Học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử: Ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe?

Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên...

Hệ lụy khôn lường

TS.BS. Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng (thường chứa nicotine), biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người hút có thể hít vào phổi.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp.

Tuy nhiên, một số thành phần chất ma túy cũng có thể được cho vào dưới dạng chất lỏng để tăng cảm giác của người dùng, không rõ nguồn gốc và nồng độ, vì thế gây ra những hệ lụy khôn lường cho học sinh.

Thuốc lá điện tử được cấu trúc để có thể bốc cháy nhanh, đốt cháy hóa chất với tốc độ dẫn điện ngày càng được cải biên với tốc độ mạnh và nhanh. Khi hóa chất được đốt cháy nhanh, đột ngột, liều cao sẽ tạo ra nhiều chất khác nhau khá nguy hiểm.

Thuốc lá điện tử có thể chia làm 3 nhóm tác hại sau:

Thuốc lá điện tử chứa nicotin. Mặc dù có nhiều nhà sản xuất tuyên bố là không có nicotin nhưng thực tế theo nghiên cứu thuốc lá điện tử có hàm lượng nicotin cao hơn cả thuốc lá. Nicotin là chất độc nặng, có trong thành phần thuốc trừ sâu, khi sử dụng có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thần kinh.

Bên cạnh đó, nicotin gây nghiện. Nhiều nghiên cứu cho thấy hút thuốc lá điện tử làm tăng số lượng người nghiện thuốc lá thông thường. Thuốc lá điện tử làm suy mòn, hủy hoại tất cả nỗ lực phòng tránh thuốc lá thông thường cho đến nay.

Thuốc lá điện tử chứa rất nhiều chất phụ gia: Tạo màu, tạo mùi, những chất này sẽ thay đổi theo thị hiếu, theo thời gian…

Thuốc lá điện tử có thể chứa ma túy

Những rối loạn cảm xúc phổ biến ở người sử dụng thuốc lá điện tử bao gồm: Trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn stress. Các nhà khoa học đã chứng minh việc sử dụng thuốc lá điện tử có liên quan đến giảm lòng tự trọng, làm gia tăng các triệu chứng lo âu và làm giảm khả năng thích nghi với stress. Những cảm xúc tiêu cực, ý nghĩ tự sát cũng đã được báo cáo trên những người sử dụng thuốc lá điện tử. Hút thuốc lá điện tử cũng gia tăng các rối loạn hành vi như rối loạn tăng động - giảm chú ý; nghiện cờ bạc; các hành vi bốc đồng và xung động; các hành vi phạm pháp.

Việc hút thuốc lá điện tử tác động trực tiếp và dài hạn đến khu vực não bộ, đặc biệt là khu vực vỏ não trước trán - khu vực phát triển mạnh ở thời kỳ học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Các vùng não này xử lý quá trình nhận thức và cảm xúc, động lực, khả năng lập kế hoạch, sự tập trung chú ý. Chính vì vậy, các em thường có biểu hiện giảm chú ý và tập trung, khả năng đưa ra quyết định kém, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường, suy giảm nghiêm trọng khả năng học tập.

Thuốc lá điện tử vào trường học như thế nào?

Trao đổi trên Công an Nhân dân, Trung tá Trương Quốc Nam, Đội trưởng Đội An ninh, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trên địa bàn quận có 25 trường THCS và 13 trường THPT. Qua nắm tình hình có tình trạng học sinh ở cả 2 cấp học trên sử dụng thuốc lá điện tử phổ biến cả nam và nữ, thậm chí có trường hợp biết chắc chắn thuốc lá điện tử có ma tuý nhưng vẫn sử dụng. Học sinh chủ yếu mua thuốc lá điện tử trôi nổi trên mạng, bạn này mua được lại giới thiệu cho bạn kia. Sau khi nắm tình hình từ phía nhà trường, Đội An ninh đã báo cáo lãnh đạo Công an quận cho tiến hành rà soát, đã bắt giữ được 2 vụ kinh doanh hàng hoá không rõ xuất xứ, có vụ đối tượng tàng trữ thuốc lá điện tử trong phòng chung cư.

Trung tá Trương Quốc Nam cho biết, nguyên nhân khiến các em sa đà vào nghiện thuốc lá điện tử do các em rất dễ tiếp cận thuốc lá. Một điếu thuốc lá điện tử chỉ có giá từ 30 nghìn đồng đến 50 nghìn đồng nên các em dễ dàng mua. Tinh dầu thuốc lá điện tử có nhiều hương vị hấp dẫn (dâu, táo, bạc hà…), ở lứa tuổi thích thể hiện mình nên dễ dàng kích thích giới trẻ sử dụng, lôi kéo bạn này sang bạn khác.

"Các em có đọc và biết tác hại nhưng vẫn sử dụng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết các đối tượng buôn bán thì khả năng trong thời gian tới thuốc lá điện tử sẽ tiếp tục tăng cao", Đội trưởng Đội An ninh cho biết.

Theo kết quả Điều tra sức khỏe học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới năm 2019 với gần 7.800 học sinh tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có 2,57% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,77%. Với học sinh THCS, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 2,15% và 3,1% với học sinh THPT.

Việc sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện ở học đường hiện nay đang là hiện tượng đáng báo động. Thời gian gần đây, trào lưu hút thuốc lá điện tử hay thuốc lá thế hệ mới đang ngày càng "xâm nhập" nhiều vào trường học, gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, tò mò và thích khám phá.

Ngày 24/4, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - ký văn bản số 474 đề nghị sở y tế các địa phương tăng cường truyền thông về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê: "Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội. Để kịp thời ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, thời gian qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTH thuốc lá) – Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCSHCM, các Tổ chức quốc tế, cơ quan truyền thông và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về tác hại của các sản phẩm này."

Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế thực hiện một số nội dung sau:

1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản chỉ đạo các Sở ban, ngành, các cơ quan truyền thông của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điếu thông thường, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và kịp thời có các quy định để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm này tại các cơ quan, công sở và đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đào tạo; tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, shisha.

2. Phối hợp với các cơ quan truyền thông, các đơn vị liên quan kịp thời phổ biến thông tin về tác hại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tới công chức, viên chức, người lao động tại cơ quan, đơn vị, người dân trên địa bàn. Lồng ghép tuyên truyền tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong các cuộc họp, hội thảo, hội nghị, sự kiện của cơ quan, đơn vị, cộng đồng.

3. Tăng cường phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo để cung cấp thông tin, và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý.

4. Chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực cung cấp các thông tin về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới tới người bệnh, người nhà người bệnh và người dân trong cộng đồng.

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh gửi kèm theo Công văn này tài liệu về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (hoặc tải về từ trang web Vinacosh.gov.vn) để các cơ quan, đơn vị tham khảo thực hiện.

Theo Đời sống
Day huyệt hạ huyết áp

Day huyệt hạ huyết áp

Để chữa cao huyết áp, ngoài việc dùng thuốc, thay đổi lối sống, y học cổ truyền có một phương pháp rất độc đáo mà ít người biết đến đó là việc tự xoa bóp huyệt vị.
back to top