» Kỳ 4: Người chỉ huy cuộc sơ tán
» Kỳ 3: Phòng tuyến Bình Lệ Nguyên
» Kỳ 2: Bí mật từ bia đá Hòe Nhai
» Kỳ 1: Giải mật chiến thắng Đông Bộ Đầu
Đặc biệt, khi giặc tiến vào thành Thăng Long, trong cuộc rút lui chiến lược về sông Thiên Mạc để sau đó tiến lên phá giặc ở Đông Bộ Đầu, Lê Tần còn là tướng nơi màn trướng, theo vua bàn việc cơ mật, không mấy người biết.
Khi định công phong tước, Lê Tần được vua Thái Tông cho làm Ngự sử đại phu, gả công chúa Chiêu Thánh cùng lời vàng ngọc: “Trẫm không có khanh thì làm gì được có ngày nay. Khanh nên cố gắng để cùng hưởng phúc sau này”.
Các nhà sử học tìm hiểu công trạng tướng Lê Tần qua một số văn bia.
Cha của Trần Bình Trọng
PGS.TS Nguyễn Danh Phiệt – Viện Sử học, cho biết: Trước hết nói về quê quán của tướng Lê Tần thì trong sách “Toàn thư” cũng như “Cương mục” đều chép ông là người châu Ái.
Trong sách “Thanh Hóa danh thắng” và tài liệu ghi chép ở chùa Kênh, nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ cho rằng Lê Tần tức Thượng tướng minh tự Lê An. Lê An là bố của Lê Bằng – người đã khởi công xây dựng chùa Hưng Phúc (tức chùa Kênh) ở xã Quảng Hùng (Quảng Xương – Thanh Hóa) vào năm 1264.
PGS.TS Nguyễn Danh Phiệt cho biết, đây là điều nhầm lẫn lớn, không có căn cứ. Sự trùng hợp của chức tước Thượng tướng minh tự và họ Lê chưa thể khẳng định Lê An là Lê Tần được.
Tượng Lý Chiêu Hoàng, phu nhân tướng Lê Tần tại đền Rồng (Nam Định).
“Nếu như về quê quán của Lê Tần, cho đến nay ta cũng chỉ biết ông người Thanh Hóa, nhưng ở xã nào, huyện nào thì chưa có tài liệu xác định cụ thể thì về dòng dõi của ông, chúng ta còn biết được đôi điều”, PGS.TS Nguyễn Danh Phiệt nhận định.
Cũng theo ông Phiệt, bổ sung cho sự thiếu vắng lai lịch của Lê Tần trong chính sử thì còn đó văn bia tộc phả. PGS.TS Trần Bá Chí đã căn cứ vào “Lê Tần miêu duệ” và “Cổ Mai bi ký”, thì: “Lê Tần (tự là Lê Kính), Tần là con trai Lê Khâm, là thân phụ của Trần Bình Trọng… Lê Khâm là ông nội của Trần Bình Trọng. Thời cuối Lý đầu Trần, Lê Khâm đã giúp Trần Thừa và Trần Thủ Độ đánh dẹp Nguyễn Nộn đem lại ngôi báu cho họ Trần, được Trần Thái Tông phong tước Khuông quốc thượng tướng quân. Hai tài liệu trên không nói rõ Lê Khâm là cháu mấy đời của Lê Đại Hành”.
Một số đình đền còn thờ tướng Lê Tần.
Lần giở lịch sử, trong sách “Toàn thư” chép Trần Bình Trọng “là dòng dõi Lê Đại Hành, chồng sau của công chúa Thụy Bảo, ông cha làm quan đời Thái Tông, được cho quốc tính họ Trần”. Như vậy, Trần Bình Trọng gốc họ Lê, là con của Lê Tần, cháu Lê Khâm thuộc dòng dõi Lê Hoàn ở Ái Châu Thanh Hóa.
Nho sĩ đức hạnh
Dù là một đại tướng quân có công rất lớn đối với triều Trần và đất nước, nhưng sử sách rất ít viết về Lê Tần. Ngay cả việc ông tham gia chính sự từ năm nào thì sử sách cũng không chép lại.
Chỉ biết rằng, vào năm Kỷ Dậu 1250 đời Thái Tông, ông được nhà vua cho làm Ngự sử trung tướng Tri tam viện sự – một chức quan cao cấp trong hàng ngự sử kiêm xét đoán kiện tụng.
Năm 1257 tham gia chống giặc Nguyên Mông và lập công lớn để rồi sang năm Mậu Ngọ 1258 định công phong tước, được vua ban chức Ngự sử đại phu.
Huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa), nơi xưa kia là thang mộc thái ấp của tướng Lê Tần.
Ngay sau chiến tranh, Lê Tần được cử làm Chánh sứ sang nước Nguyên. Một năm sau, vào năm Kỷ Mùi 1259, ông được vua cho giữ chức Thủy quân Đại tướng quân,
Cuối đời khi về già năm 1274, Lê Tần làm Thiếu sư kiêm chức Trừ cung Giáo thụ dạy Thái tử. Việc này, sử đã chép: “Chọn người Nho học trong nước, người nào có đức hạnh sung vào hầu Đông cung”. Chính Lê Tần là người đã dạy dỗ Thái tử Khâm (vua Nhân Tông sau này). Ngoài Lê Tần còn có Nguyễn Thành Huấn, Nguyễn Sĩ Cố sung làm Nội thư học sĩ.
PGS.TS Nguyễn Danh Phiệt nhận định: “Lê Tần không chỉ là võ tướng bàn việc cơ mật với vua, từng đứng đầu chức Thủy quân mà ông còn là một văn quan, nho sĩ có đức hạnh, đủ năng lực được tin dùng làm thầy dạy con đầu của vua”.
Làm chồng công chúa
Như lịch sử đã chép, Lý Chiêu Hoàng là vị vua cuối cùng của triều Lý. Sau khi bà nhường ngôi cho chồng là Thái Tông cũng là lúc chấm dứt 216 năm cai trị của triều đại nhà Lý.
Bà trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử, vì khi nhường ngôi bà mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông yêu thương hết mực.
Có nguồn sử liệu ghi rằng, năm 1233 Lý hoàng hậu sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng Thái tử qua đời không lâu sau sinh. Năm 1237, Thái sư Trần Thủ Độ cùng Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung (là mẹ của Chiêu Thánh, vợ cũ của vua Lý Huệ Tông) lo sợ huyết thống hoàng gia đứt đoạn nên ép Thái Tông bỏ Lý Chiêu Hoàng để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa đang có thai 3 tháng.
Các nhà sử học đều đánh giá tướng Lê Tần là người có công lớn trong cuộc chiến chống Nguyên Mông.
Cũng vì lẽ đó mà Lý Chiêu Hoàng bị giáng xuống làm Chiêu Thánh công chúa, bị giam lỏng trong hoàng cung. Năm 1259, sau cuộc chiến với quân Mông Cổ, Trần Thái Tông gả công chúa Chiêu Thánh cho tướng Lê Tần, tức Lê Phụ Trần.
Chiêu Thánh công chúa sống với Lê Tần được 20 năm, sinh ra con trai là Thượng vị hầu Lê Tông, con gái là Ứng Thụy công chúa Lê Ngọc Khuê. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” của nhà Hậu Lê đã chê trách nặng lời việc vua Thái Tông mang vợ cũ gả cho bề tôi.
Ở Từ Sơn (Bắc Ninh) cho đến nay vẫn còn câu ca dao thác lời Chiêu Thánh trách Thái Tông về việc này: Trách người quân tử bạc tình/Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao.
Như trên chúng tôi đã đề cập vấn đề Trần Bình Trọng là con trai Lê Tần, nhưng Trần Bình Trọng có phải là con đẻ của Chiêu Thánh công chúa hay không thì cho đến nay, chưa có nguồn sử liệu chính xác để xác định.
PGS.TS Nguyễn Danh Phiệt, cho biết: “Nếu như về công tích, chức vụ của Lê Tần sử sách chép tương đối rõ thì về năm sinh, năm mất của ông hoàn toàn không thấy chép đến. Nhưng sách “Toàn thư” chép việc mất của Chiêu Thánh vợ ông ở tuổi 61 thì có thể đoán định Lê Tần sinh vào khoảng cuối đời Lý sau năm 1218, cùng thời với Chiêu Thánh. Lê Tần cũng có thể mất vào cuối đời Thánh Tông hoặc đầu đời Nhân Tông”.
Lê Tần là vị dũng tướng tài ba mưu lược, có tư duy phân tích thực tiễn nhạy bén. Chính ông đã khuyên vua chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng, tính kế lâu dài và ra sức bảo vệ vua rút về đóng giữ vùng Thiên Mạc. Kế hoạch do ông đề xuất mở đầu cho sự hình thành nghệ thuật chỉ đạo rút lui chiến lược của nhà Trần trong các cuộc kháng chiến sau này.
Đại tá, PGS.TS Văn Đức Thanh.
(còn nữa)
Trần Hòa