Uống rượu ngâm hoa quả tự làm: Lợi hay hại?

Chuẩn bị cho dịp Tết năm nay, nhiều chị em truyền nhau “mốt” mới là làm rượu ngâm hoa quả, vừa đẹp, lại vừa thơm ngon. Sự thật là như thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, uống rượu ngâm hoa quả đang được xem là trào lưu tại các bữa tiệc cuối năm vì hương vị vừa thơm mát lại dịu nhẹ, phù hợp với khẩu vị của chị em phụ nữ.

Tuy nhiên, theo BS Trương Hồng Sơn, loại rượu ngâm hoa quả này có một số tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe.

“Rượu ngâm hoa quả là rượu được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị, nhưng chủ yếu gồm các nguyên liệu như rượu vang, rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu… Nhiều người cho rằng, khi uống rượu này rất nhẹ, dễ uống, vị thơm mát vì thế phù hợp với tất cả mọi người trong gia đình. Tuy nhiên, loại rượu này không mang lại lợi ích về sức khỏe như nhiều người vẫn nghĩ” – TS. BS Sơn cảnh báo.

Theo BS Trương Hồng Sơn, nguyên nhân đó là do hỗn hợp rượu như trên khi pha xong để một thời gian uống sẽ thành dạng giấm chứ không phải rượu. Đồ uống này không gây độc hại ngay, nhưng nếu pha theo ngẫu hứng, uống vào có thể gây đầy bụng.

“Bản chất rượu uống vẫn gây tác động tới thần kinh, hệ tiêu hóa, gan, máu… các loại hoa quả khi gặp rượu, nước ngọt có ga, đường tạo lên mẹ như một loại giấm không có tác dụng bồi bổ cơ thể, uống khi đói có thể ảnh hưởng tới dạ dày hoặc nguy cơ gây rối loạn tiêu hóa” – TS Trương Hồng Sơn phân tích.

Ngoài ra, theo BS Sơn, rượu khi kết hợp với các loại nước ngọt có ga, soda có chứa caffeine sẽ làm đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu, có thể gây đau đầu, chóng mặt.

Nói về việc chị em có xu hướng thích uống loại rượu ngâm hoa quả này, BS Sơn khuyến cáo, rượu nói riêng và đồ uống có cồn nói chung đều không được khuyến khích sử dụng đối với bất cứ đối tượng nào, kể cả nam giới và nữ giới và ở mọi độ tuổi.

“Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng, việc không uống một giọt rượu bia nào gần như là không thể, do đó, cần biết được giới hạn khuyến cáo dành cho từng nhóm đối tượng và từng loại đồ uống” – BS Trương Hồng Sơn nói.

Mức khuyến cáo theo hướng dẫn dinh dưỡng dành cho người Mỹ là 1 ly tiêu chuẩn/ngày với nữ giới và 2 ly tiêu chuẩn/ngày với nam giới. 1 ly tiêu chuẩn tương đương với khoảng 350ml bia 5% cồn; Khoảng 150ml rượu vang đỏ 12% cồn ; Khoảng 45ml rượu mạnh 40% cồn.

Riêng với phụ nữ có thai, BS Sơn nhấn mạnh: Phụ nữ có thai luôn được khuyến cáo tránh xa bia rượu. Phụ nữ uống rượu trong thời gian mang thai có thể gây tổn thương não bộ và làm chậm sự phát triển thể chất của thai nhi. Trẻ sinh ra bởi các bà mẹ nghiện rượu thường bị nhẹ cân khi sinh.

Rượu có thể truyền từ máu mẹ qua nhau thai vào thai nhi nên trẻ có mẹ nghiện rượu khi mang thai thường gặp phải những vấn đề về thể chất và hành vi khi sinh ra và trong thời thơ ấu.

“Khi bạn sử dụng đồ uống có cồn, các chất này sẽ di chuyển từ máu mẹ qua nhau thai và vào cơ thể của thai nhi. Gan của thai nhi là một trong những tạng cuối cùng được phát triển hoàn thiện và thường chưa trưởng thành cho tới giai đoạn cuối của thai kỳ.

Do vậy, đứa trẻ trong bụng hoàn toàn không thể dung nạp được lượng rượu nhiều như cơ thể người lớn, quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ. Việc uống rượu không chỉ gây nguy hiểm cho em bé trong ba tháng đầu tiên mà còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trẻ trong suốt quá trình mang thai” – BS Sơn nhấn mạnh.

“Trường hợp bạn uống quá nhiều rượu khi mang thai, con bạn có thể sẽ mắc phải một số vấn đề gọi là hội chứng ngộ độc rượu ở thai nhi (fetal alcohol syndrome – FAS). Trẻ mắc phải hội chứng này thường bị giới hạn về phát triển, có những bất thường trên khuôn mặt, rối loạn về khả năng học tập và hành vi…” – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam nhấn mạnh.

An Nhiên (tổng hợp)

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top