Nhiều người dân cuống cuồng đi bổ sung, cập nhật thông tin vì lo thuê bao di động bị khóa.
Bà Mơ cho biết, theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP (khoản 2 Điều 4), doanh nghiệp viễn thông có 12 tháng (kể từ ngày Nghị định được ban hành – 24/4/2017) để rà soát, hướng dẫn, yêu cầu các thuê bao di động trả trước đang sử dụng dịch vụ của mình có thông tin thuê bao chưa tuân thủ theo đúng quy định đến cập nhật, bổ sung thông tin. Như vậy, ngày 24/4/2018 là mốc doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ các thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định này.
Dẫn quy định tại Nghị định 49 về quy trình thông báo cho các thuê bao đến bổ sung thông tin, tạm dừng cung cấp dịch vụ (đối với các thuê bao không thực hiện), bà Mơ cho biết, đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, doanh nghiệp phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện bổ sung, cập nhật thông tin thuê bao.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, sẽ tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo, đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Tiếp đó, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều, đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Và cuối cùng, thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Đề cập mốc thời gian 24/4, bà Mơ nhấn mạnh đây là thời điểm doanh nghiệp phải bảo đảm cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao của mình đã tuân thủ hoàn toàn theo các quy định tại Nghị định 49. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định.
Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những sai phạm có thể phát sinh liên quan đến thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu của mình không tuân thủ đúng quy định.
Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo, doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này.
Bà Mơ cũng khẳng định, không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. “Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp theo quy trình. Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo thì doanh nghiệp không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ của các thuê bao này”, bà Mơ nhấn mạnh.
Về việc nhiều người dùng lo ngại thông tin mình cung cấp cho nhà mạng bị lộ, bởi thực tế đã có doanh nghiệp viễn thông thừa nhận lấy thông tin khách hàng cung cấp để kích hoạt sim bán cho người khác, ông Đỗ Hữu Trí, Phó Chánh Thanh tra Bộ TT&TT cho rằng việc bảo mật thông tin của khách hàng là trách nhiệm của các doanh nghiệp viễn thông.
Trong trường hợp thông tin của mình bị lấy để kích hoạt cho sim của người khác, ông Trí cho biết người bị lấy thông tin nên mạng CMT đến các doanh nghiệp viễn thông và đặt vấn đề làm việc về việc này. DN sẽ có trách nhiệm kiểm chứng lại thông tin, nếu đúng thì bắt buộc họ phải hủy thuê bao kia, đồng thời yêu cầu thuê bao kia đăng ký chính xác lại thông tin.
Theo Hoài Thu (Báo Giao Thông)