Theo ghi nhận của PV, từ sáng sớm các điểm giao dịch các nhà mạng đã chật kín người, phần nhiều là người cao tuổi, nhiều người phải chờ đợi trong nhiều giờ để đến lượt đăng ký. Đến lúc này, nhiều người quan tâm nếu không kịp hoàn thiện thông tin thuê bao trước 24 giờ ngày 24/4 thì có bị khóa thuê bao?
Trả lời vấn đề này, đại diện các nhà mạng vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng, còn đại diện Bộ TTTT cho biết, sẽ xem xét các yếu tố khách quan nhưng vẫn thực hiện nghiêm ngặt theo thời hạn Nghị định 49 đã đặt ra.
Khách hàng đến trung tâm Vinaphone trên đường Trần Duy Hưng (Hà Nội) để hoàn thiện thông tin thuê bao.
Điểm giao dịch chật cứng
Khảo sát trong sáng ngày 22/3, các điểm giao dịch của Viettel, MobiFone, VinaPhone ngay khi bắt đầu mở cửa đã chật ních người đến làm thủ tục. Phần lớn trong số đó là những người sử dụng sim “rác” đến đăng ký chính chủ. Phần lớn khách hàng là người cao tuổi không biết về công nghệ và không có smartphone kết nối 4G, Wi-Fi.
Tại điểm giao dịch ngay tại trụ sở VNPT Vinaphone (57 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội), sáng 21.4 đã chật kín người, mới chỉ 8h sáng nhưng bãi xe trước điểm giao dịch đã không còn chỗ trống. Ngay tại cửa đón tiếp, VinaPhone bố trí nhân viên phát tờ khai và hướng dẫn khách hàng tỉ mỉ. Những trường hợp là thuê bao chính chủ cần bổ sung thêm ảnh được hướng dẫn sử dụng smartphone tự chụp ảnh, cài ứng dụng và đăng ký qua mạng.
Theo nhân viên tại đây, từ 10 ngày trở lại đây, lượng giao dịch đã gấp 3 lần ngày thường, nhưng hôm 21.4 rơi vào thứ bảy nên lượng người đông bất thường. “Khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày có khoảng vài trăm người đến làm thủ tục. Có hôm phải làm việc tới hơn 9 giờ tối ” – một nhân viên giao dịch cho hay.
Trong khi đó, tại điểm giao dịch 114 Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy – Hà Nội) đã phải kê thêm 2 bàn ra phía khoảng không sát vỉa hè để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Tuy nhiên, lượng người từ sáng sớm đổ về ngày một đông. Tất cả khách hàng khi tới cửa hàng đều được phát phiếu đánh số thứ tự.
Theo ghi nhận, phần lớn khách hàng tới giao dịch tại địa điểm này đều là trung niên, người già, trong đó nhiều người dùng những điện thoại cũ.
Ông Nguyễn Viết Chiến (phường Dịch Vọng Hậu) cho biết, đã tới từ hơn 8h nhưng chờ hơn gần 2 tiếng vẫn chưa xong. Bên cạnh ông Chiến, bà Hậu (63 tuổi) cho biết, đã tới chiều qua nhưng đông quá không chờ được nên sáng nay lại tới tiếp. Nhân viên tại điểm giao dịch này xác nhận, có thời điểm vì quá đông khách chờ trung bình mỗi người phải chờ đến 30 phút hoặc hơn 1 giờ là chuyện bình thường.
Trao đổi với PV, đại diện các nhà mạng xác nhận, các điểm giao dịch đang căng sức, dù tăng người, tăng giờ làm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khách hàng. Đại diện nhà mạng Viettel xác nhận, trong một tuần trở lại đây, nhân viên các điểm giao dịch Viettel đã tăng công suất gấp 2 đến 3 lần ngày thường.
“Nhiều điểm giao dịch phải tối mịt, có khi hơn 9 giờ tối mới đóng cửa. Đa phần đều là người già đến làm thủ tục, lại phải đợi nhiều giờ” – đại diện Viettel nói.
Khách hàng làm thủ tục cập nhật thuê bao di động tại một điểm giao dịch của Viettel trên đường Trần Thái Tông.
Chưa kịp hoàn thiện thông tin, có bị khóa sau ngày 24/4?
Ngày 19/4, tại các điểm giao dịch của Viettel, đơn vị này đã đồng loạt dán thông báo: “Viettel sẽ không khóa số thuê bao của khách hàng theo nghị định 49, nên khách hàng yên tâm lúc nào rảnh ra đăng ký cũng được”. Tuy nhiên, đến sáng nay, theo khảo sát của PV tại một vài điểm giao dịch Viettel thì thông báo trên đã không còn.
Trong khi đó, trên trang mobifone3g.net.vn cho biết: Thời hạn của bộ TTTT đưa ra là 12 tháng kể từ ngày nghị định 49 có hiệu lực (24/4/2017). Như vậy, thời hạn cuối để các thuê bao cập nhật thông tin chính xác là ngày 24/4/2018. Nhưng, để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng, sau thời gian này các thuê bao chưa cập nhật sẽ tạm thời chưa bị khóa. MobiFone vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ khách hàng cập nhật.
Hiện nay, thông tin khách hàng quan tâm nhất là việc khi không kịp bổ sung thông tin thì có thể bị khóa thuê bao? Giải đáp thắc mắc này, đại diện truyền thông Vinaphone không cho biết, việc khóa thuê bao sau ngày 24/4 hay không thì hiện tại vẫn chưa rõ.
“Chúng tôi trước mắt phục vụ khách hàng tốt nhất có thể, nhân viên các điểm giao dịch đã tăng gấp đôi số người, các điểm giao dịch phục vụ đến 21 giờ. Còn sau 24/4 có khóa thuê bao với các khách hàng chưa hoàn thiện đăng ký thông tin theo Nghị định 49 thì hiện tại chưa có câu trả lời” – đại diện nhà mạng này cho hay.
Đại diện một nhà mạng lớn khác khẳng định, các thuê bao chưa kịp đăng ký thông tin sẽ không bị khóa sau 24/4. “Sau 24/4, chúng tôi sẽ rà soát lại xem còn bao nhiêu thuê bao chưa đăng ký thông tin. Việc này phải trình lên Bộ TTTT để bộ quyết định có khóa hay không” – đại diện nhà mạng này cho biết.
Trong khi đó, đại diện Thanh tra Bộ TTTT cho rằng, nội dung trong Nghị định 49 đã rất rõ ràng nhưng tới cuối tháng 3 thì các nhà mạng mới bắt đầu phát thông báo tới khách hàng.
“Xảy ra tình trạng ùn ứ tại các điểm giao dịch một phần do các nhà mạng thông báo quá muộn, một phần khách hàng không chủ động đăng ký từ trước đó. Việc nhiều thuê bao do nhiều lý do khách quan chưa đăng ký kịp thông tin trước ngày 24/4 thì Bộ TTTT sẽ xem xét nhưng tinh thần là sẽ làm quyết liệt theo thời hạn Nghị định 49 đặt ra”- vị lãnh đạo này nói.
Còn hàng chục triệu thuê bao chưa hoàn thiện đăng ký thông tin
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3.2018, tổng số thuê bao di động trên cả nước ước tính đạt 118,7 triệu. Các thuê bao di động hiện nay chia làm 2 nhóm: Nhóm thuê bao đã có thông tin chính xác và nhóm thuê bao chưa có thông tin cá nhân chính xác.
Theo rà soát mới nhất của Bộ TTTT, tính tới tháng 3.2018, hiện chỉ có khoảng 4 triệu thuê bao tiến hành cập nhật thông tin và hiện vẫn còn khoảng 38 triệu thuê bao chưa đầy đủ thông tin, cần phải bổ sung, ngoài ra là các thuê bao chưa đăng ký thông tin.
Theo Thông Chí (LĐ)