[LONGFORM]: Khổ sở vì viêm xoang mùa lạnh… bác sĩ mách bí kíp phòng ngừa

Mỗi khi thời tiết thay đổi, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, bệnh nhân viêm xoang lại cảm thấy khó chịu bởi chứng nghẹt mũi, chảy dịch mũi, đau đầu,… ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ, sinh hoạt của người bệnh.

Chị N.T.N. (30 tuổi, ngụ Hoàng Mai, Hà Nội) viêm xoang 3 năm nay, tái đi tái lại thường xuyên. Cứ mỗi khi trời mưa lạnh, thời tiết thay đổi, bệnh xoang của chị lại nặng thêm.

Những ngày Hà Nội bắt đầu vào đợt không khí lạnh, chị N. mệt mỏi, nghẹt mũi, chảy dịch mũi đục, đau đầu, phải xin nghỉ làm. Khi làm việc tại văn phòng, chị liên tục bị sổ mũi, hắt hơi, nhức đầu, không thể tập trung công việc, không đảm bảo hiệu suất công việc.

“Bị viêm xoang sợ nhất mùa mưa, mùa lạnh. Đây là thời tiết khắc tinh của bệnh. Tôi cơ địa dị ứng nên mùa mưa bệnh càng nặng hơn”, chị N, nói. Chị cũng đi khám nhiều nơi, mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm.

ThS. BS Phùng Quang Tuấn - Phó trưởng khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, bệnh viêm xoang được hiểu theo nghĩa rộng là viêm mũi và các xoang cạnh mũi, là bệnh lý khá phổ biến gặp ở mọi lứa tuổi tại Việt Nam và trên thế giới.

Viêm xoang là tình trạng viêm niêm mạc lót trong các xoang cạnh mũi, gây ra các rối loạn. Nếu bệnh diễn ra trong thời gian ngắn sau đó khỏi dưới 4 tuần sẽ được gọi là viêm xoang cấp tính. Nếu bệnh không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách, dẫn đến dai dẳng kéo dài trên 12 tuần thì được gọi là viêm xoang mạn tính.

Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm xoang. Thường gặp nhất là các nguyên nhân do viêm nhiễm (virus và vi khuẩn) làm tổn thương hệ thống màng nhầy lông chuyển ở lớp niêm mạc xoang gây viêm mũi xoang cấp tính.

Ngoài ra một số yếu tố gây dị ứng như thời tiết lạnh, phấn hoa, môi trường ô nhiễm cũng là các nguyên nhân khiến cho các cơ địa mẫn cảm dễ bị viêm xoang.

Các bất thường giải phẫu mũi xoang như dị hình vách ngăn mũi, V.A (Vegetation Adenoids) quá phát, chấn thương mũi xoang, các khối u vùng mũi họng… dẫn đến lưu thông mũi xoang kém mà gây viêm xoang.

Một tỷ lệ hiếm gặp là bệnh trào ngược dạ dày - thực quản, bệnh toàn thân (suy giảm miễn dịch, rối loạn chức năng lông chuyển…)

Triệu chứng của bệnh viêm xoang thường bắt đầu bằng việc người bệnh có thể hắt hơi, sổ mũi biểu hiện như một bệnh cúm thông thường. Sau đó thường xuất hiện hai triệu chứng là nghẹt mũi và chảy nước mũi, nước mũi có thể trong hoặc màu vàng xanh. Triệu chứng của bệnh viêm xoang nặng là người bệnh có thể sốt, ho, nặng mặt, đau nhức đầu vùng trán, thái dương gò má hoặc vùng sau gáy, giảm hoặc mất cảm nhận mùi.

Theo bác sĩ Tuấn, để chẩn đoán bệnh viêm xoang, nội soi tai mũi họng là phương pháp sử dụng thường xuyên và rất có giá trị. Khi soi sẽ thấy mủ nhầy đọng ở các khe mũi, niêm mạc mũi phù nề, xung huyết, xuất tiết.

Trong một vài trường hợp khó chẩn đoán, khi cần chụp X-quang xoang hoặc đánh giá các biến chứng của viêm mũi xoang, chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) được chỉ định. Trên phim cắt lớp sẽ thấy được các bất thường ở mũi xoang như phù nề niêm mạc hốc mũi, tụ dịch trong lòng xoang, hình ảnh tiêu xương thành xoang. Chụp cắt lớp vi tính còn có ưu điểm phát hiện được bất thường giải phẫu vùng mũi xoang cũng là nhóm nguyên nhân có thể gây ra tình trạng viêm xoang.

“Khi bệnh viêm xoang cấp tính không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách sẽ gây ra các biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như viêm nhiễm ổ mắt, viêm màng não, áp xe ngoài màng cứng, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang…”, bác sĩ Tuấn cảnh báo.

Đối với viêm xoang cấp tính chủ yếu là điều trị nội khoa, phẫu thuật chỉ đặt ra trong những trường hợp cần thiết.

Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp điều trị chủ đạo trong các trường hợp viêm xoang cấp tính. Các thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc chống dị ứng, thuốc co mạch chống xuất tiết phải được sử dụng hợp lý dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh, viêm xoang mạn tính.

Trong trường hợp người bệnh phải rửa xoang, bơm thuốc vào để điều trị thì cần phải đến cơ sở y tế uy tín tránh những biến chứng không đáng có. Ngoài ra người bệnh phải tuân thủ các nguyên tắc điều trị cũng như phòng bệnh.

Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật xoang): Được chỉ định trong các trường hợp: Phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả; Viêm xoang đã có các biến chứng như viêm ổ mắt, viêm thần kinh thị giác, biến chứng não; Có các bất thường về giải phẫu vùng mũi xoang như dị hình vách ngăn mũi, quá phát cuốn mũi, mỏm móc, bóng sàng thì phải phẫu thuật để giải quyết căn nguyên.

Viêm xoang là bệnh lý thường gặp ở nước ta, khi bị viêm xoang cấp tính, người bệnh cần phải được các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khám và tư vấn điều trị hợp lý để tránh biến chứng hoặc tiến triển thành viêm xoang mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và kinh tế của người bệnh.

Theo bác sĩ, để phòng ngừa bệnh viêm xoang hiệu quả, cần tránh các tác nhân gây bệnh. Giữ gìn vệ sinh mũi họng để tránh bị viêm xoang. Ngoài ra cần phải giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, giảm khói, bụi ô nhiễm cũng như các biện pháp hạn chế tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng sẽ giảm tình trạng viêm xoang.

Người bị viêm xoang mạn tính cần thường xuyên phải giữ ấm vùng mũi họng đặc biệt khi gặp thời tiết lạnh để tránh đợt viêm cấp, giải quyết sớm các bất thường giải phẫu vùng mũi xoang.

Theo Đời sống
back to top