Sửa gene tế bào gốc giúp tắc kè mọc lại đuôi hoàn hảo hơn

Một số loài thằn lằn có thể mọc lại đuôi, nhưng những phần phụ mới này là sự bắt chước không hoàn hảo của bản gốc. Giờ đây, tế bào gốc biến đổi gene đang giúp tắc kè mọc lại đuôi tốt hơn.
duoi-tac-ke.jpg
Đuôi ban đầu của tắc kè (bên trái) có các đốt sống, đuôi mọc lại (ở giữa) phát triển các khối sụn rắn chắc. Việc sửa đổi các tế bào gốc đã giúp phần đuôi hình thành các rãnh giống như xương trong sụn (bên phải), đưa nó về gần với bản thiết kế ban đầu.


Các nhà nghiên cứu đưa tin trên tạp chí Nature Communications, việc tinh chỉnh và cấy ghép các tế bào gốc phôi thai vào gốc đuôi của tắc kè hoa (Lepidodactylus lugubris) cho phép loài bò sát này phát triển đuôi giống với nguyên bản hơn.
Thomas Lozito, nhà sinh vật học tại Đại học Nam California (Los Angeles) cho biết, đuôi của tắc kè là phần kéo dài của xương sống với các đốt sống. Tuy nhiên, các đuôi tái sinh lại chỉ là một loạt các ống mỡ, cơ và da đồng tâm.
Đó là vì tế bào gốc ở tắc kè trưởng thành tạo ra tín hiệu phân tử khuyến khích sự hình thành sụn ở đuôi mới, nhưng không phải xương hoặc mô thần kinh.
Lozito và các đồng nghiệp của ông đã sử dụng tế bào gốc phôi có thể phát triển thành nhiều loại mô hơn tế bào gốc trưởng thành, sửa đổi chúng để bỏ qua tín hiệu này và sau đó cấy chúng vào đuôi của tắc kè đã được phẫu thuật cắt bỏ đuôi. Những chiếc đuôi phát triển từ những tế bào gốc đã được biến đổi này có các rãnh giống như xương trong sụn và tạo ra mô thần kinh mới ở đầu đuôi.
Các nhà khoa học hy vọng những phát hiện này sẽ là bước đệm để phát triển các liệu pháp tái tạo ở người để điều trị những vết thương khó lành.

Theo sciencenews
back to top