Anh Hoàng Văn Phong, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty CP Công nghệ sinh học Nông trại xanh cho biết, các hệ thống hợp canh nước ngoài đều gặp phải vấn đề xử lý nước cho cá và cây. Sau khoảng 50 ngày nước trong hồ /bể nuôi cá sẽ gây nhiều rắc rối cho cá từ đó làm ảnh hưởng đến cây. Hệ thống được trang bị bộ lọc để làm sạch nước. Sau khoảng 30-50 ngày sẽ phải bổ sung thay thế nước trực tiếp từ bể. Hệ thống hợp canh này bao gồm máng trồng, máy sục khí, bể cá, nguồn điện, hệ thống dây thuỷ canh...
Hệ thống hoạt động theo cơ chế nước thải nuôi cá sẽ được bơm lên hệ thống thuỷ canh để nuôi trồng rau, nước sẽ luân chuyển từ dưới lên, từ trên xuống. Để hệ thống rau thuỷ canh và cá tôm có nguồn dinh dưỡng để phát triển, người nuôi trồng phải bổ sung dung dịch dinh dưỡng vào trong bể cá. Dung dịch này là các vi lượng cần thiết cho cá và cây, những đánh giá thử nghiệm cho thấy các chất vi lượng này không hề ảnh hưởng đến sức khoẻ người dùng.
Ngoài ra, mô hình này thì ai cũng có thể trở thành "nông gia" ngay tại nhà mình. Chỉ cần có không gian khoảng chục mét vuông là đủ rau, cá cho gia đình 4 người ăn với chi phí đầu tư 15 triệu đồng/ bộ. Mỗi ngày chỉ cần dành 1 phút cho cá ăn vào sáng và chiều, mọi việc còn lại hệ thống sẽ tự vận hành. Rất phù hợp với xu hướng nông trại đô thị.
Mô hình nuôi trồng này sẽ thực hiện 5 không: không dùng đất, không phân bón hóa học, không chất kích thích tăng trưởng, không thuốc bảo vệ thực vật, không phát sinh nước thải. Nên rau hữu cơ 100%, rất sạch có thể hái ăn sống tại vườn. Tuy nhiên giá thành đầu tư thiết kế máy móc ban đầu không phải là nhỏ, khoảng 1 triệu đồng/m2, với hệ thống bằng kính thì giá thành rẻ hơn, diện tích nhỏ hơn.