Vắc xin mRNA điều trị ung thư của Nga: Thực sự cứu sống bệnh nhân K?

Vắc xin mRNA chống ung thư đang được Nga phát triển là một bước tiến lớn trong y học hiện đại. Theo kế hoạch, vắc xin này sẽ được đưa vào lưu hành rộng rãi đầu năm 2025. Vậy thực sự vắc xin chữa ung thư có hiệu quả?

“Đã có nhiều nghiên cứu về vắc xin chữa ung thư, nhưng chưa có những công bố về kết quả cụ thể. Hiện nay mới chỉ có 2 loại vắc xin để phòng ngừa các loại virus dễ gây ung thư cho người”, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết.

AI sẽ hỗ trợ phát triển vắc xin

Mới đây, Hãng tin Tass đăng tin, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y học quốc gia về X-quang trực thuộc Bộ Y tế Nga Andrei Kaprin cho rằng: Nga đã phát triển vắc xin mRNA chống ung thư của riêng mình và loại vắc xin này sẽ được lưu hành rộng rãi, cung cấp miễn phí cho bệnh nhân vào năm 2025.

Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dịch tễ học và vi sinh vật quốc gia Gamaleya thông tin, các cuộc thử nghiệm trên động vật đã cho thấy vắc xin ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn.

Ông Gintsburg lưu ý, đây là loại vắc xin điều trị, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Vắc xin được tạo ra trên cơ sở công nghệ mRNA, vốn đã được các nhà sản xuất thuốc Pfizer và Moderna sử dụng để sản xuất vắc xin phòng COVID-19. Vắc xin mới có thể được sử dụng cho bất kỳ loại ung thư nào.

Hiện các kế hoạch đang được triển khai để bắt đầu thử nghiệm hiệu quả của vắc xin này với các loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư phổi, thận và tụy. Trước tiên được thử nghiệm lâm sàng cho các bệnh nhân ung thư phổi ác tính và ung thư phổi tế bào nhỏ.

Việc lựa chọn bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố, như ung thư tế bào nhỏ là một trong những bệnh ung thư ác tính phổ biến nhất, khiến khoảng 1,3 triệu người tử vong mỗi năm. Ngoài ra, về mặt kỹ thuật, khối u ác tính cũng dễ xử lý hơn, do chỉ ở bề ngoài.

Theo ông Gintsburg, vắc xin ung thư cũng sẽ được "cá nhân hóa", nghĩa là vắc xin sẽ được sản xuất riêng cho từng bệnh nhân. Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ phát triển vắc xin bằng cách phân tích các thông tin về khối u và tạo ra "bản thiết kế" cho vắc xin trong tương lai. Dựa trên điều này, các chuyên gia sẽ sản xuất vắc xin trong vòng 1 tuần.

Các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng vắc xin chống ung thư của Nga cho thấy vắc xin ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn - Ảnh minh họa: MedTour.

Các cuộc thử nghiệm tiền lâm sàng vắc xin chống ung thư của Nga cho thấy vắc xin ngăn chặn sự phát triển của khối u và di căn tiềm ẩn - Ảnh minh họa: MedTour.

Nhiều nước nghiên cứu vắc xin chữa ung thư nhưng đều chưa có kết quả

Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống về vắc xin chữa ung thư, ThS.DS Lê Quốc Thịnh, Giảng viên Khoa Dược, Đại học Thành Đô cho biết, vắc xin chống ung thư của Nga dự kiến lưu hành đầu năm 2025 là loại vắc xin điều trị tiên tiến, sẽ được tiêm cho những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư.

Với vắc xin chống ung thư, thế giới sắp được chứng kiến một bước ngoặt y học. Theo các nhà nghiên cứu, vắc xin này không chỉ ngăn chặn sự phát triển của khối u mà còn kiểm soát được di căn, một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống lại căn bệnh hiểm nghèo này.

Tuy nhiên, thông tin về việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng vắc xin chống ung thư không phải là điều mới mẻ. Ngoài Nga, tất cả các nước phát triển ở châu Âu, Mỹ và Nhật đều đang nghiên cứu vắc xin chống ung thư, lĩnh vực này đã bắt đầu khoảng 30 năm nay, và rất không may là hầu hết đều thất bại.

Tương tự, GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cũng khẳng định, có rất nhiều nước công bố kết quả nghiên cứu vắc xin chữa ung thư, nhưng đều ở dạng nghiên cứu bước đầu chưa có thử nghiệm lâm sàng trên người. Vì vậy, với loại vắc xin chữa ung thư mới của Nga vừa công bố, chúng ta cũng vẫn phải chờ kết quả nghiên cứu thực tế trên người.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, hiện nay thế giới mới chỉ có 2 loại vắc xin để phòng ngừa ung thư được cấp phép, đó là vắc xin ngừa virus HPV và virus viêm gan B. Virus HPV là loại virus gây các dạng u nhú ở người và dễ gây ung thư.

Người ta đã thấy sự hiện diện của virus HPV trong các loại ung thư như: Ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hầu họng... Việc tiêm vắc xin HPV nhằm bảo vệ cơ thể phòng nhiễm trùng virus HPV xâm nhập, tấn công gây ung thư.

Tương tự virus viêm gan B là loại virus gây bệnh nhiễm trùng gan phổ biến. Nếu không điều trị kịp thời, viêm gan B có thể gây xơ gan, suy gan, ung thư gan... nên việc tiêm vắc xin viêm gan B là để tạo miễn dịch phòng bệnh viêm gan B và đẩy lùi nguy cơ diễn tiến xơ gan, ung thư gan do viêm gan B.

Cần hiểu rõ nguyên lý của vắc xin điều trị ung thư

Phân tích về vắc xin điều trị ung thư, ThS Lê Quốc Thịnh cho biết, về ý tưởng, công nghệ điều chế vắc xin chống ung thư sẽ dùng các nguyên lý sau đây:

Cách 1: Tạo ra protein bắt chước protein riêng biệt của tế bào ung thư, tiêm vào để cơ thể nhận ra, rồi hy vọng sẽ tạo ra các tế bào chống lại protein đó, tức chống lại tế bào ung thư.

Cách 2: Tạo ra mARN có khả năng tổng hợp ra protein riêng biệt của tế bào ung thư, rồi cũng tiêm vào để cơ thể tổng hợp ra protein đó, rồi hy vọng chính cơ thể cũng nhận ra protein đó là lạ và chống lại. mARN (ARN thông tin) được phát hiện vào năm 1960. Về mặt chức năng, mARN như là một bản sao của các thông tin di truyền gốc ở gen, nghĩa là nó làm nhiệm vụ truyền đạt bản thiết kế protein bậc I do gen quy định.

Cách 3: Tạo ra loại virus chuyên lây nhiễm vào tế bào ung thư, bản thân virus này có thể trực tiếp giết tế bào ung thư, hoặc là kích thích cơ thể nhận ra để giết các tế bào bị nhiễm virus, chính là các tế bào ung thư.

ThS Thịnh nhấn mạnh, loại vắc xin của Nga vừa công bố chưa có thông tin nhiều về cách thức chống lại căn bệnh nguy hiểm giết chết hàng triệu người mỗi năm.

Các loại vắc xin ung thư tương tự của Âu, Mỹ thì đã công bố từ lâu, nhưng hầu hết không thành công. Hệ miễn dịch của cơ thể có nhận ra protein của tế bào ung thư, nhưng do nhiều cơ chế khác mà chúng lại không tiến hành tiêu diệt tế bào ung thư.

Hiện tượng đó khiến các nhà khoa học phải phát triển các thuốc khác để ngăn tế bào ung thư che mắt tế bào miễn dịch, mà thành quả của nỗ lực đó chính là các thuốc ức chế PD-1 và CTLA-4, loại nổi tiếng nhất với công chúng là Keytruda (pembrolizumab).

“Với loại vắc xin của Nga mới đưa tin tuyên truyền, nhiều khả năng đây là một bộ kit phát triển vắc xin, cho phép dùng AI để tổng hợp mRNA mã hoá protein của tế bào u của riêng từng bệnh nhân, cá thể hoá điều trị ở mức cao.

Có thể họ sẽ phải tiêm vắc xin đồng thời cho bệnh nhân dùng phối hợp với một thuốc ức chế PD-1 và CTLA-4 hiện đang lưu hành…”, ThS Thịnh cho biết.

Theo VietnamDaily
back to top