Không chỉ ngộ độc, thuốc là điện tử còn gây nhiều bệnh nguy hiểm như: Tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen, đột quỵ não, tim mạch, ung thư...
Nhiều trẻ hút thuốc lá điện tử và ngộ độc
Ngày 24/4, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết, nhiều trường hợp học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs), thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs) đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng đặc biệt trong đối tượng học sinh.
Nhiều trường hợp các em học sinh phải cấp cứu vì bị ngộ độc nicotine và các dung dịch có trong các sản phẩm phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều đáng nói là các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.
Thống kê tại hội thảo tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi tại Việt Nam năm 2022 do Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây ở Hà Nội cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở học sinh nhóm tuổi 13-15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2014 lên 0,8% năm 2022. Bên cạnh đó, tình hình sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng.
Theo đó, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trên 15 tuổi tăng từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, đặc biệt tập trung ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỷ lệ là 7,3%. Ở nhóm tuổi học sinh từ 13-15 tuổi, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử là 3,5%, trong đó học sinh nam là 4,3%, học sinh nữ là 2,8%.
Nhiều học sinh hôn mê, tử vong vì thuốc lá điện tử, nung nóng, shisha |
“Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, bên cạnh các tác hại giống như thuốc lá điếu thông thường, còn nguy cơ tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và lối sống của thanh thiếu niên, đồng thời gây ra các tác hại trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội” – PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Để tiếp tục tăng cường truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá nói chung và các sản phẩm thuốc lá mới, ngày 24/4, Bộ Y tế đã ký ban hành công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha.
Không chỉ ngộ độc và ung thư
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đã và đang điều trị tại Trung tâm hầu hết là người trẻ, độ tuổi 20 và có những trường hợp là học sinh THPT.
“Tôi cho rằng các ca “ngất xỉu, vật vã, kích thích” sau khi hút thuốc lá điện tử điều trị tại Trung tâm và nhiều cơ sở y tế trên cả nước đang gặp phải trong thời gian qua phần lớn là do ngộ độc ma túy” – TS.BS Nguyên nhận định.
Theo BSCKII Trần Thanh Thảo, Sở Y tế Tiền Giang, thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, người sử dụng nó bắt buộc phải dùng tiếp, nếu không sẽ vật vã khó chịu, không dứt ra được. Nicotine trong thuốc lá điện tử gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, gây ra sinh non, thai chết lưu ở phụ nữ có thai. Nicotine làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ. Nicotine còn gây ra suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng.
Thuốc lá điện tử được chứng minh đã gây ra bệnh phổi như tắc nghẽn phổi mãn tính, ung thư phổi, hen, đột quỵ não, tim mạch, ung thư...
TS.BS Phan Trung Nguyên cho biết, ngoài nicotine, trong thuốc lá điện tử hiện có đến 15.500 hương liệu khác nhau để tạo mùi. Các chất này khi bị đốt cháy gây kích ứng đường hô hấp, tổn thương phổi nguy cơ gây ngộ độc, tổn thương cho các cơ quan nội tạng, làm tăng nguy cơ ung thư cho người hút.
Chưa kể trong thuốc lá điện tử còn có các thành phần phụ gia khác rất phức tạp, thay đổi theo thời gian, theo thị hiếu và rất tùy tiện, thậm chí phối trộn cả ma túy gây ra các ngộ độc cấp tính, tác động tới thần kinh làm cho người sử dụng bị kích thích, lẫn lộn, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần.
“Tại Hà Nội, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4%” – Nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế.