PGS.TS Tạ Ngọc Liễn cho rằng, những nhân vật lịch sử “phức tạp” quanh họ dù có bao bọc bởi những định kiến nặng nề thì họ vẫn cứ sừng sững trước lịch sử. Đó là những người nếu không có họ thì không có lịch sử. Trần Thủ Độ chính là một người như thế.
Kiến lập triều Trần
Trước khi đi sâu vào vai trò của Trần Thủ Độ đối với lịch sử, các nhà khoa học đều cho rằng phải xem xét thân thế, quê quán… là những yếu tố cấu thành tính cách con người.
Đền Thanh Nhàn (Bắc Giang) thờ Thái sư Trần Thủ Độ.
Trần Thủ Độ (1194 – 1264) sinh ra ở làng Phương La, nay là xã Thái Phương (Hưng Hà – Thái Bình). Tổ tiên của Trần Thủ Độ làm nghề chài lưới ở vùng Đông Triều (Quảng Ninh). Sau chuyển xuống Tức Mặc (Nam Định) rồi định cư vùng đất Bát Xá – Tam Nông bên dòng sông Luộc.
Dòng họ Trần ngày càng hưng thịnh và có thế lực trong vương triều Lý. Đặc biệt, Trần Thủ Độ nổi lên như một người xuất chúng trong dòng họ giúp triều Lý đánh dẹp các thế lực cát cứ, bảo vệ cơ nghiệp nhà Lý.
Năm 1224, Trần Thủ Độ được phong làm Điện tiền chỉ huy sứ, chỉ huy lực lượng quận đội bảo vệ kinh thành Thăng Long.
Cuối triều Lý, vua quan ăn chơi, dân tình oán thán khôn xiết. Các thế lực nhân đó mà nổi lên chém giết. Ngoài biên thùy thì giặc Nguyên Mông đang tính toán thôn tính Đại Việt. Vua Lý Huệ Tông lại truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng mới 8 tuổi rồi bỏ lên tu chùa Chân Giáo.
Trước tình hình ấy, Trần Thủ Độ quyết định cóa bỏ triều Lý bằng cách đưa Trần Cảnh vào cung lấy Lý Chiêu Hoàng, rồi sắp xếp Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Các nhà sử học đánh giá, đây là một cuộc đảo chính cung đình song không gây đổ máu mà vẫn giữ được sự ổn định xã hội.
Tuy vậy, Trần Thủ Độ vẫn là nhân vật từng bị sử gia phong kiến phê phán nhiều về việc ông mưu trừ Lý Huệ Tông, coi đó là hành động thất đức, như trong sách Đại Việt sử ký toàn thư, đã viết: “Đã lấy nước của người ta, lại giết vua người ta, thật bất nhân quá lắm”.
“Việc Trần Thủ Độ thực hiện kế hoạch thủ tiêu triều Lý, lập triều Trần là hành động sáng suốt, dũng cảm, phù hợp với đòi hỏi khách quan của lịch sử, thời đại. Với cuộc chính biến này, Trần Thủ Độ đã cứu đất nước thoát khỏi khủng hoảng hiểm nghèo, vực Đại Việt quốc gia mạnh mẽ”, PGS.TS Tạ Ngọc Liễn cho hay.
Tranh thờ Thái sư Trần Thủ Độ tại đền Lựu Phố (Nam Định).
Cũng theo ông Liễn và các nhà sử học, đánh giá Trần Thủ Độ thì trước hết phải đánh giá ở chỗ ông đã làm được những gì có lợi cho đất nước, cho thời đại lịch sử chứ không phải chỉ căn cứ vào một hai hành vi.
Tài trí hơn người
Các sử gia phong kiến chê trách Trần Thủ Độ giết Lý Huệ Tông, sau đó lại lấy Hoàng hậu nhà Lý là Trần Thị Dung và phong bà làm Linh từ Quốc mẫu; nhưng cũng chính ngòi bút của người xưa khẳng định công lao to lớn của Trần Thủ Độ đối với nhà Trần cũng như nhân cách, phẩm chất cao vời.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên, viết: “Trần Thủ Độ tuy không có học vấn, song tài trí hơn người, làm quan dưới triều Lý được mọi người suy tôn”, hay “Trần Thủ Độ tuy làm Tể tướng mà phàm công việc không điều gì là không để ý tới. Vì thế đã giúp nên nghiệp vương, giữ được tiếng tốt cho đến chết”.
Dãy núi Nham Biền, nơi Trần Thủ Độ lập kế giết mãng xà.
Như chúng ta đã biết, Trần Thủ Độ không chỉ là người kiến lập nhà Trần, đưa Trần Thái Tông lên ngôi vua mà còn có công kèm cặp, rèn giũa một cậu bé khi bước lên ngai vàng mới 8 – 9 tuổi trở thành một minh vương, một nhà Thiền học lỗi lạc.
Vì mâu thuần giữa Trần Thái Tông và người anh là Trần Liễu nên vua “muốn trút bỏ ngai vàng như trút bỏ đôi dép rách” khi lên núi Yên Tử định đi tu thì Trần Thủ Độ đã khuyên: “Bệ hạ vì mục đích tu lấy cho riêng mình mà làm thế thì được, nhưng còn quốc gia, xã tắc thì sao? Ví để lời nói suông mà bảo đời sau thì sao bằng lấy chính bản thân mình làm người dẫn đạo cho thiên hạ”.
Vì lời khuyên chí tình ấy của Trần Thủ Độ mà Thái Tông đã nghe theo để rồi hai mươi mốt năm sau, minh vương đã lãnh đạo quân dân Đại Việt phá tan quân Mông Cổ hùng mạnh ở Đông Bộ Đầu, giải phóng Thăng Long.
Thái sư giết mãng xà
Các nhà sử học đánh giá, tuy là Thái sư đầu triều nhưng Trần Thủ Độ rất quan tâm đến đời sống của dân chúng. Theo các cứ liệu lịch sử và ký ức dân gian thì khoảng năm 1263, Trần Thủ Độ đến kiểm tra việc đắp đê sông Cầu, khi đến địa phận huyện Yên Dũng (Bắc Giang) thấy có đoạn đê dài chưa đắp xong, ông cho gọi và trách vấn. Quan xã tầu rằng:
Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ tại Phương La (Thái Bình).
“Còn đoạn đê này đắp dở dang, vì dân phu ở đây sợ hãi con mãng xà trong núi Nham Biền thường ra ăn người. Năm ngoái mới một người bị nó bắt, năm nay nó to lớn, lại có đông người kéo đến để bị nó ăn quen mùi, nên ngày nào nó cũng lao ra. Nó to dài nên ai cũng sợ không dám đánh đuổi”.
Nghe lời tâu, Trần Thủ Độ phân vân vì chưa tận mắt thấy. Nhưng nếu dùng uy quyền buộc dân chúng ra đắp đê, nhỡ xảy ra chuyện xấu phải ân hận. Ông phân vân nên cùng đoàn tùy tùng dẫn đến núi Nham Biền. Chẳng may, con mãng xà lao ra bắt cô cung nữ.
Trần Thủ Độ sai vệ sĩ cùng trai tráng rượt theo cứu cung nữ nhưng không có kết quả. Ông liền lệnh cho chức dịch địa phương xuất tiền quỹ đi các thôn mua hết trứng vịt, trứng gà đặt vào chỗ con mãng xà thường đến để theo dõi hiện tượng.
Mấy hôm sau, con mãng xà lao ra nhưng không thấy người, nó ngửi thấy mùi trứng tanh liền ăn hết. Trần Thủ Độ sai người cấp tốc đi mua chất độc như Hoàng nàn, Thạch tím, Cỏ độc… giã nhỏ thành bột, hút bớt ruột trứng rồi nhồi bột độc vào.
Quả nhiên lần này con mãnh xà khổng lồ ăn chưa hết trứng thì lăn kềnh ra chết. Tin lành lan xa, dân chúng vui mừng kéo đến sụp mình lạy tạ Thái sư. Sau đó, đoạn đê dở dang được hoàn thành. Dân chúng địa phương khắc bia ghi ơn và giữ lại bộ xương mãng xà làm lưu niệm.
Với vai trò là người kiến lập triều Trần, lại có công lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông, dù có nhiều định kiến về ông nhưng vai trò lịch sử của Trần Thủ Độ thì không ai phủ nhận.
Ngày nay, ở Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang… nhiều nơi lập đền thờ Thái sự Trần Thủ Độ với tấm lòng thành kính, ngưỡng mộ. Ông như một tượng đài anh hùng, là cột đá giữa dòng nước xiết.
Trong lịch sử Việt Nam, Trần Thủ Độ là người đầu tiên chống chủ nghĩa gia đình trị. Trần Thái Tông muốn cho người anh Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng nhưng ông không nghe mà nói: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền, thần xin nghỉ việc. Nếu cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc.
PGS.TS Tạ Ngọc Liễn.
(Còn nữa)
Trần Hòa