Nếu chụp X-quang gót chân sẽ thấy hình ảnh một chồi xương nhỏ nhô ra ở mặt dưới xương gót chân, thường gây đau khi đi lại, đặc biệt vào buổi sáng khi bước những bước đầu tiên lúc mới thức dậy.
Hỏi: Không biết có phải do trời lạnh không nhưng gần đây tôi bị đau gót chân, bước xuống đất là tự nhiên đau nhói, đi đứng tập tễnh. Nhiều người khuyên tôi đi bộ nhiều để chân quen với cử động, lâu dần hết đau. Tôi đã tập đi, tự nhiên thấy khỏi rồi lại bị lại. Không biết tôi mắc bệnh gì. Nếu đi bộ liên tục liệu có khỏi không?
Việt Cường (Phú Thọ)
GS.TS Trần Ngọc Ân, Chủ tịch Hội Thấp khớp học VN cho biết, bước xuống đất thấy chân đau nhói có khả năng mắc gai xương gót. Đây là bệnh hay gặp ở người lớn tuổi. Nếu chụp X-quang gót chân sẽ thấy hình ảnh một chồi xương nhỏ nhô ra ở mặt dưới xương gót chân, thường gây đau khi đi lại, đặc biệt vào buổi sáng khi bước những bước đầu tiên lúc mới thức dậy.
Gai xương gót về bản chất là quá trình tân tạo xương mới để chống lại những áp lực tác động vào cân, cơ vùng gan chân. Do sức nặng của cơ thể đè nén vào vùng gân gan chân trong một thời gian dài dẫn đến phản ứng viêm quanh gân.
Để chống lại các chấn thương nhắc đi nhắc lại liên tục, cơ thể tự sửa chữa bằng cách bồi phụ thêm một lớp canxi mới bao bọc quanh gân gan chân, kết quả là hình thành một chồi xương nhỏ ở mặt dưới xương gót chân.
Gai xương gót không phải do đi bộ nhiều mà khỏi. Khi đau, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh các vận động gây đau. Nếu đi lại có thể dùng gậy hoặc nạng để giảm căng trên bàn chân.
Buổi tối nên ngâm chân với nước muối ấm giúp làm dịu chân. Trường hợp đau nhiều có thể dùng thuốc chống viêm, giảm đau giúp giảm hiện tượng viêm và các triệu chứng bệnh.
Gai gót chân không thể chữa khỏi. Nếu muốn đi bộ, người bệnh nên đi giầy đế mềm, băng cổ chân giảm bớt lực tải trên cân gan chân dạng viêm. Chuyển dần từ đi bộ sang đạp xe đạp để phù hợp bệnh mà vẫn luyện tập được cho hệ xương khớp.
PV (ghi)