ai cũng nhễ nhại, nước da chẳng ra đen cũng chẳng ra trắng, nó từa tựa màu đồng. Phải chăng, chất đồng đã “ăn” cả vào máu người làng Đại Bái?
Chuyện 1000 năm trước
Hỏi chuyện ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Đại Bái, ông Quảng bật cười: “Không biết chất đồng có “ăn” vào máu người dân hay không nhưng vì ăn ở với đồng, ngủ cũng gần đồng nên da bị thế. Tôi đây, trước cũng là thợ làm đồng, dù xa nghề bao năm rồi nhưng cũng chẳng khá hơn”.
Hỏi ông Quảng về vị tổ nghề của làng. Ông Quảng nói ngay, đó là cụ Nguyễn Công Truyền. Nhưng khi hỏi sâu, mới lẽ ra ông Quảng cũng không thể rõ lai lịch, quá trình làm nghề của vị thánh tổ làng mình.
Ông Nguyễn Xuân Hường, một thợ cao cấp kiêm chức Trưởng ban quản lý khu di tích làng nghề, sau một hồi lần giở lịch sử cũng lắc đầu: “Cũng chỉ rõ chuyện cụ Truyền người trong làng có nghề làm đồng. Chuyện sâu xa thì ít người biết lắm”.
- Nhà nào cũng có lò nấu đồng.
Bỗng bồi hồi nhớ làng Ngũ Xá ở Hà Nội. Trong làng ai ai cũng tường chuyện tổ nghề là Nguyễn Minh Không. Từ chuyện sinh ngày tháng năm đến quá trình học nghề và truyền nghề. Ngay đứa trẻ lên ba cũng rành rẽ về vị cứu tinh của làng.
Nhưng tôi nói vậy không có ý phê phán người Đại Bái không hiểu sâu về lịch sử. Dù gì thì cũng đã nghìn năm xa vắng. Vả lại, sử làng ít hoặc không chép thì việc con cháu đời sâu không tường không tỏ là điều đương nhiên.
Phải nhờ đến một vài dòng biến chép, sưu tầm của GS. Bùi Văn Nguyên từng giữ chức Tổng thư ký Hội văn nghệ dân gian Việt Nam thì những dòng về tổ nghề Đại Bái mới rõ ràng mồn một.
Cụ Nguyễn Công Truyền là người Đại Bái sống vào cuối thời Tiền Lê và đầu thời Lý. Giữa buổi giao thời, chính trị lẫn kinh tế đất nước rối ren be bét. Dân làng khắp nơi nghèo khổ khốn cùng. Cụ Truyền mới tìm kế thoát ly. Cứ theo con đường cái quan sang tận Trung Quốc tìm nghề.
Bao nhiêu thứ nghề đã qua tay cụ. Nhưng xét thấy trong nước nghề đồng chưa có. Mà ở Tầu nghề ấy lại là thượng thặng nhất. Thế là cụ học nghề bằng mọi cách, mọi giá cho giỏi cho tinh.
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, cụ Truyền về nước. Bao nhiêu tinh hoa học được, cụ truyền hết lại cho làng. Chẳng bao lâu sau, Đại Bái thành thủ phủ đồng. Ngay cả triều đình cũng phải nhờ đến các tay thợ Đại Bái mới hoàn thành những kiệt tác kim khí.
Khi qua đời, cụ Nguyễn Công Truyền được triều đình phong là “Dực bảo trung hưng linh phú chi thần”, rồi lại sắc phong làm “Quang uý địch bảo trung hưng trung đẳng thần”, và cuối cùng gia tăng “Đoan đúc tôn thần”.
Cả ba lần truy phong chức sắc, cụ Truyền đều trở thành “thần”. Thế mới biết công lao lẫn đức độ tài năng của vị Thánh tổ nghề đồng, càng dễ người ta liên tưởng tới lời dạy chí lý: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
“Tiến sĩ” đồng
Sau cả một thời gian dài làm nghề, người Đại Bái đúc kết thêm những tinh hoa theo từng thời đại. Vào thời Nguyễn, có 5 người của làng đại diện cho 5 dòng họ được gọi là hậu thiên sư được nhà vua vời vào cung điện để hoàn thành tất cả những tác phẩm kim khí.
- Đại Bái có 1000 năm làm nghề.
Đó là 5 cụ có tự: Phúc Thành, Phúc Tâm, Phúc Thái, Phúc Lai, Phúc Nghĩa. Danh tiếng của 5 cụ hậu thiên sư vang danh khắp chốn và được dân gian gọi chung là “tiến sĩ” đồng.
Đó là tước vị tuy không chính danh nhưng chính nghĩa. Nó tỏ cho bàn dân thiên hạ biết tinh hoa nghề của đất Kinh Bắc xưa, lại tỏ cho ngoại bang biết tài nghệ công phu của người Việt. Những huy hoàng ấy là con đường dẫn dắt cho làng Đại Bái đi suốt thời gian dài mà nghề không bị mai một.
Gửi danh trong lửa
Ông Nguyễn Xuân Hường – Trưởng ban quản lý di tích làng nghề cho biết: “Làng Đại Bái có 1500 hộ dân với 8000 nhân khẩu. Trong số đó có 800 hộ trực tiếp tham gia làm nghề. Làng lúc nào cũng có 2400 thợ liên tục sản xuất sản phẩm. Trong số đó, có 8 nghệ nhân cấp quốc gia”.
Xã Đại Bái có 3 làng thì duy có làng Đại Bái là làm nghề đồng. Làng này trước có tên Nôm là Bưởi Nồi. Vì thế dân gian có câu: “Muốn ăn cơm trắng, cá trôi/ Thì về làng Bưởi đánh nồi với anh/Muốn ăn cơm trắng cá ngần/ Thì về làng Bưởi cầm cân buôn đồng”.
- Người Đại Bái làm nghề.
Ông Hường tự hào khoe: “Ở làng tôi, từ đứa trẻ chưa biết con chữ đã biết luyện đồng. Từ phân loại đồng đến chế biến, chế tác, đục đẽo đều biết hết. Người Đại Bái không giỏi thứ gì hơn nghề đồng được”.
“Biết là làng có nghề hay nhưng nỗi lo ô nhiễm chưa lúc nào gay go như lúc này. Chúng tôi cũng chưa có giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm từ nghề đúc đồng, luyện động gây ra”, ông Nguyễn Xuân Hường, Trưởng ban quản lý di tích làng nghề Đại Bái.
Quả vậy, từ con đường lớn, hai bên đã xuất hiện đồ đồng. Trong các ngõ ngách của làng cổ, tiếng gõ, tiếng đục râm ran như tiếng ve vào hạ. Các cụ già thì hầu hết không động tay đến sản phẩm mà chỉ cố vấn cho con cháu. Ở làng này, cứ tuổi 50 là “nghỉ hưu” nghề.
Còn trẻ em, chúng được học từ nhỏ. Đến tuổi 15 là đã lành nghề. Tuổi 20 đã chế tác những vật tinh xảo nhất. Từ đồng than lá đến đồng M1, họ đều biết rành rẽ phân loại để sản xuất cho thích hợp mà đẹp mắt.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Lục cho hay: “Chúng tôi gửi danh vào lửa. Thời này không muốn nổi tiếng, cũng không cần nổi tiếng làm gì. Sản phẩm làm ra vừa bền vừa đẹp là mãn nguyện rồi. Suốt 1000 năm luyện đồng, chưa lúc nào bễ lửa luyện đồng bị tắt. Đó là thành công”.
- Đường vào Đại Bái.
Cũng theo ông Lục: “Mùa hè, chúng tôi làm để tích hàng. Gần tết và sau tết mới là xả hàng. Lúc đó, xe chật kín đường để lấy sản phẩm. Không một sản phẩm nào còn lại trong kho, chúng được mua hết và bán sạch”.
Hỏi về bí quyết luyện đồng tích cóp suốt 1000 năm. Ông Lục cùng các nghệ nhân khác lắc đầu, xua tay: “Ai cũng có bí quyết. Nhưng nói ra, tội với tổ tiên. Làng tôi trước đây còn có luật cấm con gái lấy chồng làng khác. Có bí quyết phải giữ lại, lộ bí quyết bị tống khỏi làng”.
“Đồng Đại Bái bây giờ là đỉnh cao nhất. Sản phẩm tinh xảo do Đại Bái làm ra được ưa chuộng, giá lại hợp lý. Vừa rồi, các nghệ nhân còn chuyển tải được các loại tranh thêu lên tác phẩm đồng. Đó là kỳ công, và kỳ công ấy đang dần được thế giới biết đến. Nhiều sản phẩm của Đại Bái đã được xuất khẩu sang nước ngoài”, ông Nguyễn Văn Quảng, Phó chủ tịch UBND xã Đại Bái.
Trần Hòa