Đắp lá bắp cải chữa sưng đau khớp chân. (Ảnh minh họa)
Có hoạt chất chống viêm, giảm đau
PGS.TS Đoàn Văn Đệ, Chủ tịch Hội thấp khớp học Hà Nội cho biết, bắp cải chứa một nguồn xơ tốt và các khoáng chất như Vitamin C, Vitamin K, Vitamin B6, folate, mangan, thiamin, canxi, sắt, magiê, phốt pho và kali. Ngoài ra bắp cải rất giàu hàm lượng vitamin A, B, đặc biệt chứa nhiều chất chống ung thư như Sulforaphane, phenethyl isothiocyanate và Indol-33 carbino…
Do có chứa hàm lượng vitamin C và lưu huỳnh cao, bắp cải có thể giúp loại bỏ độc tố (gốc tự do). Các gốc tự do là một trong những nguyên nhân chính của bệnh viêm khớp, bệnh ngoài da, bệnh thấp khớp và bệnh gút. Các khoáng chất canxi, magiê, kali.. trong bắp cải duy trì sức khỏe của xương. Đặc biệt trong bắp cải có rất nhiều glutamine – một chất chống viêm mạnh. Vì vậy, bắp cải có tác dụng giảm viêm, kích ứng, dị ứng, đau khớp, sốt và các rối loạn về da.
TTUT, BS CKII Lê Hữu Tuấn, nguyên Phó Giám đốc chuyên môn, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cũng cho biết, từ lâu, Đông y đã dùng bắp cải để chữa đau nhức, đau hạch, đau xương khớp, đau vùng ngực do cương sữa… Y học cổ truyền dùng nước ép lá bắp cải để lấy nước uống, còn bã thì đắp lên vùng bị đau nhức, giúp hỗ trợ giảm đau hiệu quả cho các bệnh như đau khớp, đau chân tay, đau do bệnh gút, đau dây thần kinh tọa…
Thường dân gian dùng bắp cải trắng, lấy lá bánh tẻ xanh vừa, không dùng lá già và lá non trắng. Lá bắp cải tím được khoa học chứng minh có nhiều hợp chất anthrocyanin có khả năng giảm đau và giảm viêm cao hơn. Tuy hiếm gặp nhưng cũng có người bị dị ứng với bắp cải. Do vậy, nếu đắp mà bị ngứa thì nên tìm phương pháp điều trị khác.
Thường thì lá bắp cải chỉ áp dụng trong những trường hợp bong gân, giảm nhẹ các triệu chứng đau và sưng nhức khớp, bệnh gút thể nhẹ. Nếu bị đau xương khớp nặng do loãng xương, do thoái hóa, do chấn thương… thì cần đi khám, chụp chiếu và điều trị tích cực bằng các biện pháp y tế hiện đại.
Chữa đau nhức xương khớp
Theo TTUT, BS CKII Lê Hữu Tuấn, có nhiều cách sử dụng lá bắp cải để giảm sưng, đau, nhức. Nếu tay hoặc chân sưng phồng, đau mắt cá chân thì quấn lá bắp cải tươi để qua đêm. Dân gian thường lấy lá bắp cải hơ nóng, đắp vào mỗi chỗ đau 3-4 miếng, sau đó dùng băng cố định bên ngoài.
Việc hơ nóng lá bắp cải giúp khu vực được đắp lên sẽ giãn mạch, tăng cường tuần hoàn tại chỗ, giải phóng các chất gây đau ở tại ổ viêm. Đồng thời những chất từ lá bắp cải thẩm thấu qua da, tác động vào vùng bệnh và phát huy tác dụng giảm đau, chống viêm. Song song với việc đắp, để hiệu quả hơn dùng lá bắp cải ngâm rửa sạch bằng nước muối, nghiền ép lấy nước uống. Người thể hàn, hay bị đi lỏng, hay đau bụng do lạnh, khi uống bắp cải cho kèm thêm ít gừng tươi.
Với những người đau nhức xương khớp thường xuyên do thoái hóa, do viêm, gút… có thể dùng một số cách đắp lá bắp cải để giảm đau nhức, giảm viêm.
Cách 1: Chọn lá bắp cải bánh tẻ tươi rửa sạch cho vào túi nilon và để ngăn đá tủ lạnh. Khi bị các cơn đau cấp thì dùng khăn xô bọc lá bắp cải quấn lên vùng bị đau. Cách này có tác dụng giảm đau gút trong 30 phút và cũng có tác dụng giảm sưng trong bong gân.
Cách 2: Dùng dao bỏ bớt phần cuống dày và cứng, sau đó dùng chai rượu, cây cán bột hoặc búa dần thịt để nhẹ nhàng lăn/đập cho chiếc lá nát ra một chút và tiết ra nước. Sau đó đặt lá bắp cải lên một chiếc chảo và hơ trên bếp lửa hoặc cho vào lò vi sóng cho hơi ấm và mềm ra một chút rồi bọc vào vùng sưng đau.
Hồng Linh