Nghiên cứu hiện đại cho thấy giun đất chứa chất lumbriferin giúp thanh nhiệt, hạ sốt. Các thành phần đạm trong giun có tác dụng kháng histamin, làm giãn khí quản, do vậy y học cổ truyền thường dùng địa long để trị hen suyễn, viêm phế quản, khó thở. Giun đất cũng chứa hàm lượng rất cao a-xit linoleic, cùng khoáng chất vi lượng chống oxy hóa selen giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng trong cơ thể. Vì vậy, địa long có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp.
Chọn loại giun đất già có khoang.
Để chữa bệnh, đào đất lấy những con giun già, khoang cổ. Dân gian thường lấy nước lá răm hay nước bồ kết, nước chè đổ lên đất cho giun bò trườn lên. Bắt giun bỏ vào thùng có chứa sẵn lá tre, rơm hoặc tro, rồi rửa sạch bằng nước ấm cho sạch chất nhớt. Kẹp đuôi giun vào gỗ hoặc ghim cố định đuôi sau đó mổ dọc thân, rửa sạch đất trong bụng, phơi hoặc sấy khô cất dùng. Những con giun tự nhiên lên mặt đất là giun bệnh, không dùng.
Sau khi sơ chế xong tẩm rượu hoặc tẩm gừng sao qua lửa cho khô, tán thành bột cất vào lọ kín để dùng. Theo YHCT, địa long có vị mặn, tính hàn, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù… 12g bột địa long có tác dụng hạ sốt.
Trị hen suyễn: địa long 12g, sắc uống hoặc dùng bột địa long khô, mỗi lần 3-4g, ngày uống 2 lần. Hoặc dùng địa long, cam thảo tươi, lượng bằng nhau, sấy khô, tán bột, mỗi lần uống 4-5g (ngày hai lần).
Trị huyết áp cao: Uống cao lỏng Địa long 40%, mỗi lần 10ml, ngày 3 lần, đạt kết quả tốt. Ngoài ra, bột địa long dùng để trị đau mắt đỏ, nhức răng, mụn nhọn, trị lợi chảy máu, bí tiện, mề đay, dị ứng… và nhiều chứng bệnh khác.
BS Lê Hữu Tuấn,
Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương