Uống rượu kiểu “dzô dzô” là vô văn hóa!

Theo GS Hoàng Chương, uống rượu là một nét văn hóa dân tộc. Nhưng đua nhau uống rượu, xem ai uống nhiều hơn, uống kiểu 100%… lại là hành vi phản văn hóa.

GS Hoàng Chương.

Văn hóa uống rượu

Có người cho rằng thói quen uống nhiều rượu bia hiện nay bắt nguồn từ văn hóa uống rượu của cha ông ta xa xưa. Văn hóa uống rượu và vấn nạn rượu bia có mối liên hệ nào không, thưa ông?

GS Hoàng Chương, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam: Con người ta từ xa xưa đã uống rượu, ở bất cứ đâu trên thế giới con người cũng uống rượu. Ở Việt Nam thì đó là một nét ẩm thực, văn hóa. Chén rượu là chất kết nối, tạo ra niềm vui, sự phấn khởi. Các văn nghệ sỹ khi xưa đa phần đều có thói quen uống rượu khi sáng tác.

Có những nghệ sỹ luôn có cút rượu bên mình để có thể sáng tác bất cứ lúc nào. Nhưng không ai nghiện rượu cả, cũng không ai vì uống rượu mà gây gổ, cãi vã cả. Trong cái cách uống nhấm nháp, thư thái của họ toát ra cái văn hóa, văn hiến. Rõ ràng, uống rượu như thế nào mới là vấn đề phải bàn.

Chén rượu như ông nói là một văn hóa ẩm thực?

Trên bàn thờ tổ tiên trong mỗi gia đình luôn phải có chén rượu. Ngày lễ, ngày Tết, trong mâm cỗ mời ông bà tổ tiên đều phải có chén rượu dâng lên. Qua đó, con người ở hai thế giới kết nối với nhau, ông bà về chứng kiến niềm vui sum họp, đoàn tụ của con cháu.

Rượu là một thứ văn hóa cao quý. Nó khiến các nghệ sỹ  kích thích sự sáng tạo nghệ thuật. Bạn bè ngồi với nhau chia vui mà thiếu chén rượu sẽ giảm đi ý nghĩa. Qua chén rượu, người Việt thể hiện sự kết nối, giữa anh em, bạn bè, dòng họ, tổ tiên. Đó là văn hóa.

Vì đâu mà từ văn hóa lại trở thành vấn nạn?

Điều phải phê phán là người ta lạm dụng rượu bia, uống ừng ực để mắt long sòng sọc, mặt đỏ gay như gà chọi, không kiểm soát được hành vi dẫn đến chửi bới, đâm chém nhau, tước đoạt mạng sống nhau… Việc thách đố nhau uống rượu, thể hiện sĩ diện, tu ừng ực cả cốc, ép nhau uống 100%… khác hẳn với văn hóa uống rượu của cha ông ta.

Có thể hiểu văn hóa đã bị biến tường?

Đua nhau uống rượu là hành vi vô văn hóa, lối sống thiếu trật tự, kỷ cương, dễ dẫn tới hậu quả.

Rượu vào, lời ra

Hẳn là ông cũng chứng kiến nhiều cuộc nhậu tưng bừng rồi?

Cái kiểu uống ừng ực cả cốc rượu rồi cùng nhau dzô dzô để uống, là một hành vi vô văn hóa. Mới đây tôi có dự một bữa tiệc, tôi thấy người ta hô nhau dzô dzô. Tôi  mới bảo, nếu còn tiếp tục hô như thế, tôi sẽ bỏ về. Đây là một cử chỉ vô văn hóa từ thời Mỹ Ngụy để lại. Phản cảm nữa là có những đoàn công tác ra nước ngoài, tụ tập ăn uống rồi hô dzô dzô ở nước bạn. Tôi mà ở trong những cuộc đó là sẽ bỏ ra ngoài.

Ông đã bao giờ bị ép uống rượu?

Khi tôi còn là sinh viên học ở Maxcova (Nga), trong một lần sinh nhật bạn, tôi có bị ép uống rượu voka đến mức say tưởng chết. Từ đó trở đi tôi căm thù rượu, ghê sợ các cuộc chè chén ép nhau uống vì nghĩ rượu nguy hiểm vô cùng với con người. Không phủ nhận được nét đẹp văn hóa của uống rượu nhưng cũng không cổ súy cho hành vi uống rượu quá mức như ngày nay.

Đáng tiếc là với rất nhiều người quan niệm, uống được càng nhiều thì bản lĩnh càng cao?

Người ta tung hô, cho rằng uống nhiều là giỏi, là anh hùng. Đó là quan điểm rất bậy bạ dẫn tới khuyến khích uống rượu. Rồi thì cạn 100%, 50%, mặt đỏ gay, người liểng xiểng, rượu vào lời ra, nói năng bậy bạ. Khi mất kiểm soát hành vi, người ta sẵn sàng chửi bởi người mà lúc tỉnh họ vốn kính trọng.

Nặng hơn là thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật gây ra cái chết cho người khác. Thế là từ hành vi văn hóa họ đã bước qua đường biên phản văn hóa, trở thành quá đà.

Dường như trong cái cách người ta uống rượu cũng nói lên điều gì đó về nhân cách?

Đúng thế. Các văn nhân thi sĩ hay các cụ nhà ta ngày xưa uống là nhâm nhi, thưởng thức bằng cái chén mắt cái, chén hạt mít. Vừa uống vừa ngẫm thế sự, nó toát lên nét văn hóa. Còn ngày nay người ta uống, tu ừng ực, ép nhau, gào thét hò zô đinh tai nhức óc, say bí tỉ rồi lái xe, ẩu đả… thế còn đâu là văn hóa nữa.

Hãy nhắc nhở con cháu

Ông có thường xuyên nhắc nhở những người xung quanh về văn hóa uống rượu?

Đi đâu, làm gì tôi cũng nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ. Tôi kêu gọi mọi người đừng uống nhiều, cảnh báo họ uống rượu không kiểm soát có thể làm chết người. Đừng vì sa đà cuộc vui mà quên hết. Tôi cho rằng giáo dục là cái gốc, phê phán là cái ngọn. Các gia đình hãy nhắc nhở, giáo dục con cháu mình về văn hóa uống rượu.

Quan tâm, giáo dục từ nhỏ thì sẽ thành nếp. Đừng để chén rượu cướp đi tương lai của mình, mạng sống của người khác.

Nhưng nếu chỉ nói không, e khó tác dụng?

Không chỉ nói mà người lớn phải làm gương. Đừng lấy rượu ra đo độ anh hùng, sĩ diện, oai phong trên bàn tiệc. Đầu năm, cuối năm, có thể tiệc tùng gặp gỡ, uống một vài chén rượu, nhưng đừng vì thế mà sa đà, không điều khiển được hành vi, hủy hoại sức khỏe chỉ vì những phút vui không kiểm soát.

Nói nhiều thế, liệu người ta có khó chịu với ông?

Tôi nói bằng tâm tình, bằng tấm lòng mong muốn thế hệ trẻ sẽ là những người có văn hóa, sống khỏe mạnh, nhân văn, chứ không vì bản thân tôi. Hẳn là ai cũng hiểu điều đó nên đa phần các bạn trẻ đều nghe theo. Hãy học theo ông cha ta xưa, các văn nghệ sỹ xưa, rượu vẫn uống nhưng rất tao nhã, văn hiến, không hề có sự ép uổng, xô bồ hay đánh cãi chửi lộn chỉ vì rượu.

Xin cảm ơn ông và chúc ông một năm mới nhiều sức khỏe, an vui!

Báo cáo của Hiệp hội Bia – rượu – nước giải khát VN cho thấy năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít, tăng 6% so với năm 2016. Con số này đã sát mục tiêu đạt 4,1 tỉ lít bia vào năm 2020 trong quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát VN do Bộ Công thương phê duyệt. Với dân số 93,7 triệu người hiện nay, ước tính mỗi người dân VN uống gần 43 lít bia/năm. Dự báo mức tiêu thụ này sẽ còn tiếp tục gia tăng vì theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2035, cả nước sản xuất khoảng 5,5 tỉ lít bia và dự kiến với dân số khi đó ở mức 105 triệu người thì trung bình mỗi người dân Việt sẽ uống 52 lít bia mỗi năm.

“Việc sử dụng rượu bia trong một thời gian dài, liều lượng cao có thể làm thay đổi cấu trúc AND hoặc các sản phẩm của AND như protein, hoocmon, enzim. Các sản phẩm của AND sẽ tương tác rất mạnh với rượu cồn làm kết tủa, bất hoạt khiến chúng không còn hiệu lực nữa. Khi protein, hoocmon, enzim không còn hiệu lực thì cũng đồng nghĩa hoạt động sống không diễn ra bình thường nữa”, GS Lê Đình Lương, Hội Di truyền học Việt Nam.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top