Hỏi: Xin hỏi sau một trận động đất lớn luôn luôn có dư chấn, vậy làm thế nào để phân biệt và gọi tên chính xác nó là động đất hay dư chấn, khi nào dư chấn kết thúc?
Nguyễn Hoài Anh (Sơn La)
PGS.TS Cao Đình Triều, Viện Vật lý Địa cầu: Trong hầu hết trường hợp, động đất tự nhiên là chuỗi các vụ động đất có cường độ khác nhau, kéo dài trong thời gian nhất định, cỡ vài ngày đến vài tháng. Trong chuỗi đó thì trận động đất mạnh nhất gọi là động đất chính (mainshock), còn những lần yếu hơn thì gọi là dư chấn. Dư chấn trước động đất chính gọi là tiền chấn (Foreshock), còn sau động đất chính gọi là "Aftershock" nhưng trong tiếng Việt hiện dùng từ "dư chấn". Những ngày qua, Mộc Châu (Sơn La) xảy ra một trận động đất có độ lớn 5,3 (mức trung bình) nhưng sau đó là hàng chục trận động đất nhỏ, chính là dư chấn. Với các trận động đất này, sau kích động chính sẽ có thêm hàng chục dư chấn, thậm chí hàng trăm dư chấn khác, xảy ra tập trung vào 2 - 3 ngày sau khi có kích động chính. Sau đó dư chấn ít dần hoặc rất yếu.
Mộc Châu cũng nằm trong khu vực Tây Bắc, là nơi đang trong chu kỳ hoạt động mạnh của động đất đồng thời là nơi có động đất mạnh nhất Việt Nam từng ghi nhận. Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 tại lòng chảo Điện Biên. Năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ tại TP Điện Biên Phủ.
Tại những nơi có hoạt động đất mạnh như Tây Bắc, trong quá trình xây dựng, cần quan tâm đến yếu tố kháng chấn để hạn chế thiệt hại khi xảy ra động đất. Hiện nay, điều kiện khoa học kỹ thuật của thế giới cũng như trong nước không thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Người dân sống ở khu vực đồi núi như Sơn La khi động đất có thể xảy ra hiện tượng đá lăn sẽ nguy hiểm đến tính mạng, do đó phải rất cẩn trọng.