Sức nóng của nhang ngải có tác dụng kích thích các huyệt đạo chữa bệnh.
Hỗ trợ điều trị nhiều chứng bệnh
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, nhang ngải cứu hay còn gọi hương ngải, điếu ngải,… được làm từ ngải cứu phơi khô, tán nhỏ lấy phần lông trắng gọi là ngải nhung. Tùy theo mỗi nhà thuốc sẽ có công thức kết hợp ngải nhung cùng các dược liệu và tinh dược bí truyền để đặc chế nhang ngải cứu.
Cơ chế hoạt động chữa bệnh của nhang ngải là truyền nhiệt tăng vào huyệt đạo, kích thích máu lưu thông, làm tan máu bầm, giảm đau, giảm sưng. Nhang ngải được dùng để hơ lên các huyệt đạo điều trị các chứng như: đau lưng, thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, thần kinh tọa, đau khớp gối, đau tay, vai gáy, bại liệt chân, tay do tai biến mạch máu não… người ta gọi chung là phương pháp cứu ngải.
Ngoài các bệnh xương khớp, cứu ngải chữa đau đầu, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi, giúp thư giãn… cũng rất tốt.
PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu, Trưởng khoa Vật lý Trị liệu, Bệnh viện Quân Đội TW 108 cũng cho biết, nhang ngải cứu dùng để hơ trên huyệt vị nên không độc, an toàn cho cơ thể. Nếu hơ đúng cách, đúng phác đồ các phương huyệt thì kết quả chữa các bệnh nói trên đạt hiệu quả khá cao. Hệ thống huyệt vị sử dụng trong cứu ngải cơ bản giống như trong châm cứu nói chung.
Tuy nhiên, cứu ngải không được áp dụng cho các bệnh lý thể “nhiệt” và có thể gây bỏng da vùng cứu nếu làm không đúng cách, vì vậy cần hết sức chú ý khi thực hiện ở những vùng có liên quan đến thẩm mỹ (mặt) hoặc ở gần các khớp, vì có thể bị bỏng gây ra sẹo xấu hay sẹo co rút. Nếu không thật sự chắc chắn về kỹ thuật thì tốt nhất là nên đến các cơ sở y học dân tộc để được hướng dẫn kỹ lưỡng và tập làm một thời gian trước khi tự điều trị tại nhà.
Có thể sử dụng tại nhà
Theo Thầy thuốc ưu tú Nguyễn Hồng Siêm, một bộ nhang ngải có bán tại các nhà thuốc Đông y khoảng 30-35 nghìn đồng (10 điếu ngải), có thể mua về sử dụng tại nhà thường xuyên. Nhang ngải nên đặt trong hộp kín để đảm bảo chất lượng, không bị hút ẩm, mốc, mất tác dụng của nhung ngải.
Thường thì theo nguyên lý đau vùng nào hơ nhang ngải các huyệt vùng đó hoặc xung quanh chỗ đau. Châm ngải cháy như châm hương. Đưa điếu ngải gần sát da, bệnh nhân cảm thấy nóng thì đưa lên (cứu mổ cò). Thực hiện 3-5 lần, cách này để chữa các bệnh mới phát.
Theo hướng dẫn của TTUT Nguyễn Hồng Siêm, thực hiện điếu ngải xoay tròn là đặt điếu ngải lên gần huyệt cho vừa đủ ấm thì di chuyển theo vòng tròn từ hẹp ra rộng cho tới khi thấy nóng nhiều ở vùng định cứu là được (làm 2-3 lần), cách cứu này dùng để trị các bệnh ngoài da, mụn nhọt.
Có thể rà trên vùng da bằng cách dùng điếu ngải rà trên vùng da, cách 1-2 cm để tìm điểm nóng rát (sinh huyệt). Rà với tốc độ vừa phải khi qua vùng da thấy nóng rát như phải bỏng thì nhấc lên (làm đi làm lại 2-5 lần). Điếu ngải luôn để hơi chếch ngay mặt da, dùng ngón tay út làm điểm tựa tỳ để trên mặt da tạo khoảng cách cố định (như cầm cây bút để viết). Có thể bôi một lớp dầu cù là mỏng trước khi cứu để tăng hiệu quả.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu khuyến cáo, nên cẩn thận không để bị bỏng khi cứu, không để rơi tàn nóng làm bỏng da hay tàn tro bay vào mắt. Thời gian cứu tối đa mỗi huyệt đạo là 3-5 phút, không nên lạm dụng đốt cứu quá nhiều ở một huyệt. Khi hơ huyệt xong nhớ kiêng gió và nước khoảng 1 tiếng.
Không sử dụng cho phụ nữ mang thai hay cho con bú. Không áp dụng cho người bị bệnh tiểu đường, huyết áp cao, người già hay trẻ con. Sau khi cứu phải cẩn thận dụi tắt tránh làm bỏng.
Đức Vinh