Về trận đánh này, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép ngắn gọn như sau: “Tháng 12, ngày 12 năm Đinh Tỵ (tức 17/1/1258) tướng Nguyên Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi núng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần (tức Lê Tần) một mình một ngựa ra vào trận giặc, sắc mặt như không.
: Quân Mông Nguyên trên đường hành quân (minh họa).
Lúc ấy có người khuyên vua nên ở lại để chỉ huy chiến đấu đến cùng. Phụ Trần cố sức khuyên can rằng: Nay bệ hạ chỉ đánh một trận dốc túi thôi ư! Hãy tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế. Bấy giờ vua mới lùi đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ. Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế giặc rất mạnh, vua phải lui giữ sông Thiên Mạc”.
Bình Lệ Nguyên là Bình Xuyên
PGS.TS Lê Đình Sỹ cho hay, chúng ta chưa biết rõ Bình Lệ Nguyên ở đâu. Trong khi đó, sách “An Nam chí lược” do Lê Tắc, một môn khách của Chương hiến hầu Trần Kiện soạn ở Trung Quốc sau khi đã cùng chủ đầu hàng quân Nguyên, có ghi lại trận đánh nói trên diễn ra ở Nỗ Nguyên.
Như vậy, có thể Bình Lệ Nguyên và Nỗ Nguyên chỉ là một địa điểm, vì theo hai tài liệu này thì đó đều là địa điểm diễn ra trận đánh do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy.
Cánh đồng Bình Xuyên – nơi diễn ra trận Bình Lệ Nguyên năm 1258.
“Chúng tôi có tài liệu của tác giả người Nhật Bản tên là T.Yamamôtô trong “An Nam sử nghiên cứu” cho rằng, những cuộc chiến đấu giữa quân Đại Việt với quân Mông Cổ diễn ra trên sông Hồng, dựa vào chỗ: Vua Trần rút lui theo sông Lô (thời Trần, gọi đoạn sông Hồng từ Bạch Hạc trở xuống là sông Lô) như sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép”, PGS.TS Lê Đình Sỹ cho hay.
Tuy nhiên, các tài liệu lịch sử khác lại có phần chênh nhau. Theo “Nguyên sử” và “An Nam chí lược” thì quân Mông Cổ chia làm hai đường theo dọc sông Thao và sông Chảy tiến xuống. Tháng Chạp năm Đinh Tỵ (1258) hai đạo quân này gặp nhau ở Bạch Hạc (Việt Trì).
Theo PGS.TS Lê Đình Sỹ thì trước khi kịch chiến với quân vua Trần, trong hai ngày liền quân Mông Cổ đã vượt sông. Mà con sông đó lại có cầu và có chỗ nông, kỵ binh có thể sang sông. Như thế, hẳn trận chiến đấu do vua Thái Tông chỉ huy không xảy ra trên sông Hồng.
Các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đều thống nhất, sau khi hai cánh quân địch gặp nhau ở Việt Trì, quân của Ngột Lương Hợp Thai vẫn tiếp tục tiến về Thăng Long theo đường bộ, đó là Quốc lộ 2 ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc.
Vì thế, chúng ta cũng có thể hiểu tên địa danh “Nỗ Nguyên” mà sách “An Nam chí lược” đã chép theo âm tiết: “Nỗ” là ghi chệch chữ “Lỗ” trong Bình Lỗ, do đó Nỗ Nguyên là Lỗ Nguyên đều là Bình Lệ Nguyên.
Đổi tên vì phạm húy
Theo khảo sát của chúng tôi, hiện nay bên bờ sông Cà Lồ gần làng Mộ Đạo của Hương Canh có làng tên là Yên Lỗ. Địa danh này có thể là Bình Lỗ và khúc sông Cà Lồ ở đây là sông Bình Lỗ năm xưa.
Một đoạn sông Cà Lồ tại làng Lồ xưa.
Từ đó, lần giở lại lịch sử địa danh có thể thấy Bình Lệ Nguyên là vùng đất có từ thời Trần. Nay, đất ấy thuộc huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Thời Lê gọi đây là Bình Nguyên. Sang thời Mạc, Phúc Nguyên đổi là Bình Tuyền. Năm 1842 đổi là Bình Xuyên thuộc phủ Phú Bình (Thái Nguyên).
Như vậy, Bình Lệ Nguyên là khoảng giữa thành phố Vĩnh Yên và Phúc Yên. Rõ ràng hơn, thì đó là vùng Hương Canh – nơi đã diễn ra trận đánh mở màn quyết liệt nhất.
PGS.TS Lê Đình Sỹ cũng từng đi điền dã và kết luận: Bình Lệ Nguyên, tức là nơi có phòng tuyến sông Cà Lồ, chỗ sông Cà Lỗ gặp Quốc lộ 2, ngày nay là thị trấn Hương Canh, nằm giữa Vĩnh Yên và Phúc Yên.
Còn theo Nhà nghiên cứu Hà Văn Kính – Viện sử học, Bình Lệ Nguyên chính là Bình Xuyên. Bình Xuyên lại vốn là Bình Nguyên, thời Mạc do kiêng húy Phúc Nguyên nên đổi thành Bình Tuyền. Đến nhà Nguyễn thời Thiệu Trị vì kiêng húy mẹ vua (là Toàn cũng đọc là Tuyền) nên đổi thàn Bình Xuyên.
Còn về sông Cà Lồ in trong “Bản đồ đường sá Bắc Kỳ” thì bắt nguồn từ sông Hồng ở Nhật Chiêu rồi chảy ngược lên phía Bắc vòng qua ôm lấy Phúc Yên. Từ đó, sông quay sang hướng Đông Nam xuống đến Phù Lỗ vòng vo một đoạn rồi mới ngược Đông Bắc đổ vào sông Cầu.
“Với tầm vóc của sông Cà Lồ, hẳn nhà Trần không chỉ một lần sử dụng nó để làm chiến hào ngăn giặc phương Bắc vào năm 1258, mà còn thường xuyên sử dụng để làm nơi tập kết chiến thuyền. Ngoài ra, sông Cà Lồ còn là một trong những đường giao thông quan trọng nối liền kinh đô Thăng Long với vùng biển Đông Bắc”, Nhà nghiên cứu Hà Văn Kính cho biết.
Cầu Phù Lỗ ở đâu?
Trong việc giải mật các địa danh gắn với cuộc chiến chống quân Mông Nguyên, các nhà khoa học đau đầu nhất với địa danh cầu Phù Lỗ. Dù được nhiều thư tịch cổ nhắc đến, nhưng vấn đề đặt ra là Phù Lỗ nằm ở vùng nào?
Dốc Lồ thuộc làng Lồ – nơi đầu nguồn sông Cà Lồ.
Nhà nghiên cứu Hà Văn Kính cho hay, dựa vào một số tài liệu địa chí thì có hai địa danh Phù Lỗ: Một ở Phú Thọ và một ở Bắc Ninh. Từ đó, bắt buộc chúng ta phải có căn cứ sử liệu để chọn lấy một.
Hiện, trên Quốc lộ 2 đường Hà Nội đi Vĩnh Yên có một cầu Phù Lỗ bắc qua sông Cà Lồ. Trên bản đồ “Đường sá Bắc Kỳ” cầu Phù Lỗ nằm trên Quốc lộ 3 nhưng trên đường số 2 lại không thấy tên cầu Phù Lỗ.
Theo đánh giá của ông Kính, có 3 khả năng xảy ra: Một là bản đồ vẽ sai; hai là do đường mới được đắp, hoặc uốn nắn sửa chữa lại đường cũ cho thẳng; ba là cầu Phù Lỗ xưa phải cách xa Thăng Long chứ không phải ở mức 24 – 25km.
“Bởi vì quân Mông Cổ sau khi vượt sông Cà Lồ liền hành quân bằng kỵ binh đuổi theo vua Trần và tiến vào Thăng Long. Nhưng kinh thành đã kịp tiêu thổ kháng chiến và quân đội nhà Trần đã tập kết an toàn ở Thiên Mạc. Điều đó hàm ý quân Mông Cổ phải mất nhiều thời gian mới từ Phù Lỗ về Thăng Long”, Nhà nghiên cứu Hà Văn Kính nhận định.
Sau khi khảo sát tại thực địa, đối chiếu với dòng chảy của sông Cà Lồ trên bản đồ, các nhà khoa học chỉ dám đoán định cầu Phù Lỗ thời Trần nằm vào khoảng cầu Tiền Châu thuộc Phúc Yên ngày nay. Bởi vì, cầu Tiền Châu cũng nằm trên Quốc lộ 2 và cũng bắc qua sông Cà Lồ, tức cách cầu Phù Lỗ hiện nay 15 cây số về hướng Bắc.
Bình Lệ Nguyên là một chiến tuyến phòng ngự được nhà Trần đặc biệt quan tâm vì chiến tuyến này nằm ở phía Bắc, cách kinh thành không xa. Việc xác định vị trí Bình Lệ Nguyên năm xưa nằm ở vị trí nào hiện nay là rất cần thiết.
— Đại tá, PGS.TS Lê Đình Sỹ – Viện Lịch sử quân sự Việt Nam—
(còn nữa)
Trần Hòa