Cách dùng củ kiệu chữa đau xương khớp, khó thở

Ngoài dùng làm thức ăn, củ kiệu còn được dùng làm thuốc phòng chữa nhiều bệnh: đau tim, khó thở, đau xương khớp, kiết lỵ, trúng khí độc, đau bụng, hóc xương…
củ kiệu

Củ kiệu

Lương y Hoàng Duy Tân,Nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai cho biết, củ kiệu tên khoa học là Allium chinense. G. Don thuộc họ hành tỏi (Alliaceae). Ngoài tên gọi là củ kiệu còn có tên gọi khác: Giới bạch, tiểu toán (tỏi nhỏ), tiểu căn toán, dã toán, đại đầu thái tử, hỏa thông.

Cây kiệu được trồng khắp nơi để lấy củ muối dưa, dùng lá làm gia vị như một loại rau thơm. Ngoài được dùng để làm thức ăn, củ kiệu còn dùng làm thuốc phòng chữa nhiều bệnh, nhất là những người dân ở nơi rừng núi, rét mướt, ẩm thấp. Trong gia đình người Nhật Bản, thức ăn mà họ thường dùng trong bữa cơm, ngoài củ cải mặn, tương hột, phổ tai, rong biển, còn có thói quen ăn củ kiệu chua. Họ thường ăn cơm với củ kiệu chua, cũng thường dùng củ kiệu chua để làm mồi nhắm rượu. Họ cho rằng ăn củ kiệu chua vừa có công dụng trợ tiêu hóa, lại giúp cho cơ thể con người được khỏe mạnh.

Theo Đông y, củ kiệu vị cay, đắng, tính ấm vào ba kinh phế, vị và đại tràng. Có tác dụng thông hoạt lợi, thông dương, tán kết, hành khí, giảm đau, an thai, lợi thủy, sinh cơ làm ấm bụng dùng chữa viêm mũi mạn tính, nôn khan, sưng đau cơ khớp, chữa bỏng, chữa đau bụng, tức ngực khó thở…

Trị chứng nôn khan không ngừng, tiêu chảy: Củ kiệu 1 nắm, nước 500ml đem sắc còn 250ml, uống ngày 3 lần sáng, trưa, tối, uống lúc thuốc còn ấm, nếu nguội cần hâm lại để uống, uống trước bữa ăn. Uống trong 3 ngày.

Trị tức ngực khó thở: 15g củ kiệu giã nát, thêm gia vị và nước trộn với 1 bát cháo gạo kê, thêm ít dầu vừng, dùng để ăn, ăn vào buổi sáng và tối. Ăn liên tục trong 7 ngày.

Trị sản phụ bị kiết lỵ: Củ kiệu tươi đem xào với bầu dục heo, ăn trong 5 ngày.

Trị sưng đau cơ khớp: Củ kiệu 20g giã nát hòa với giấm, đảo đều hâm nóng đắp lên chỗ khớp sưng đau. Ngày đắp 2 lần.

Bổ khí, điều hòa nội tạng tăng cường sức đề kháng khi thời tiết giá lạnh: Hằng ngày ăn 15-20g kiệu muối với cơm.

Trị hôn mê do trúng khí độc: Củ kiệu giã nát, vắt lấy nước nhỏ vào mũi.

Trị lở ngứa: Lá kiệu nấu nước rửa, hoặc giã nát đắp lên chỗ da bị bệnh.

Trị bỏng nhẹ (không trợt da): Củ kiệu lột bỏ vỏ ngoài, giã nát, trộn mật ong đắp vào chỗ bị bỏng. Ngày đắp 3 lần, mỗi lần đắp cần vệ sinh sạch sẽ nơi bị bỏng.

Trị hóc xương cá: Kiệu 1 nhúm, nhai nát, cuốn một đầu sợi dây nhỏ vào trong, nuốt đến chỗ xương bị hóc, cầm đầu dây kéo ra từ từ.

Trị phụ nữ có thai bị đau bụng do lạnh: Củ kiệu 32g, đương quy 8g, sắc với 300ml nước còn 100ml, uống thuốc còn ấm, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối, uống 2 ngày.

Trị đi lỵ phân lẫn máu: Củ kiệu 12g, hoàng bá 6g, sắc nước uống. Hoặc dùng củ kiệu, thái nhỏ, nấu cháo ăn.

Trị tiêu chảy, kiết lỵ mót rặn: Củ kiệu 9g, sài hồ 9g, bạch thược 12g, chỉ thực 6g, cam thảo 4g, sắc nước uống.

Trị đau thắt tim: Củ kiệu 9g, qua lâu 18g, đan sâm 9g, khương hoàng 9g, ngũ linh chi 9g, quế chi 6g, đào nhân 9g, hồng hoa 9g, viễn chí 9g, trầm hương bột 3g (hòa vào sau). Sắc nước uống trong ngày.

Trị tức ngực, đau tức ở vùng tim: Giới bạch 15g, chỉ thực 4 trái, hậu phác 12g, quế chi 9g, qua lâu 1 trái (giã nát). Sắc với 1 lít nước. Đầu tiên nấu chỉ thực và hậu phác, sắc lấy 500ml dịch thuốc, bỏ bã, sau đó cho các vị thuốc còn lại vào, nấu nhỏ lửa thêm 20-30 phút là được. Chia 3 lần uống trong ngày, uống ấm.

Trị chứng tức ngực, đau thắt tim, suyễn thở do hàn đàm ứ đọng gây nên: Dùng giới bạch 15g, qua lâu 1 trái (giã nát), rượu trắng 100 ml, nước 500 ml, cùng sắc uống. Sắc lấy 200 ml dịch thuốc, chia ra uống dần; uống ấm.

Trị viêm mũi mạn tính: Củ kiệu 9g, tân di hoa 6g, mộc qua 9g, ba vị rửa sạch đem nấu nước uống trong ngày. Mỗi liệu trình uống trong 7 ngày. Nếu mùa đông, uống liên tục trong 10 ngày, nghỉ một tuần lại tiếp tục uống.

Nhật Hà

Theo Đời sống
back to top