Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng

Không phải thánh thần muốn ăn xôi theo thói nghĩ trần tục. Nhưng tục rước xôi cúng thành thần lại thể hiện một đạo lý tốt đẹp. Ở Hà Nội, có lẽ Tây Mỗ là làng nổi tiếng nhất với tục rước này.

“Rốn” của trời đất

Tây Mỗ, nay là một xã của quận Nam Từ Liêm (Hà Nội). Tây Mỗ cũng chỉ là một cái tên mới, nhưng lớp trẻ bây giờ ít người biết cái tên cổ của làng là gì, địa giới đất làng đến đâu.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 1
Đình cổ Tây Mỗ.

Ông Đỗ Ngọc Đạo, Trưởng ban quản lý di tích đình Tây Mỗ bảo rằng: “Trước Đại Mỗ và Tây Mỗ cùng là một làng đấy. Làng có tên là Thiên Mỗ. Thiên ở đây không phải là trời. Trước kia, giáo sư Trần Quốc Vượng khi còn sống đã về làng nghiên cứu. Ông bảo, Thiên Mỗ này là nơi hội tụ của con người trong trời đất”.

Chẳng biết lời giải thích ấy có đúng hay không, nhưng trước hết Tây Mỗ nổi tiếng là đất học, đất phát khoa bảng công danh. Dưới các triều đại phong kiến, làng Tây Mỗ tự hào có tới bảy vị tiến sĩ, gồm: Nguyễn Am, Hoàng Thiệu, Nghiêm Hoàng Đạt, Nguyễn Đương Bao, Nghiêm Bá Đĩnh, Đỗ Huy Điển và Nghiêm Xuân Quảng.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 2
Đình thờ Long Hải Đại Vương và Ả Lã Nàng Đê làm Thành hoàng.

Sử làng vẫn chép và tấm bia ngoài đình vẫn khắc rõ tên của những vị danh gia ấy. Truyền thống khoa bảng là niềm tự hào, cũng là cái nền tảng để người dân cố giữ những giá trị sống nền nếp có trước có sau.

Theo như lời ông Đạo và những người có tuổi trong làng, thì Tây Mỗ có nghề truyền thống trồng lúa nước lâu đời nhất. Cái nghề quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời và phụ thuộc vào mưa nắng ấy rất lôgic khi dân làng tôn thờ Long Hải Đại Vương làm Thành hoàng làng.

Mà không chỉ có Long Hải Đại Vương, làng còn có một Thành hoàng làng khác là nữ tướng thời Hai Bà Trưng có tên là Ả Lã Nàng Đê. Như vậy, ở ngôi làng cổ vốn là “rốn” trời đất có thờ cả Thiên thần và Thần nhân.

Thành hoàng trên lưng cá

Ông Đạo dẫn chúng tôi đi thăm khắp làng. Ông bảo, Tây Mỗ từng được biết đến là một trong những làng cổ hiếm hoi của Hà Nội còn giữ được không gian làng quê. Một mái đình cổ kính rêu phong, những ngõ nhỏ ngoằn ngoèo với những bức tường loang lổ màu thời gian, hoang hóa rơi rụng màu nắng gió bên những hàng rào cúc tần, ôrô.

Cứ thử nghĩ mà xem, giữa thời buổi các làng Hà Nội lên phố thì chao ôi những mái nhà nặng chịch bê tông, mái đỏ mái xanh, tường cao rào thép có khác chi cái lồng nhốt, ngục gông. Vậy mà Tây Mỗ vẫn giữ được những nền nếp cha ông thật là một điều hiếm.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 3
Đình Tây Mỗ xây trên thế đất “ngư long”.

Nhất là ngôi đình cổ. Những cột những kèo, những đại tự câu đối, những phù điêu sắc thần như toát sáng cái hồn, cái thần thái tích tụ sau hàng nghìn năm trầm mặc. Ông Đạo buột miệng, nói: “Thành hoàng làng của Tây Mỗ ngự trên mình cá chép đấy. Đấy là chuyện có thật”.

Thì ra, đình làng Tây Mỗ có cả một giai thoại ứng với thế đất. Sau khi nhờ thầy phong thủy ngắm nghía phần đất đẹp nhất thì người Thiên Mỗ xưa xây đình trên một gò đất trông như hình như con cá chép nằm nghiêng. Nói mỹ miều hơn là thế đất “ngư long”, cá chép đã hóa thành rồng.

Bởi thế mà đến nay vẫn còn lưu truyền câu ca: Đình trên lưng cá nằm nghiêng giữa làng/Voi phục trước, Phượng hoàng chầu lại. Hai vị hoàng làng là Long Hải Đại Vương và Ả Lã Nàng Đê ngự trên thế đất thiêng đó.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 4
Cá chép là biểu tượng của Tây Mỗ.

Long Hải Đại Vương vốn là thần tiên, không phải người phàm. Nhưng có lẽ, nhiều người sẽ nhầm đây là một trong tứ hải long vương trong truyền thuyết. “Vì là vùng đất trồng lúa nước nên chúng tôi tôn thờ Long Hải Đại Vương. Quan niệm dân gian cho rằng, ngài là vị thần quản lý mưa nắng, làm cho mưa thuận gió hòa. Bởi thế người làng Mỗ thường kiêng tên Long mà đọc chệch là Luông.”, ông Đạo giải thích.

Còn vị Thành hoàng làng thứ hai của Tây Mỗ là Ả Lã Nàng Đê thì sao? Theo thần tích đình Tây Mỗ, thì đó là danh tướng thời Hai Bà Trưng. Bà là con gái ông Nguyễn Viên ở Châu Ái (Thanh Hóa) rời quê ra Cổ Châu, Quốc Oai – Hà Đông để làm quan cho nhà Hán.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 5
Đình am Tay Mỗ được công nhận di tích lịch sử từ năm 1992.

Tuy vậy, ông Nguyễn Viên lại liên kết với các tù trưởng để chống lại Thái thú Tô Định. Khi ông qua đời để lại hai người con, 1 trai và 1 gái. Cô con gái tên là Ả Lã đẹp người đẹp nết lại giỏi võ công nên đã cùng em trai hưởng ứng lời hịch chống giặc của Hai Bà Trưng.

Ả Lã ra sức chiêu mộ quân ven hai bờ sông Nhuệ và sông Đáy đưa về vùng sông Hát và lập ấp vùng Hoài Đức. Khi Hai Bà Trưng thất trận, Ả Lã và em trai hi sinh. Dân làng thương tiếc mới lập đền thờ và Tây Mỗ tôn nàng làm Thành hoàng làng, sánh ngang với Long Hải Đại Vương.

“Lễ hội rước xôi là nét văn hóa độc đáo riêng của Tây Mỗ, là dịp để người làng tưởng nhớ công ơn tổ tiên và giáo dục cho thế hệ trẻ biết nâng niu, quý trọng cây lúa và hạt gạo cũng như không được quên cội nguồn. Hiện, ở Tây Mỗ còn đình cổ và am cổ đã được công nhận di tích lịch sử, là “chứng nhân” quan trọng trong quá trình lập làng”, ông Đỗ Ngọc Đạo, Trưởng ban quản lý di tích đình Tây Mỗ.

Rước xôi hầu thánh

Ông Đỗ Văn Nghĩa, Thủ từ đình Tây Mỗ thay anh trai là Đỗ Văn Khởi đang có đại tang không được lên đình, cho biết: “Mỗi năm dân làng sẽ chọn ra một gia đình đăng cai lễ hội và có tiêu chí kỹ lưỡng hẳn hoi. Gia đình được chọn phải nền nếp, gương mẫu, con cái phương trưởng, cha mẹ song toàn để nấu xôi rước. Xôi rước được đựng trong chum đồng đặt trên ba kiệu. Mỗi chum xôi nấu từ 30kg gạo nếp cái hoa vàng loại thượng hạng”.

Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng ảnh 6
Am cổ Tây Mỗ.

Để có gạo ngon nấu xôi cúng Thành hoàng làng, từ trước tết gia đình đăng cai và người làng đến giúp đã phải chọn gạo trong suốt cả tuần lễ. Lễ hội rước xôi là phong tục cổ truyền của làng, được tổ chức hằng năm và giao luân phiên cho 5 thôn.

Sở dĩ, Tây Mỗ có lễ hội tôn vinh hạt gạo vì truyền thống trồng lúa nước và tạ ơn Thành hoàng đã mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm. Nồi, niêu, rổ, rá đựng gạo, ngâm gạo đều phải rửa bằng rượu và sát gừng tươi cho thơm tho, thanh sạch.

Thậm chí, theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng thì trước đây, nước để thổi xôi phải là nước lấy từ giếng làng, giếng ấy gọi là “nhãn ngư” chính là mắt cá nằm ngay trước đình làng. Nhưng nay, giếng ấy không còn nữa.

Những người có nhiều kinh nghiệm nhất trong việc thổi xôi phải có mặt từ sớm để bảo ban con cháu thực hiện. Đúng 12 giờ đêm hôm trước, gạo nếp được cho vào những chiếc chõ lớn để đồ bằng rơm rạ.

Theo ông Nghĩa, cùng với kiệu xôi, hội làng không thể thiếu kiệu văn và kiệu hoa. Đây là hai chiếc kiệu đề cao truyền thống khoa cử và thể hiện sản vật của làng trong năm vừa qua. Đó là những thành quả dâng lên Thành hoàng làng, vừa để tạ ơn, vừa để cầu khấn cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.

Kỳ 1: Nữ thần hậu thổ phu nhân

Kỳ 2: Hoàng tử nhà Lý làm Thành hoàng làng

Kỳ 3: Thành hoàng làng trẻ nhất

Kỳ 5: Từ thầy giáo thành Đại Vương

Trần Hòa

Theo Đời sống
back to top