Khó thở thanh quản gây tử vong nhanh

Dấu hiệu khó thở thanh quản (KTTQ) diễn biến từ từ nhưng gây tử vong nhanh. Bệnh đòi hỏi phải phát hiện sớm và xử lý kịp thời.

• Khó thở không rõ nguyên nhân

• Cách dùng củ kiệu chữa đau xương khớp, khó thở

Ảnh minh họa.

KTTQ là một hội chứng rất hay gặp do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên đặc biệt ở trẻ em có nguy cơ gây tử vong vì thanh quản là nơi hẹp nhất đường hô hấp. Đặc điểm của KTTQ là khó thở vào, khó thở nhịp chậm, có tiếng rít, có co kéo (co rút ở hõm trên) và dưới xương ức, khoang gian sườn.

Có nhiều nguyên nhân do khó thở thanh quản đặc biệt là do viêm nhiễm:

Viêm thanh quản bạch hầu: Thường xuất hiện sau bạch hầu họng. Nguyên nhân do vi khuẩn bạch hầu. Biểu hiện khó thở từ từ và tăng dần. Hội chứng nhiễm trùng: người bệnh sốt vừa, số lượng bạch cầu đa nhân tăng cao. Hội chứng nhiễm độc: da xanh tái, dãi ít có hạch ở cổ và vùng góc hàm. Khám họng có giả mạc trắng ở họng, giả mạc trắng xám, khó bóc dễ chảy máu, không tan trong nước.

Để muộn khi giả mạc lan xuống thanh quản sẽ có viêm. Dấu hiệu KTTQ diễn biến từ từ. Nói, khóc giọng khàn. Xuất hiện ho, có khi ho ông ổng. Điều trị nếu khó thở phải mở khí quản cấp cứu. Điều trị bằng kháng sinh liều cao, huyết thanh chống bạch cầu, thuốc trợ tim… theo chỉ định của bác sĩ.

Do lao: Bệnh tích chủ yếu ở liên phễu thường gặp ở người lớn, thứ phát sau lao phổi. Toàn thân yếu, khó thở xuất hiện từ từ.

Do virus (cúm hoặc sởi):

Biểu hiện viêm thanh khí phế quản, bệnh nhân thường sốt 39 – 40oC. Khó thở thường xuất hiện nhanh, trong trạng thái nguy ngập: mặt xám, xanh tái, thở nông, người mệt mỏi. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao. Tất cả các dấu hiệu là viêm long đường hô hấp trên. Khi bị nặng sức đề kháng yếu sẽ dẫn tới bội nhiễm và tình trạng KTTQ cần can thiệp.

Do cúm: Biểu hiện viêm thanh quản phù nề hạ môn tiến triển rất nhanh. Thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, bắt đầu là viêm mũi họng (giống như cúm) rồi xuất hiện KTTQ, khó thở ngày càng tăng, khó thở có tiếng rít, rồi có ho, giọng khàn. Loại KTTQ này phải cấp cứu ngay để tiêm thuốc depersolon đường tĩnh mạch đồng thời giải quyết nguyên nhân viêm nhiễm, nếu tiến triển xấu phải mở khí quản hoặc đặt nội khí quản.

Do sởi: KTTQ thường xuất hiện sau khi sởi bay 1 tuần hoặc xuất hiện cùng với sởi. Biểu hiện chủ yếu là khàn tiếng, tiếng ho ông ổng như chó sủa đột nhiên gây khó thở cấp tính.

Viêm V.A (viêm thanh quản rít): hay xảy ra ở trẻ 3- 6 tuổi, xuất hiện ban đêm. Em bé đột nhiên thức dậy với hiện tượng khó thở kịch phát, thanh môn như bị co thắt, cơn khó thở xuất hiện trong vài phút rồi qua đi, trẻ ngủ lại bình thường. Hôm sau trong trạng thái bình thường. Cơn khó thở có thể xuất hiện trở lại vào những đêm sau.

PGS.TS Nguyễn Thị Ngọc Dinh (Nguyên Viện trưởng Viện Tai Mũi Họng TƯ)

Theo Đời sống
back to top