Đủ mức giá
Tuy mới đầu hè nhưng thời tiết nắng nóng khá gay gắt khiến thị trường "trang phục chống nắng" nhanh chóng tăng nhiệt. Một trong những mặt hàng tiêu thụ rất mạnh đó là áo chống nắng. Nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sản phẩm áo chống nắng được các nhà sản xuất tung ra thị trường ngày càng nhiều với đủ kiểu dáng, mẫu mã, chất liệu và giá cả. Bên cạnh những sản phẩm chống nắng sản xuất trong nước có giá từ khoảng 80 nghìn đồng - 300 nghìn đồng, nhiều cửa hàng thời trang còn nhập những loại áo chống nắng, găng tay, khẩu trang chống tia tử ngoại (UV), ngăn ngừa ung thư da từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Lướt qua một số trang mạng bán hàng trực tuyến, những lời quảng cáo nghe hết sức hấp dẫn như: áo chống nắng được 95%, có khả năng chống tia UV, ngừa lão hóa, ngừa ung thư... tuy nhiên giá thành của một chiếc áo này không hề rẻ. Các loại áo chống nắng với xuất xứ của Nhật Bản có chức năng chống tia UV đang được nhiều chị em ưa chuộng có giá khoảng từ 400.000đ đến 600.000đ/sản phẩm. Cao cấp hơn nữa là những sản phẩm được quảng cáo sử dụng chất liệu có chứng nhận về chỉ số UPF 50+ có giá từ 800.000đ- 1,2 triệu đồng/sản phẩm
Tuy nhiên, nhiều chị em băn khoăn không biết loại áo này có thực sự chống được tia UV không? Giải đáp câu hỏi này, PGS.TS Phạm Văn Nho, phòng Thí nghiệm Vật lý Ứng dụng, ĐKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, để biết áo có chống nắng được không thì phải biết nó được làm từ vật liệu gì, khả năng chống nắng là bao nhiêu. Rất nhiều nước họ không quan tâm đến việc chống nắng như ở Việt Nam, nên chị em không nên “sính” hàng ngoại, cho rằng cứ áo chống nắng nhập ngoại là tốt.
Áo cotton không chống được tia UV
PGS.TS Phạm Văn Nho, hiện nay có quan điểm rất sai lầm rằng, một chiếc áo chỉ cần ánh nắng không thể xuyên qua được là đã có khả năng chống tia UV. Sai lầm này là bởi mắt thường chúng ta không nhìn thấy hết các thành phần có trong ánh nắng. Tia hồng ngoại, tia tử ngoại trong ánh nắng có thể xuyên qua nhiều lớp vải khác nhau mà mắt thường không nhìn thấy được. “Nếu bạn mặc chiếc áo chất liệu cotton thì áo có dày như mo cau cũng không thể chống lại tia UV được”, PGS.TS Phạm Văn Nho ví von.
Vải có chất liệu sợi tổng hợp polyeste là loại vải có thể chống lại tia UV trong ánh nắng tốt nhất. Tuy nhiên, loại sợi này không dùng riêng biệt để làm quần áo được vì rất khó mặc mà nó phải pha với sợi bông hoặc một số loại sợi khác theo một tỉ lệ nhất định. Cấu trúc hóa học của loại sợi polyeste giúp ngăn tia tử ngoại, nhưng thực tế nhiều hãng sản xuất quảng cáo vống lên về những tác dụng của loại áo chống nắng mà không hiểu về chất liệu. Nhiều khi tem nhãn có ghi chất liệu polyeste nhưng để kiểm chứng đúng là như thế hay không cũng rất khó. Bởi bằng mắt thường thì không thể biết chiếc áo đó có ngăn tia UV hay không mà phải cần đến các phòng thí nghiệm.
Về nguyên lý hấp thụ nhiệt của các màu sắc thì những màu sắc tối sẽ có khả năng hấp thụ nhiệt nhiều hơn, nóng hơn. Nhưng màu sắc tối lại có khả năng chống các tia cực tím, tia UV có hại cho sức khỏe tốt hơn các màu sắc sáng.