Chớ coi thường huyết áp cao
Trong chúng ta không ít người nghĩ rằng, cao huyết áp không nguy hiểm vì nhiều người gặp phải và vẫn sống tốt. Bệnh gây phiền toái là làm cho người ta nhức đầu, chóng mặt và chỉ cần uống thuốc là khỏi. Thuốc uống vào thì huyết áp hạ, người khỏe khoắn bình thường nên lắm người tự ý bỏ thuốc. Thực chất, cao huyết áp là nguyên nhân chính đưa đến 80% các cơn đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não. Với những người có bệnh lý kèm theo như đái tháo đường, mỡ máu, vữa xơ động mạch thì nguy cơ đột quỵ càng cao.
Huyết áp thế nào là cao ?
Theo các chuyên gia, chỉ số áp suất tâm thu bình thường dưới 120mmHg và áp suất tâm trương dưới 80mmHg. Huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên được xem là cao (đo ít nhất 3 lần vào 3 thời điểm khác nhau trong ngày). Huyết áp bình thường là huyết áp tâm thu (số trên) ít hơn 120mmHg, huyết áp tâm trương (số dưới) ít hơn 80mmHg. Người mắc tiền cao huyết áp có huyết áp tâm thu trong khoảng 120– 139 mmHg, huyết áp tâm trương từ 80-89 mmHg. Đối với người cao huyết áp độ 1 có huyết áp tâm thu từ 140 -159mmHg, huyết áp tâm trương từ 90 -99mmHg. Người cao huyết áp độ 2 có huyết áp tâm thu từ 160 mmHg trở lên, huyết áp tâm trương từ 100 mmHg trở lên. Khi huyết áp tăng cao trường diễn sẽ dẫn đến xơ vữa động mạch và xơ cứng các động mạch lớn. Điều này cùng với tăng áp lực mạch máu có thể dẫn đến tắc nghẽn các mạch máu nhỏ trong não. Huyết áp cao cũng có thể dẫn đến sự suy yếu của các mạch máu trong não, làm cho chúng căng lên và có thể bị vỡ ra.
Hai dạng đột quỵ phổ biến
Đó là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ xuất huyết.
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ tương tự như một cơn đau tim nhưng nó xảy ra trong các mạch máu của não. Cục máu đông hình thành trong các mạch máu não, mạch máu dẫn lên não, thậm chí các mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể và sau đó di chuyển lên não. Cục máu đông ngăn không cho máu chảy đến các tế bào của não. Cũng có khi trong lòng mạch có quá nhiều mảng bám (mỡ và cholesterol) bịt kín mạch máu của não. Khoảng 80% các ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ. Đột quỵ do xuất huyết xảy ra khi một mạch máu trong não bị đứt hoặc vỡ. Nguyên nhân phổ biến nhất của đột quỵ xuất huyết là do huyết áp cao và chứng phình động mạch não. Chứng phình động mạch não là do mạch máu bị yếu, mỏng đi và phình to ra. Khi bị đột quỵ người bệnh thấy tê yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt ở 1 bên của cơ thể. Mắt đột ngột nhìn mờ, giảm thị lực ở một hoặc hai mắt, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, miệng khó nói hoặc khó nuốt…Khi thấy những dấu hiệu trên cần gọi cấp cứu để đưa người bệnh đến bệnh viện.
Chú ý dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ
Đột quỵ có thể xảy ra bất thình lình nhưng cũng có khi báo trước bằng một dấu hiệu quan trọng- cơn thiếu máu não thoáng qua. Các dấu hiệu báo trước cũng giống như dấu hiệu của đột quỵ nhưng nó chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, 15 phút hoặc ít hơn. Người bệnh có thể thấy choáng, chóng mặt, buồn nôn, thậm chí tê bì một bên tay sau đó cảm giác này biến mất, cơ thể trở về hoạt động như bình thường. Bởi vậy chúng ta cần lắng nghe cơ thể, đánh giá đúng mức độ nguy hiểm của cơn thiếu máu cục bộ tạm thời và điều trị sớm để ngăn ngừa cơn đột quỵ thực sự.
Lựa chọn thuốc phòng ngừa đột quỵ
Về tây y, phòng ngừa đột quỵ đối với bệnh nhân cao huyết áp thường được bác sĩ cho thuốc hạ huyết áp và phải dùng thuốc suốt đời nhưng cách phòng và chữa của đông y là tấn công vào gốc bệnh. Từ lâu đông y đã sử dụng tỏi để trị bệnh cao huyết áp. Tỏi giúp làm giãn nở những mạch máu bị nghẹt hay bị co hẹp, nhờ đó máu lưu thông dễ dàng và áp lực giảm. LY Vũ Quốc Trung, Hội Đông y VN cho biết, cách đơn giản nhất để sử dụng tỏi để chữa bệnh cao huyết áp là dùng dưới dạng rượu tỏi hoặc giấm tỏi. Có thể lấy 2 lạng tỏi sống bóc bỏ vỏ ngoài rồi ngâm với nửa lít rượu gạo 400, hoặc giấm 4 – 5 % axit axetic, ngâm trong 10 ngày là dùng được. Liều lượng: Ngày dùng 2 lần, sáng trước bữa ăn và tối trước khi đi ngủ, mỗi lần khoảng 3ml. Tỏi ngâm trong môi trường axit (giấm, rượu) sẽ tăng tác dụng lên nhiều lần so với tỏi sống.