Xoa đầu gối trị đau chân

Theo y lý Đông Phương, đầu gối là nơi xuất phát các bệnh phong thấp, đau khớp xương và là trung khu gây cho xương bị lão hóa. Để phòng ngừa các bệnh tật này thường xảy ra cho người cao tuổi, hằng ngày hãy xoa bóp đầu gối và huyệt túc tam lý để đảm bảo xương cốt vững chắc, vững vàng không thua sức lực của thời niên thiếu là bao.
xoa đầu gối

Ảnh minh họa

Xoa bóp xương đầu gối: Ngồi trên một chiếc ghế thật vững chắc, hai chân duỗi thẳng. Hai bàn tay ôm lấy hai bên khớp gối và xát từ trên xuống và ngược lại khoảng 21- 36 lần. Tiếp tục, đặt hai lòng bàn tay lên hai đầu gối. Tay trái đặt lên trên gối trái, tay phải đặt trên gối phải. Bắt đầu xoa đầu gối theo động tác vòng tròn, từ 21- 36 lần, rồi day ngược chiều kim đồng hồ với số lần tương tự.

Miết khớp gối: Co gối sao cho cẳng chân vuông góc với đùi, đặt ngón cái của hai bàn tay ở phía trước, các ngón còn lại ôm phía sau khớp gối, dùng lực thích hợp miết hai ngón cái theo chiều ngược nhau từ trên xuống dưới và ngược lại, mỗi gối miết từ 21-36 lần.

Day khớp gối: Ngồi thỏa mái trên mặt phẳng, chân duỗi thẳng, hai lòng bàn tay úp lên hai xương bánh chè rồi day theo chiều kim đồng hồ và ngược lại, mỗi chiều từ 21- 36 lần lần.

Day ấn huyệt túc tam lý: Dùng hai ngón tay giữa đồng thời day ấn hai huyệt túc tam lý trong 1 phút. Vị trí huyệt túc tam lý: sờ bờ trước xương ống chân (xương chày) từ dưới cổ chân ngược lên, đến gần khớp gối ngón tay bị mắc lại ở đâu thì đó là lồi củ trước xương chày, từ đây đo ngang ra ngoài 1 khoát ngón tay (khoảng 2,2 cm) là vị trí của huyệt (cách xương đầu gối 25cm), khi ấn có cảm giác tê tức lan xuống bàn chân.Tiếp tục dùng hai tay xoa huyệt này theo chiều lên xuống, mỗi lần 36 động tác.

Túc tam lý có nghĩa là đi bộ 3 km, là huyệt nằm trên đường kinh Vị, có công dụng điều lý tỳ vị, kiện vận tỳ dương, ôn trung tán hàn, bổ trung ích khí, điều hoà khí huyết, tuyên thông khí cơ, đạo khí thượng hành, phù bản cố nguyên, bổ hư cường thân. Mọi sự đi đứng của con người đều nhờ ở lực của huyệt túc tam lý. Bởi thế, ở Trung Quốc thời xưa, phần đông khi dự định đi bộ đường xa, đặc biệt là binh lính đi chiến đấu người ta thường châm cứu huyệt túc tam lý để đi đường ít bị mỏi mệt.

Ngoài ra, huyệt vị còn có tác dụng thể phòng chống các bệnh lý đường tiêu hoá. Những người ăn uống khó tiêu, thận suy, hằng ngày năng xoa bóp huyệt đạo này, đảm bảo ăn uống biết ngon và tiêu hóa bình thường, không còn lo lắng về bệnh dạ dày và đường ruột. Đây cũng được coi là huyệt Trường thọ huyệt hay Vô bệnh trường thọ huyệt. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cứu  túc tam lý đặc biệt có tác dụng kháng lão rõ rệt thông qua việc cải thiện hàng loạt các chỉ tiêu về tuần hoàn, hô hấp, thần kinh, tiết niệu, nội tiết, miễn dịch và vận động ở người có tuổi và cao tuổi.

Quy trình trên cần thực hiện đều đặn mỗi ngày 1-2 lần vào sáng sớm khi thức giấc hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu khớp không sưng, không nóng, đau tăng lên khi lạnh thì có thể kết hợp chườm bằng ngải cứu sao với muối, mỗi tối 1 lần. Nếu khớp sưng, nóng, đỏ, đau thì kết hợp đắp bó bằng nghệ và lá thanh táo giã nát, mỗi tối 1 lần trong 15-20 phút.

BS Nguyễn Văn Thắng (Bệnh viện Thanh Nhàn)

Theo Đời sống
Thực phẩm giúp nhanh khỏi đau nhức xương khớp

Thực phẩm giúp nhanh khỏi đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Khi bị đau nhức xương khớp, ngoài việc chữa trị cũng nên bổ sung các thực phẩm giúp bệnh nhanh khỏi.
back to top