Cách phòng chống nắng nóng gây sốc nhiệt

(khoahocdoisong.vn) - Nắng nóng là yếu tố thuận lợi gây sốc nhiệt và khiến trung khu thần kinh bị rối loạn gây đột quỵ.

Đột quỵ tăng 20%

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, đợt nắng nóng những ngày qua tại miền Bắc, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày đã tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu do bị sốc nhiệt. Trong đó, tỷ lệ bệnh nhân đột quỵ tăng hơn 20%.

Điều đáng nói là bệnh nhân cấp cứu do sốc nhiệt và đột quỵ không chỉ có người cao tuổi mà còn có nhiều thanh niên. Trong đó có một bác sĩ trẻ ở Hà Nội bị đột quỵ và nhanh chóng rơi vào hôn mê khi đang đá bóng. Bệnh nhân được kết luận là phình, vỡ mạch não. 

Từng có thống kê trong nhiều năm cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do đột quỵ trong những tháng nắng nóng (tháng 6 – 7) cao so với các thời điểm khác trong năm. Nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ là cơn tăng huyết áp, vữa xơ động mạch não và mảng vữa xơ bị nứt, gây xuất hiện cục máu đông, gây tắc động mạch não... 

 "Nắng gay gắt nhất từ 12 – 16 giờ hàng ngày, thời điểm này đi đường, làm việc lâu ngoài nắng sẽ rất nguy hiểm, có thể gây nên tình trạng sốc nhiệt, trụy mạch, tổn thương não. Vì thế, người dân hạn chế đến mức tối đa ra ngoài trời từ 11-15h, đặc biệt những đối tượng có nguy cơ đột quỵ do nắng nóng cao thì không nên ra ngoài vào những thời điểm nắng gắt."

Không kiểm soát bệnh mạn tính 

PGS.TS Nguyễn Văn Chi cho biết, không phải nắng nóng gây nên đột quỵ. Mà do nắng nóng, những người có yếu tố nguy cơ kiểm soát không tốt khiến đột quỵ gia tăng. Theo đó, những người có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh máu; những người hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, béo phì, thừa cân... khi gặp nắng nóng khó chịu, khó ăn khó ngủ, quên uống thuốc, mệt mỏi không vận động, không kiểm soát tốt dễ xảy ra đột quỵ. 

Theo TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn thần kinh Học viện 103, đối tượng dễ bị đột quỵ khi thời tiết nắng oi nóng là người già, trẻ nhỏ, hoặc một số người có đáp ứng kém hay kém thích nghi với nhiệt độ cao. Người phải làm việc hoặc tập luyện quá lâu ở môi trường nắng nóng. Người tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng, thiếu các trang bị bảo hộ ngăn ngừa nắng. Người đang sử dụng một số thuốc như thuốc lợi tiểu gây mất nước, điện giải, các thuốc chẹn beta giao cảm điều trị tăng huyết áp, các thuốc chống trầm cảm loại ba vòng, các chất ma túy loại amphetamines hoặc cocaine. Người đang có các bệnh mạn tính như bệnh tim, bệnh phổi, người béo phì, người không được khỏe hoặc ăn uống không đầy đủ...

Bên cạnh đó, người sống ở khu vực thành thị cũng dễ bị đột quỵ do nắng nóng hơn so những người sống ở các vùng nông thôn. Nguyên nhân là do hiệu ứng bê tông khiến nhiệt độ ở thành phố cao hơn, trong khi vào ban đêm lại có hiệu ứng "đảo nhiệt", tức là nhiệt độ giảm chậm hơn so với ở vùng nông thôn.

Khi sử dụng điều hòa, cần chú ý không để mức nhiệt chênh lệch quá lớn so với ngoài trời, nhất là người có bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, cần bổ sung nước thường xuyên (khoảng 2 – 3 lít/ngày), kể cả khi không khát để đề phòng máu tăng đặc dẫn tới hình thành huyết khối. Nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, sáng màu, đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra ngoài nắng. Có thể sử dụng thêm kem chống nắng có chỉ số 30 SPF trở lên.

Đột quỵ do nắng nóng chủ yếu là do chảy máu não. Đây là bệnh rất nguy hiểm, tiềm tàng thường gặp ở người 50 – 60 tuổi, thanh niên, thậm chí ở đối tượng trẻ  nhỏ. Bệnh chủ yếu do dị dạng mạch máu não.

Dị dạng này có từ lâu, tiến triển một cách âm thầm. Các mạch máu đã dị dạng, mỗi ngày một giãn ra, yếu đi. Có một cơ hội nào đó (do áp lực công việc nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá, hít heroin…) làm ảnh hưởng đến sự co thắt mạch máu, cộng thêm nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh đột ngột làm mạch máu co thắt nhiều, dẫn đến bị vỡ, gây xuất huyết não. Điều nguy hiểm là bệnh khởi phát với rất ít dấu hiệu cảnh báo nhưng lại gây chết người nếu không được xử lý thật nhanh.

Đa phần người dân khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ lại tưởng do trúng gió, bị cảm… nên thường đánh gió cho uống uống nước chanh, nước gừng đường…Điều này rất nguy hiểm, vì nước uống vào sẽ gây sặc đường thở, làm suy hô hấp cấp hoặc tăng huyết áp sẽ nguy hiểm hơn.

Cách phòng tránh

Để phòng tránh, những người bị bệnh huyết áp, tim mạch, đái tháo đường... cần theo dõi thời tiết và kiểm soát huyết áp chặt chẽ khi thời tiết thay đổi. Nếu thấy người nôn nao khó chịu cần phải nghỉ ngơi, tránh sự gắng sức, giữ ấm cơ thể theo sự thay đổi của thời tiết.

Trường hợp thấy các biểu hiện đột ngột như yếu nửa người; nói ngọng hoặc không nói được; tê bì hoặc liệt nửa mặt, nửa người; nhìn không rõ, đau đầu dữ dội, nôn mửa, có lúc thở nhanh dồn dập, có cơn ngừng thở ngắn hoặc hôn mê... thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt để bác sĩ xác định nguyên nhân và có hướng điều trị kịp thời hiệu quả.

 Khung giờ vàng cấp cứu

Đột quỵ não là bệnh nặng nhưng nếu được cấp cứu kịp thời chúng ta có thể tránh được tử vong và mức độ di chứng. Khi có đột quỵ não xảy ra, cần khẩn trương đưa người bị bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu. Khung giờ vàng cấp cứu là 3h đầu tiên tính từ khi bị bệnh. Nếu cấp cứu kịp thời trong khung giờ này thì có thể làm giảm nguy cơ tử vong rất lớn. Còn nếu như có thể cấp cứu bệnh nhân trong 30 phút đầu tiên tính từ khi bị bệnh thì có thể hạ xuống mức thấp nhất các di chứng.

Theo Đời sống
Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Trời lạnh đề phòng liệt mặt, méo miệng

Bệnh liệt mặt, méo miệng xảy ra là do khi cơ thể bị lạnh làm co thắt mạch nuôi dây thần kinh số 7 gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ, phù và chèn ép dây thần kinh ở đoạn trong ống Fallope của người bệnh.
back to top