Trường hợp nào không nên dùng thuốc Paracetamol?

Khi bị đau nhức, sốt dù nặng hay nhẹ mọi người thường nghĩ ngay đến dùng thuốc giảm đau Paracetamol mà ít ai hiểu được rằng lạm dụng thuốc ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe.

Những trường hợp không nên dùng

Các bác sĩ khoa Dược, Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông bí cho biết, Paracetamol là thuốc giúp giảm đau thông dụng và được cho là khá an toàn. Đây là loại thuốc không cần kê đơn nên hầu như tủ thuốc gia đình nào cũng có. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lạm dụng các loại thuốc giảm đau đang ngày một tăng cao.

Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc Paracetamol và thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc và liều lượng với từng trường hợp cụ thể.

Đặc biệt có những những trường hợp không nên dùng thuốc giảm đau Paracetamol:

- Thuốc có chống chỉ định trong trường hợp dị ứng với Paracetamol

- Không dùng Paracetamol cho người bị suy gan nặng

- Dùng thuốc với rượu, bia: Khi uống quá nhiều rượu bia thường sẽ gây đau đầu, sau đó lại dùng Paracetamol để giảm đau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia khi dùng thuốc giảm đau với rượu lại thường tăng cảm giác đau. Thêm vào đó, rượu sẽ làm “biến chất” thuốc giảm đau và làm tăng các tác dụng phụ, đặc biệt có thể gây tổn thương gan nghiêm trọng, không thể phục hồi.

- Không sử dụng thuốc khi không đau nhức, không sốt cao trên 38,5 độ

- Không dùng Paracetamol cho người lớn và trẻ em để tự điều trị sốt cao (trên 39,5 độ), sốt kéo dài trên 3 ngày, hoặc sốt tái phát trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì sốt như vậy có thể là dấu hiệu của bệnh nặng cần bác sĩ chẩn đoán nhanh chóng.

- Không được dùng Paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi do thầy thuốc hướng dẫn, vì đau nhiều và kéo dài như vậy có thể là dấu hiệu của một tình trạng bệnh cần được chẩn đoán và điều trị.

- Không tự ý dùng thuốc giảm đau trong các trường hợp đau chưa rõ nguyên nhân: Vì khi chưa rõ bệnh đã tự ý dùng thuốc giảm đau sẽ che giấu đi triệu chứng của những bệnh viêm cấp như viêm ruột thừa… làm chậm quá trình chẩn đoán bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng.

- Thận trọng dùng thuốc paracetamol trên người say rượu; người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, phổi, thận, gan; người bị thiếu máu hoặc người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.

Paracetamol - Ảnh minh họa

Paracetamol - Ảnh minh họa

Cách sử dụng thuốc Paracetamol đúng

Trường hợp hạ sốt hoặc giảm đau cho người lớn: Liều chung: 325 - 650mg/ liều cách 4-6 giờ hoặc 1000mg cách 6-8 giờ bằng đường uống hoặc đặt hậu môn, dùng khi cần thiết. Liều tối đa 4g/ngày

Trường hợp hạ sốt và giảm đau cho trẻ nhỏ: Liều 10-15 mg/kg/ liều mỗi 4-6 giờ khi cần thiết, không quá. 5 liều trong 24 giờ, . Liều tối đa 75mg/kg/ngày, không quá 4.000mg/ngày. Ví dụ: Trẻ em cân nặng 10 kg có thể dùng liều từ 100 mg – 150 mg/lần.

Lưu ý sử dụng: Chú ý sử dụng Paracetamol theo chỉ dẫn trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ. Liều tối đa của Paracetamol người lớn được phép sử dụng là 4g (4000mg)/ngày.

Sử dụng đúng dạng Paracetamol dành cho trẻ trong trường hợp bệnh nhân là trẻ em. Lưu ý không được tự ý dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định của bác sĩ.

Với thuốc dạng lỏng: Sử dụng muỗng hoặc dụng cụ đo chuyên dụng để đong liều. Với dạng viên nhai phải nhai kỹ viên thuốc trước khi nuốt.

Đối với Paracetamol dạng tan rã: Giữ tay khô ráo khi cầm viên thuốc. Chú ý không nuốt toàn bộ thuốc mà để thuốc tự hòa tan trong miệng.

Đối với Paracetamol dạng sủi bọt: cần hòa tan một viên sủi với khoảng 150 – 200 mL nước.

Đối với Paracetamol dạng bột pha: Pha với một lượng vừa đủ nước khoảng 5-10 mL để hòa tan hoàn toàn bột.

Đối với Paracetamol dạng đặt hậu môn: Lưu ý không uống thuốc. Rửa tay sạch sẽ trước hoặc sau khi đặt thuốc và tránh đi vệ sinh hoặc đi tắm sau khi dùng thuốc.

Ngừng dùng Paracetamol và liên hệ với bác sĩ trong các trường hợp: Tiếp tục sốt sau 3 ngày dùng thuốc; Tiếp tục đau sau 10 ngày dùng thuốc (hoặc 5 ngày đối với trẻ em); Bệnh trở nên nghiêm trọng hơn hay xuất hiện các triệu chứng mới.

Tác dụng phụ của Paracetamol

Nhìn chung, thuốc an toàn khi sử dụng ở liều khuyến cáo. Sử dụng thuốc quá liều khuyến cáo có thể gây độc tính trên gan, thận với các biểu hiện như nước tiểu sậm màu, phân có màu đất sét, vàng da, vàng mắt, nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong.

Khi sử dụng Paracetamol có thể gây một số phản ứng dị ứng nghiêm trọng, biểu hiện: phát ban, nổi mẩn da, sưng mặt, sưng môi, sưng lưỡi, sưng họng, khó thở.

Nếu gặp các triệu chứng trên, nên ngừng thuốc và thông báo với bác sĩ.

Theo Đời sống
back to top