Nhiều nhà bị nứt, 4 trẻ bị thương
Từ 23h ngày 15/6 đến trưa 16/6, trên địa bàn huyện Mường Tè đã xảy ra khoảng 20 lần động đất gây rung chấn, trong đó lần động đất vào trưa 16/6 có mức độ mạnh nhất. Hiện chính quyền địa phương đang cùng người dân tổ chức thống kê thiệt hại, khắc phục hậu quả do động đất gây ra. Đây là trận động đất mạnh, gây chấn động làm nhiều nhà dân và một số công trình công cộng bị rạn nứt, hư hỏng. Điểm trường mầm non thuộc Bản Giẳng bị sập trần thạch cao gây hoảng loạn cho cô giáo và các cháu học sinh, trong đó có 4 trẻ bị thương nhẹ phải đưa đến cơ sở y tế sơ cứu.
Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu cũng phát đi thông báo động đất. Theo đó, vào 13 giờ 12 phút 26 giây (giờ Hà Nội) ngày 16/6, một trận động đất có độ lớn 4.9 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.563 độ vĩ Bắc, 102.655 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.6 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận. Tính từ đầu năm 2020, đây là trận động đất có cường độ lớn nhất ghi nhận được tại Việt Nam.
Tiếp đó vào hồi 3 giờ 47 phút 45 giây (giờ Hà Nội) ngày 17/6, một trận động đất có độ lớn 2.5 xảy ra tại vị trí có tọa độ (22.465 độ vĩ Bắc, 102.834 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 12.8 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần cho hay, trận động đất gây nứt nhiều nhà cửa ở khu vực Mường Tè không có gì là bất thường bởi Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, kéo dài khoảng 200km thường xuyên hoạt động, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu. Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên; năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ.
Công trình xây dựng cần tính đến kháng chấn
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, mỗi trận động đất lớn đều có tiền chấn và dư chấn. Những trận động đất xảy ra trước và sau trận có độ lớn 4,9 là dư chấn, do vậy người dân cần tiếp tục đề phòng các dư chấn tiếp theo. Hiện dự báo động đất rất khó, nước có nền khoa học tiên tiến như Nhật Bản cũng chưa thể dự báo được. Việt Nam nằm ngoài các vành đai lửa, có thể tránh được những trận động đất hủy diệt nhưng cũng tồn tại các đứt gãy hoạt động, có khả năng phát sinh động đất, núi lửa và sóng thần. Ngay cả sóng thần, hiện Việt Nam cũng vẫn có, nhưng sóng ở mức độ cực nhỏ, không đến mức phải phát đi cảnh báo.
TS Nguyễn Xuân Anh cho biết, mỗi năm có vài chục trận động đất ở mức độ trung bình xảy ra tại Việt Nam và thường xảy ra tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể dự báo được cấp độ mà chưa thể dự báo chính xác thời điểm xảy ra động đất. Vì vậy, cần có những hiểu biết và biện pháp cần thiết để ứng phó với hiện tượng này. Dự báo những năm tới, động đất sẽ không giảm nên các biện pháp phòng chống, giảm thiệt hại do động đất và sóng thần gây ra cần phải được chú trọng, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ cao.
Vì vậy, người dân là ở khu vực Tây Bắc, nơi các đứt gãy đi qua luôn tiềm ẩn những trận động đất có độ lớn cao, sức phá hủy tương đối cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra. Việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vật lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo. Với mật độ xây dựng nhiều như hiện nay, nếu không áp dụng các tiêu chuẩn kháng chấn thì khi xảy ra những trận động đất có độ lớn đã từng diễn ra trong lịch sử thì hàng loạt nhà cửa sẽ bị đổ sập.