Cổng vào đền Đông Bộ Đầu ở Thường Tín.
Từ sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đến sách “Công dư tiệp ký” đều biên chép rõ ràng về cuộc chiến chống quân Nguyên Mông của quân dân nhà Trần gắn với địa danh Đông Bộ Đầu. Tuy nhiên, sử sách đôi khi cũng có những sơ sót.
Chính sử
Có thể khẳng định, nguồn sử liệu đề cập rõ nhất về địa danh Đông Bộ Đầu là sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã ghi chép như sau:
“Đinh Tỵ, Nguyên Phong thứ 7 (1257), mùa thu tháng 8 chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất sai chạy trạm tâu với vua là có sứ Nguyên sang. Tháng 9, xuống chiếu lệnh tả hữu tướng quân đem quân thủy bộ ra ngăn giữ biên giới, theo chỉ huy của Quốc Tuấn.
“Tư liệu từ văn bia Hòe Nhai do Hà Tông Mục nêu ra hoàn toàn tin cậy được. Bởi sau khi làm Chánh sứ sang nhà Thanh, trở về ông được phong chức Bồi tụng kiêm Phủ doãn phủ Phụng Thiên… Chính bài văn bia được soạn khi Hà Tông Mục đang ở phủ Phụng Thiên nên ông đã khảo cứu kỹ lưỡng, tường tận.”
PGS.TS Đinh Khắc Thuân – Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Mùa đông tháng 11, lệnh truyền cả nước sắm sửa vũ khí. Tháng 12, ngày 12 tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không.
Bản đồ Đông Kinh thời Hồng Đức để nhận biết bến Đông.
… Ngày 24, vua và Thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng”.
Theo PGS.TS Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì sự kiện được ghi trong chính sử cho thấy quân Mông tiến đánh chiếm Thăng Long từ phía Bắc xuống, chứ không phải theo đường thủy từ biển lên.
Do thế địch mạnh nên vua tôi nhà Trần tạm rút bằng đường sông Hồng lui xuống phía Thiên Mạc thuộc vùng Châu Giang, Hưng Yên ngày nay. Sau đó phản công chiếm lại Thăng Long cũng bằng đường thủy theo cửa sông Hồng vào Thăng Long từ bến Đông Bộ Đầu.
“Vậy thì Đông Bộ Đầu không thể ở vùng Thường Tín cách Hà Nội vài chục cây số, mà phải ở một địa điểm nào đó sát cửa sông vào Thăng Long thì mới tái chiếm được kinh thành”, PGS.TS Đinh Khắc Thuân đặt câu hỏi.
Lý giải địa danh
PGS.TS Đinh Khắc Thuân cho rằng, hầu hết các bản dịch tài liệu lịch sử thì địa danh Đông Bộ Đầu không được giải thích rõ ràng. Vì vậy đã có không ít công trình nghiên cứu trước đây nhầm lẫn Đông Bộ Đầu thuộc huyện Thượng Phúc (nay là Thường Tín).
Phố Hàng Than được coi là điểm tiếp giáp bến Đông Bộ Đầu.
Theo nhiều nhà khoa học, sự nhầm lẫn này có nhiều nguyên do, bởi huyện Thượng Phúc cũng có địa danh Đông Bộ Đầu, mà nay vẫn còn. Sự tích đó được kể qua một câu chuyện về đền thờ Huyền Thiên Đại Thánh Thiên Vương.
Rằng có một người đàn bà ra bờ sông gánh nước, bị con thuồng lôi xuống. Bà cất tiếng gọi con đến cứu. Bỗng người con từ trời sà xuống tóm lấy hai con thuồng luồng, cứu mẹ đem về đầu làng, rồi quay lại bờ sông giẫm đầu thuồng luồng cho chết hẳn.
Dân làng mới lập đền thờ ở chỗ đó và cho rằng Huyền Thiên Đại Thánh nhập vào người con trai để giết thuồng luồng, cứu mẹ. Xã ấy sau có tên là Bộ Đầu vì có vết chân của Đại Thánh.
Trong cuốn sách “Công dư tiệp ký” cũng chép ngôi đền Độc Bộ ở huyện Thượng Phúc vào thời Lê sửa lại, tạc tượng thần cao 3 trượng 6 thước, hai chân đạp lên đầu con giao long. Thời Nguyễn, nơi đây có tên là xã Bộ Đầu. Xã này cùng các xã Chương Lộc, Tự Nhiên Châu và Kỳ Dương làm thành tổng Chương Dương.
PGS.TS Đinh Khắc Thuân khẳng định: “Rõ ràng địa danh Bộ Đầu ở Thượng Phúc và Đông Bộ Đầu là hai địa danh khác nhau. Đông Bộ Đầu thực chất là Đông Bộ ở phía Đông thành Thăng Long, cũng được gọi là bến Đông”.
Đông Bộ Đầu ở đâu?
Để tìm lời giải đáp cho câu hỏi ấy, PGS.TS Đinh Khắc Thuân nêu ra nội dung văn bia chùa Cầu Đông dựng năm Vĩnh Tộ thứ 6 (1624): “Chùa Đông Môn là một danh lam cổ tích, có sông Nhị Hà chảy quanh phía trước, thành Thăng Long ở sát phía sau”.
Bia Thái Cam tự bi dựng năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) ghi rõ: Phía ngoài thành xưa có chùa Thái Cam, vốn là bãi bể nương dâu nay biến thành chùa. Vốn là thành Đông Quan xưa thời Lê.
Một số văn bia cổ có ghi lại địa điểm chính xác của bến Đông kinh thành Thăng Long.
Đình Thanh Hà gần chân cầu Long Biên có 9 văn bia, trong đó bia “Tối linh từ bi kí” dựng ở Hậu cung đình vào năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), cho biết: Bản thôn khi chưa có nhà cửa cũng chỉ là nơi luyện tập của binh lính mà thôi.
Các nguồn tư liệu khác cho thấy khu vực các di tích đều nằm ở phía Đông thành Thăng Long thời Lê. Sang thời Nguyễn do thu hẹp thành Thăng Long nên khu này bị hoang phế và sau đó được tái lập khẩn hoang.
“Vì thế, khu vực phía Đông thành Thăng Long thời Lý – Trần cận kề sông nước mà nơi đây có tên Hồ Khẩu, có bến sông Bộ Đầu”, PGS.TS Đinh Khắc Thuân khẳng định.
Cũng theo ông Thuân, tên gọi Bộ Đầu xuất hiện khá sớm từ thời Lý – Trần mà nguồn sử liệu thư tịch đã ghi lại được. Chẳng hạn như cuốn “Đại Việt sử ký toàn thư” khi viết về loạn Quách Bốc cũng đã nhắc bến Đông Bộ.
Hay rõ ràng hơn thì cuốn “Việt sử lược” viết: “Năm 1209 Thuận Lưu, Khoái vì việc Bỉnh Di chết, mà đem thủy quân đến đánh kinh sư. Tiến quân đỗ ở bến Đông Bộ từ cửa nách bên trái vào thẳng Cấm Thành cướp lấy các bảo vật”.
Như vậy, bước đầu có thể khẳng định địa danh Đông Bộ Đầu là ở phía Đông của kinh thành Thăng Long. Địa danh này cũng liên tục xuất hiện trong các giai đoạn về sau.
Chẳng hạn trên bia Sùng Khánh Báo Thiên ở thôn Tự Tháp, huyện Báo Thiên cho biết nước ta có bốn khí vật quan trọng là: Tháp Báo Khánh (Thiên), đỉnh Phổ Minh, tượng chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền. Đời Vĩnh Lạc, người Minh dời chiếc đỉnh tới Bộ Đầu bến Đông Tân rồi phá hủy cả chuông và đỉnh để đúc súng đạn.
Dựa vào các tài liệu khảo cổ, PGS.TS Đinh Khắc Thuân cho rằng địa điểm Đông Bộ Đầu được xác định cụ thể hơn qua văn bia chùa Hòe Nhai, mà tên chữ là Hồng Phúc tự ở phường Thạch Khối, huyện Vĩnh Thuận tục gọi là Hàng Than.
Bia dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) và hiện ở bên phải phía trước tòa đại bái chùa. Văn bia do Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn là Hà Tông Mục soạn, có đoạn:
“Phường Hòe Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta, có ngôi chùa tên là Hồng Phúc. Chùa lấy sông Lô giang làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về. Phong cảnh hữu tình, tinh khí ngưng tụ”.
Như vậy, những lý giải dựa vào các nguồn sử liệu, các văn bia cổ về địa danh Đông Bộ Đầu ở Thăng Long hoàn toàn phù hợp với các nhận định gần đây mà khởi đầu như nghiên cứu của cố GS. Trần Quốc Vượng khi ông xác định Đông Bộ Đầu thuộc khu vực phố Hàng Than, gần đầu cầu Long Biên (Hà Nội).
(Còn nữa)
Trần Hòa