Hiệu quả của trang phục chống nắng phụ thuộc vào chất liệu, màu sắc, độ dày, mức độ che phủ và khoảng cách giữa những sợi vải. Quan trọng nhất là không nên ỉ lại vào trang phục mà cần có biện pháp chống nắng kết hợp.
TS vật lý Nguyễn Văn Khải, Trung tâm Dung dịch hoạt hóa điện hóa và đèn tiết kiệm năng lượng cho biết, trên thị trường, trang phục chống tia tử ngoại (UV) có áo khoác, váy, quần, găng tay, mũ, khẩu trang nhập khẩu từ Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc... Sản phẩm được quảng cáo có tác dụng chống tia UV trên 94%, thấm hút mồ hôi nhanh, thông thoáng, không làm rát da…Những sản phẩm này chống được tia UV vì sợi vải có thành phần polyester pha thêm sợi gốm ceramic fiber. Khả năng chống nắng tùy thuộc vào mức độ che phủ, khoảng cách giữa những sợi vải. Có thể kiểm tra bằng cách đưa tấm vải ra ánh mặt trời. Nếu ánh nắng xuyên qua nhiều là khoảng cách sợi vải thưa, mức độ chống nắng sẽ giảm đáng kể. Nếu vi sợi lỏng lẻo, ánh sáng và tia UV xuyên qua nhiều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả chống nắng.
Ở những cơ sở chuyên sản xuất trang phục chống nắng chuyên nghiệp, vi sợi được pha trộn nhiều hợp chất có tác dụng chống nắng. Sợi vải được thêm hoạt chất làm dịu da để khi tiếp xúc da không bị kích ứng. Sản phẩm có thể bán kèm xà bông để hoạt chất chống nắng len vào vi sợi. Những loại vải có màu tối như đen, xanh đậm... thì mức độ chống nắng càng tốt. Chúng biến đổi quang lượng tia UV thành nhiệt lượng. Do đó, không cần thiết phải mua những trang phục được quảng cáo chống tia UV mà có thể tự chọn loại vải có độ che phủ cao, sợi vải chặt, dày và màu sẫm.
Tuy nhiên, những yếu tố như mỹ phẩm, mồ hôi ẩm ướt sẽ khiến bản chất sợi vải thay đổi và không đạt được hiệu quả chống nắng như quảng cáo. Vì thế không nên ỷ lại vào trang phục chống nóng mà cần kết hợp tránh nắng giờ cao điểm, bôi kem chống nắng đúng cách, hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng…