Pha từng hộp nhựa to rượu hoa quả để uống
Trên mạng xã hội, nhiều người đang truyền nhau các công thức pha chế cũng như các bức ảnh trong các bữa tiệc sử dụng rượu hoa quả.
Tránh hại sức khỏe từ trào lưu rượu hoa quả.
Theo đó, rượu được pha với nhiều cách khác nhau tùy theo hương vị nhưng chủ yếu gồm các nguyên liệu như rượu vang, rượu mạnh, đường, nước ngọt vị trái cây, nước soda hoặc sprite, cùng các loại hoa quả như cam, chanh, táo, lê, dưa hấu… Cách pha được hướng dẫn như sau: Dùng một chiếc bình hoặc hộp nhựa to, cho hoa quả vào với mỗi lớp hoa quả sẽ thêm một lớp đá, sau cùng là cho các loại rượu và nước trên vào tùy theo sở thích mạnh hay nhạt. Khuấy đều và có thể bắt đầu uống.
Nhiều người cho rằng, khi uống rượu này rất nhẹ, dễ uống, vị thơm và mát. Vì thế, cả người lớn lẫn trẻ em đều có thể uống, thậm chí uống nhiều. Với các bữa tiệc cuối năm, uống rượu này sẽ rất phù hợp cho cả gia đình. Nhưng nhiều người phản ánh, họ gặp tình trạng đau đầu, khó chịu sau khi uống.
Trao đổi về loại rượu này, ông Nguyễn Tiến Thịnh, chuyên gia rượu vang, Giám đốc đào tạo Công ty Nhập khẩu rượu vang Đa Lộc cho hay, đây không phải là rượu mà là một loại cocktail, chính xác là Sangria cocktail, có nguồn gốc xuất xứ từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Coctail được nhiều người ưa thích, bởi sự kết hợp giữa sắc màu của rượu vang đỏ, mùi vị từ các loại hoa quả để làm mát cơ thể, giải nhiệt và uống theo cách vui vẻ.
Đến nay, nhiều người đã biến tấu và pha chế lại cocktail này với phong cách của nước ta cùng khẩu vị riêng như hoa quả có sẵn trong nước, nước ngọt, soda…
Đối với tình trạng đau đầu, ông Nguyễn Tiến Thịnh cho hay, ở ngoài hàng quán khi pha nước này vì muốn lãi cao nên người ta thường dùng rượu vang đã quá hạn sử dụng, rượu bảo quản không tốt nên người uống sẽ bị đau đầu. Đối với pha tại nhà, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là quan trọng nhất.
Nguy cơ cho người lớn tuổi
Ở góc độ khác, BS Phạm Thái Nguyên, nguyên cán bộ Viện Quân y 103 cho hay, rượu hoa quả sẽ giúp giảm nhẹ nồng độ cồn có trong rượu, vì thế phù hợp với nhiều người hơn, trong đó có cả phụ nữ, hay người lớn tuổi. Tuy nhiên đừng vì thế mà chủ quan. Bởi, thực chất, đồ uống này vẫn có nồng độ cồn nhất định. Việc thấy rượu ngon, ngọt, độ cồn nhẹ mà uống nhiều cũng ngang với nồng độ cồn đưa vào cơ thể cao.
“Nồng độ cồn khi đưa vào cơ thể sẽ sinh nhiệt nên chúng ta thấy nóng. Cồn cũng tác động đến thần kinh và các cơ quan khác như gan, thận… Nên uống nhiều rượu pha hoa quả đau đầu là dễ hiểu”, BS Phạm Thái Nguyên cho hay.
Ngoài ra, vị này cũng phân tích thêm, rượu ở đây là khái niệm chung nhưng khi pha người ta dùng rượu gì, loại nào, xuất xứ ra sao… thì mới quan trọng. Như, rượu mạnh là loại rượu nào? Rượu nấu thủ công hay rượu nhập khẩu, rượu giả, rượu sản xuất trong nước… Nếu dùng rượu nấu thủ công và rượu giả để pha thì ngoài thành phần rượu còn có methanol không chỉ gây đau đầu mà có thể làm chết người.
Đặc biệt, những người có tiền sử bị bệnh như tiểu đường, tim mạch, dạ dày… không nên uống loại nước này. Vì không chỉ có rượu mà nồng độ đường cao. Vì thế, người uống cần cân nhắc để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
“Về nguyên lý, hoa quả và rượu kết hợp với nhau không có tương tác gây độc nhưng việc lựa chọn rượu, nồng độ và cách làm đảm bảo an toàn sẽ quyết định độ ngon, không hại sức khỏe”, BS Phạm Thái Nguyên.
Hà Trang