Cúc tần có thể thay thế ngải cứu?

Trần Hoàng Dương (Hải Phòng)

Cúc tần là vị thuốc quý

BS y học cổ truyền Trịnh Thị Hương Giang, Khoa Đào tạo, Viện YHCT Việt Nam: Cây cúc tần là cây thuốc nam quý. Cây bụi cao 1-2m, cành mảnh. Lá mọc so le, hình gần bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, mép khía răng. Loài cây của vùng Ấn Độ, Malaixia, mọc hoang và cũng được trồng ở đồng bằng làm hàng rào cây xanh. Trồng bằng cành vào mùa xuân, mùa thu. Để dùng làm thuốc, người ta thu hái các bộ phận của cây quanh năm, tốt nhất vào mùa hè – thu. Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô dùng dần.

Tác dụng tán phong hàn, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu ứ, tiêu đờm, sát trùng, làm ăn ngon miệng, giúp tiêu hoá. Có tác dụng khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, tiêu ứ, sát trùng, tiêu thũng, tiêu đàm, cường tim, minh mục, hạ áp, thông kiếu, tán uất hỏa. Làm giãn mạch ngoại vi, hạ huyết áp, tăng nhu động hô hấp, cầm máu, tiêu viêm, sát trùng.

Ngải cứu là vị thuốc có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, trừ phong đã được dùng từ xa xưa. Khi kết hợp với muối sẽ giúp giảm đau, lưu thông khí huyết… Tuy nhiên, khi không có ngải cứu, người bệnh có thể thay thế bằng cúc tần. Bởi cúc tần có nhiều đặc điểm giống ngải cứu là đều có tác dụng tán phong, trừ thấp, tiêu độc, tiêu ứ, hoạt huyết… Nhất là trong các bài thuốc chữa đau lưng mỏi gối, nhức xương khớp, dùng cúc tần ngâm muối sau đó làm ấm để chườm lên nơi đau. Nên dùng cúc tần tươi, và thay sau khi chườm khoảng 2-3 lần để tận dụng các tinh dầu, hoạt chất có trong lá…

TH (ghi)

Theo Đời sống
back to top