Bài thuốc chữa viêm mũi xoang, dị ứng

Tỷ lệ người mắc viêm mũi xoang dị ứng lên tới khoảng 10 - 20% dân số. Con số này được dự báo ngày càng gia tăng. Nhiều người trị bệnh bằng tân dược không có kết quả, tuy nhiên có thể chế bài thuốc nổi tiếng trong đông y.

Thương nhĩ tử tán, còn gọi là Thương nhĩ tán, khởi thuỷ từ sách thuốc cổ nổi tiếng Tế sinh phương do y gia trứ danh Nghiêm Dụng Hoà, tự Tử lễ, người Giang Tây (Trung Quốc) biên soạn.

Các vị thuốc trong bài thuốc Thương nhĩ tử tán

Bài thuốc cổ phương nổi tiếng

Cần lưu ý, trong các sách thuốc cổ còn có ba bài thuốc cùng mang tên Thương nhĩ tán là:

Thương nhĩ 3 lạng ta, sấy khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 tiền khi bụng đói để chữa chứng ôn dịch, thời khí (theo sách Thánh tễ tổng lục).

Rễ thương nhĩ 2 lạng 5 tiền, ô mai 5 quả, rễ hành 3 cái, sắc với rượu, uống nóng để chữa mụn nhọt (theo sách Xích thuỷ huyền châu).

Cành và rễ thương nhĩ lượng vừa đủ sao đen tồn tính rồi tán bột, trộn với rượu, đắp vào tổn thương để trị mụn nhọt (theo sách Tam nhân chí nhất bệnh chứng phương luận).

Thành phần và cách dùng : Thương nhĩ tử 2 tiền rưỡi (7g), tân di nửa lạng ta (15g), bạch chỉ 1 lạng (30g), bạc hà nửa tiền (1,5g). Tất cả sấy hoặc phơi khô, tán thành bột mịn, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 6g. Theo cổ nhân, nếu dùng nước sắc củ hành và lá trà tươi để uống bột thuốc là tốt nhất.

Công dụng trong Đông y và Tây y

Thương nhĩ tử tán có công dụng tán phong hàn, làm thông mũi, chống đau đầu, thường được dùng để trị các chứng bệnh về mũi xoang như: Chảy nước mũi trong và hắt hơi nhiều, ngạt mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi tanh hôi kéo dài..., tương ứng với y học hiện đại là các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm mũi cấp và mạn tính, viêm xoang cấp và mạn tính...

Trong Thương nhĩ tử tán, thương nhĩ tử vị cay đắng, tính ấm, có công dụng thông mũi, trừ phong thấp, giảm đau; Bạch chỉ vị cay, tính ấm, có công dụng giải biểu, trừ phong táo thấp, chống phù nề và làm hết mủ, chống đau; Tân di vị cay, tính ấm, có công dụng tán phong hàn, thông tỵ khiếu; Bạc hà vị cay, tính mát, có công dụng sơ tán phong nhiệt, thanh lợi đầu mục, lợi hầu, thấu chẩn.

Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, thương nhĩ tử có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giảm ho, ức chế miễn dịch, chống oxy hoá, hạ huyết áp và đường huyết, hưng phấn hô hấp và chống ung thư;

Bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm, giảm đau, giải nhiệt, chống co giật, hạ huyết áp, chống ung thư và cầm máu; tân di có tác dụng giảm đau, tiêu viêm, giảm phù nề, chống dị ứng, hạ huyết áp, kháng khuẩn, ức chế ngưng tập tiểu cầu, chống ung thư và làm hưng phấn hô hấp;

Bạc hà có tác dụng giải nhiệt, giảm đau, kháng khuẩn, kháng virus, chống viêm, giảm ho, trừ đàm, giảm ngứa, và lợi mật.

Điều này giải thích vì sao bốn vị thuốc phối hợp với nhau trong phương thuốc Thương nhĩ tử tán lại có công dụng trị liệu các bệnh lý viêm nhiễm ở mũi xoang.

Nhiều cách sử dụng lâm sàng

Trong y học cổ truyền, Thương nhĩ tử tán là một trong những bài thuốc có tiếng về phương diện trị liệu các chứng bệnh thuộc chuyên ngành tai mũi họng.

Hiện nay, trên thực tiễn lâm sàng, để trị liệu các chứng bệnh mũi xoang, ngoài dạng bột truyền thống Thương nhĩ tử tán còn được sử dụng dưới hai hình thức:

Thuốc sắc: Dùng nguyên phương sắc uống hoặc gia giảm theo quan điểm biện chứng luận trị cho phù hợp với thể trạng và tính chất bệnh lý. Điều cần lưu ý là, khi sắc thuốc bạc hà phải cho vào sau và tân di cần chùi hết lông hoặc cho vào túi vải để tránh gây ngứa.

Đông dược thành phẩm: Là các loại thuốc được sản xuất theo nguyên phương Thương nhĩ tử tán hoặc có gia giảm dưới các dạng như hoàn mềm, hoàn cứng, trà tan, viên nang, cốm thuốc... Ví như, Tỵ viêm hoàn (Thương nhĩ tử tán gia hoắc hương, tô diệp, ngư tinh thảo và nga bất thực thảo), Tỵ viêm phiến (Thương nhĩ tử tán bỏ bạc hà, gia phòng phong, liên kiều, cát cánh, ngũ vị tử...), Tỵ uyên hoàn (Thương nhĩ tử tán gia tây thảo, kim ngân hoa, dã cúc hoa...)...do các công ty đông dược của Trung Quốc nghiên cứu và sản xuất.

Trong nước, Thương nhĩ tử tán hầu như chỉ được các thầy thuốc đông y sử dụng dưới dạng bột cổ truyền hoặc thuốc sắc.

Viêm mũi dị ứng là một bệnh rất thường gặp với cơ chế bệnh sinh là tình trạng mẫn cảm đặc biệt của cơ thể, phản ứng bất thường và quá mức sau khi tiếp xúc với một dị nguyên nhất định, biểu hiện trên lâm sàng bằng ba triệu chứng chính là hắt hơi, sổ mũi và tắc mũi.

Trong điều kiện môi trường ngày càng bị ô nhiễm như hiện nay, các bệnh lý mũi xoang như viêm mũi dị ứng, viêm mũi và viêm xoang cấp và mạn tính... là rất thường gặp và đang có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của các chuyên gia, chỉ riêng với viêm mũi dị ứng tỷ lệ mắc trong dân chúng lên tới 6,32%, tỷ lệ phát bệnh là 10 - 20%.

Điều trị viêm mũi dị ứng đợt cấp tính thường không khó khăn lắm nhưng khi bệnh đã chuyển sang mạn tính thì rất phức tạp mặc dù cho đến nay y học hiện đại đã có khá nhiều thuốc và kỹ thuật xử lý nhưng vì nhiều lý do khác nhau không ít trường hợp, kết quả trị liệu bằng tân dược vẫn chưa làm cho người bệnh và thầy thuốc thực sự hài lòng.

Bởi vậy, việc chọn lọc, kế thừa, nghiên cứu và sử dụng các phương thuốc đông y để phòng chống các bệnh mũi xoang là hết sức cần thiết.

ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Nguyên chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top