Các kỳ trước:
» Kỳ 7: Nơi Thái sư tu phật
» Kỳ 6: Người kiến lập triều Trần
» Kỳ 5: Danh tướng được vua gả công chúa
» Kỳ 4: Người chỉ huy cuộc sơ tán
» Kỳ 3: Phòng tuyến Bình Lệ Nguyên
» Kỳ 2: Bí mật từ bia đá Hòe Nhai
» Kỳ 1: Giải mật chiến thắng Đông Bộ Đầu
Che chở cho vua
Công trạng hiển hách nhất của tướng Nghiêm Kế phải kể đến chiến công phò giúp vua Trần đánh tan cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Sự thực, các bộ chính sử, sử biên niên đều không thấy nhắc tới công trạng của tướng quân Nghiêm Kế trong cuộc kháng chiến này.
Văn bia ghi danh tổ tiên họ Nghiêm.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà sử học, trong một cuộc chiến lớn như vậy, những vị tướng có đóng góp công sức cho một thắng lợi vẻ vang ắt phải rất nhiều. Những bộ chính sử với tư cách là những sử chép hành trạng của nhà vua và triều đình thì không thể ghi chép đầy đủ tới từng vị tướng.
Vì thế, việc không thấy ghi tên tướng quân Nghiêm Kế trong các bộ chính sử là điều dễ hiểu. Song, nguồn sử liệu gia phả họ Nghiêm đã bổ khuyết những thiếu sót ấy.
Theo gia phả, chiến công của tướng Nghiêm Kế được đánh dấu bằng công lao trong đợt phản công đánh đuổi quân Nguyên Mông bật khỏi kinh thành Thăng Long. Năm 1257, trước thế giặc mạnh như nước lũ, biết không thể giáp trận với địch, nhà Trần thực hiện kế “thanh dã” chờ cơ hội phản công.
Khu mộ và đền thờ Đại tư mã Nghiêm Tĩnh.
Lúc đó, tướng Nghiêm Kế hưng binh với 700 quân, lập được chiến công và được phong làm Quốc Bình Hàn. Đây là chức mà thiên tử thường phong cho các công thần làm chư hầu để che chở cho nhà vua. Vậy có thể thấy, Nghiêm Kế được phong chức này, chứng tỏ ông là người có công lớn trong cuộc kháng chiến
Con trai Đại tư mã
Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho rằng, dòng họ Nghiêm là dòng họ lớn. Để tìm hiểu về danh tướng Nghiêm Kế thì cũng nên truy về tổ tiên gốc tích của ông để rõ hơn những hiển hách công trạng.
Thủy tổ của dòng họ Nghiêm là cụ Nghiêm Tĩnh, hiệu là Triệu Xương Công. Cụ Nghiêm Tĩnh là phò mã vua Lý Cao Tông. Nghiêm Tĩnh lấy công chúa Lý Thị Phương, hiệu Từ Tiên. Sau, cụ làm đến chức Đại tư mã kiêm Thị trung, tước Quận công và được triều đình nhà Lý ban cho 35 mẫu đất.
Theo ông Nghiêm Xuân Khoái, cháu 20 đời của tướng Nghiêm Kế, thì đền thờ Đại tư mã Nghiêm Tĩnh đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1993.
Xưa kia, đền thờ họ Nghiêm được xây trên mảnh đất rộng 1 mẫu.
Tiếp nối truyền thống yêu nước và tài năng từ người cha, tướng Nghiêm Kế đã tận tụy phục vụ triều đình và đất nước. Hiện, trong hậu cung đền thờ còn truyền ghi câu đối về công trạng của ông: “Sát thát trừ hung an xã tắc/Phù Trần tá quốc cứu lê dân” – Tạm dịch: Giết giặc trừ hung an xã tắc/Phù Trần giúp nước cứu lương dân.
Cho đến nay, các nhà sử học cũng như dòng họ Nghiêm chưa biết rõ năm mất cụ thể của tướng Nghiêm Kế. Chỉ biết ông sinh năm 1214 thời Lý Huệ Tông, ông làm võ tướng qua hai đời vua Trần.
Quê ông ở xã Lan Độ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn nay là làng Quan Độ, xã Văn Môn (Yên Phong – Bắc Ninh). Thuở nhỏ, Nghiêm Kế theo học chữ nho và theo thân phụ thụ nghiệp tại kinh thành. Ông được cha truyền thụ binh pháp và thập bát ban võ nghệ.
Đền Đại tư mã được Nhà nước công nhận là di tích.
Sau khi nhà Trần giành ngôi báu đã mở cuộc thi võ kén chọn nhân tài. Nghiêm Kế ứng thí và giành huân tích vẻ vang. Nhà vua tin tưởng chọn ông làm tướng chỉ huy bảo vệ hoàng thành.
Sau đó, Nghiêm Kế được nhà Trần phái lên biên giới trấn giữ với chức vụ Bắc vệ Đại tướng quân. Khi quân đội Mông Cổ chiếm đóng Thăng Long, Nghiêm Kế dẫn một đội quân hơn 700 lính đánh tung thâm vào đội hình giặc góp phần vào chiến thắng Đông Bộ Đầu, giải phóng kinh thành.
Hiện nay, phần mộ của thủy tổ họ Nghiêm, Đại tư mã Nghiêm Tĩnh ở làng Quan Độ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, ngôi mộ vẫn còn đó và mang nhiều bí ẩn đối với người dân xứ Kinh Bắc.
Nghiêm Tướng công từ
Ông Nghiêm Xuân Khoái cho biết, đền thờ danh tướng Nghiêm Kế hiện nay nằm ở phía Bắc làng Quan Độ, đồng thời cũng là nhà thờ chung của dòng họ Nghiêm. Cổng đền xây theo lối tam quan với bốn câu đối khắc nổi phía trong và ngoài cổng. Phía trên ghi bốn chữ: Nghiêm Tướng công từ.
Theo lời kể của các cao niên trong làng, trước đây ngôi đền là một cụm kiến trúc cổ quy mô. Toàn bộ khu di tích trước đây trải rộng trên một mẫu đất với hai tòa nhà chính là đền thượng và đền hạ. Mỗi nhà có ba gian, khung bằng gỗ lim với những chạm khắc tinh xảo.
Làng Quan Độ vốn có tên là Kẻ Đọ, là ngôi làng cổ giữ được nhiều di tích lịch sử quý báu. Ngôi làng này trước có nhiều dòng họ sinh sống, nay chỉ còn một số họ chính như họ Nghiêm, họ Đặng, họ Vũ, họ Tiến.
“Các dòng họ lớn hình thành nên giáp riêng, như: Giáp Nghiêm, giáp Đặng, giáp Tiến. Còn các họ nhỏ hơn thì hợp thành giáp tả. Điều này cho thấy tổ chức tộc họ của làng Quan Độ không chỉ chặt chẽ có tiếng nói quan trọng. Từ đó, hình thành tính cách, tầm nhìn mà tiêu biểu là danh tướng Nghiêm Kế”, nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng nhận xét.
Dòng họ huy hoàng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay dòng họ Nghiêm được coi là dòng họ lớn nhất ở Quan Độ. Dòng họ giữ được nhiều tư liệu quý giá như: Nghiêm thị thế phả, Nghiêm thị gia kê, Lịch đại sự tích, Gia phả lược biên, Thế phả gian yếu…
Các nhà khoa học thống nhất đánh giá công lao của tướng Nghiêm Kế trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông.
Ngoài các danh nhân nổi tiếng có đóng góp lớn cho đất nước như Nghiêm Tĩnh, Nghiêm Kế, Nghiêm Phụ thì còn đó một Nghiêm Ích Khiêm đỗ Hoàng Giáp đời Lê Thánh Tông rồi làm đến chức Cẩm y vệ Đô chỉ huy sứ.
Ngoài các tướng văn, tướng võ, dòng họ Nghiêm ở Quan Độ còn nhiều bậc túc nho đỗ đạt, như cụ Nghiêm Thức làm đến chức Tri phủ. Cụ Hữu Trực giữ chức Huyện lệnh Yên Phong, cụ Ngũ Khê giữ chức Tri phủ Thông Hóa, cụ Đỗ Sơn giữ chức Huyện thừa Tam Nông…
Khi tìm hiểu về danh tướng Nghiêm Kế trong chiến thắng Đông Bộ Đầu, nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng và các nhà khoa học mới vỡ vạc ra nhiều điều về dòng họ Nghiêm cũng như những đóng góp của dòng họ đối với đất nước qua mọi thời kỳ, biến cố.
“Tướng Nghiêm Kế cũng như dòng họ Nghiêm ở Quan Độ đời nào cũng vì đất nước. Ngày nay, chúng ta suy xét công lao của họ trong một chiều kích lịch sử dù các văn bản chính sử không hoặc ít nhắc tới. Như một số dòng họ khác, họ Nghiêm là một dòng họ huy hoàng, có nhiều văn quan võ tướng dốc sức vì quốc gia”, nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng cho hay.
Tướng Nghiêm Kế là người có công rất lớn trong cuộc phản công của quân dân nhà Trần ở bến Đông Bộ Đầu, góp phần giải phóng kinh thành Thăng Long. Tuy sử sách không nói đến ông, nhưng công lao của ông không gì có thể xóa nhòa. Ông sinh được hai người con trai: Nghiêm Mưu đỗ Tú tài; Nghiêm Thức đỗ cử nhân.
Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng.
Trần Hòa