Xin vua đổi tên làng
Ông Chu Văn Thịnh, Thủ từ đình Viên, phường Cổ Nhuế 2 (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) cho biết: Theo các truyền thuyết và một số tài liệu nghiên cứu thì ngôi làng này xưa kia vốn là một dải đất sình lầy hoang hoá ven bờ sông Hồng.
- Đình Viên.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, ngành khảo cổ đã đào được rất nhiều di vật dưới lòng đất Cổ Nhuế như rìu đá, hòn nghiền, gạch vuông hoa trám lồng đời Hán, tượng cá hoá rồng thời Lý – Trần. Rất nhiều đồ dùng của người Việt cổ đầu tiên tìm thấy ở đây minh chứng cho sự tồn tại của con người từ hơn 2000 năm trước.
Cũng theo ông Thịnh, Cổ Nhuế xưa có tên gọi là Kẻ Noi với lời giải thích nguồn gốc là vùng đất bãi lầy, dân làng đi lại phải lội ngòi noi nước. Về việc đổi tên làng thành Cổ Nhuế, ông Thịnh và các cao niên kể một câu chuyện mang tính truyền thuyết.
“Đông Chinh Vương Lý Công Lực, hoàng tử triều Lý là một người đáng kính. Ngoài việc có công dẹp giặc ở Châu Văn thì ngài còn có công cắm đất lập làng Cổ Nhuế. Trải qua 988 năm từ khi làng xin ngài làm Thành hoàng làng, cho đến nay sự tôn kính của dân làng đối với ngài vẫn bền bỉ son sắt”, ông Chu Văn Thực, Thủ đình đình Hoàng.
Mùa thu năm 1027, Hoàng tử con vua Lý Thái Tổ, tên húy là Lực, hiệu là Đông Chinh Vương đã đem quân đi dẹp loạn ở Châu Văn (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn – PV) có qua làng Noi, được dân làng mang lương thực, thực phẩm ra cung hiến cho quân sĩ làm lương ăn trên đường hành quân.
- Đình Hoàng.
Sau khi chiến thắng trở về, Đông Chinh Vương đã xin với vua cha cho hưởng thực ấp ở làng Noi. Bốn thôn của làng Noi, gồm: Hoàng – Trù – Đống – Viên trở thành dân “tảo lệ”, tức là dân được giao trông nom nhà thờ và được miễn sưu thuế. Các cụ trong làng bấy giờ mới dâng sớ xin vua cho đổi tên làng thành Cổ Nhuế theo phiên âm tiếng Hán – Việt từ chữ Kẻ Noi.
Thờ hai con vua
Ông Chu Văn Thịnh dẫn chúng tôi vào phía trong đình Viên. Ông bảo, 20 năm nay làm Từ đình nên chuyện lớn chuyện bé gì của làng ông cũng đều tỏ tường. Mở cửa, thắp hương xong, ông đưa khách vào hậu cung. Ở phía trên ban thờ có ba ngai thờ. Ngai giữa là Thành hoàng làng Hoàng tử Đông Chinh Vương.
Phía dưới là Minh Hiến công chúa, chị gái Đông Chinh Vương. Hỏi ông Thịnh, sao đã lập Đông Chinh Vương làm Thành hoàng làng, sao còn thờ chung với chị gái? Ông Thịnh bảo: Minh Hiến công chúa chính là người đã xuất tiền xây dựng đình.
- Ông Chu Văn Thịnh, Thủ từ đình Viên và bia đá cổ viết về sử làng.
Phía bên kia còn một ngai thờ nữa mà theo ông Thịnh, đó là phu nhân của Thành hoàng làng – tục gọi là Minh Đạo phu nhân. Ở phía ngoài hậu cung có tượng hai vị quan, mặt cười tươi, tay giơ lên ngang cằm chào nhau.
Cách đình Viên hơn 1 cây số là đình Hoàng thuộc xã Cổ Nhuế 1 cũng thờ Đông Chinh Vương làm Thành hoàng làng. Ông Thịnh bảo: “Đình Hoàng mới là đình chung của cả 4 thôn Cổ Nhuế. Hàng năm lễ hội, chúng tôi vẫn tập trung tại đó để rước kiệu”.
Ngôi đình Hoàng còn được gọi là “đình mẹ”, có lẽ vì thế mà quy mô và cung cách thờ phụng cũng lớn hơn đình Viên. Trước cổng là hai con voi đá cổ kính có từ thời lập đình. Phía bên trong, ba bia đá cổ tuy đã bị thời gian làm mòn đi đôi chút nhưng minh văn vẫn rất rõ ràng.
- Trước ban thờ đình Viên có hai vị quan tươi cười.
Ông Thủ từ đình Hoàng là Chu Văn Thực giới thiệu: “Một bia nói về Thành hoàng làng Đông Chinh Vương, những bia còn lại nói về sử làng và sự học. Chúng tôi may mắn nên còn giữ được làm bảo vật, minh chứng cho thời lập làng, lập đình”.
Từ bia đá cổ này, hậu thế biết rõ hơn về công trạng của Thành hoàng làng Đông Chinh Vương. “Chính ngài là người cắm đất lập làng làm tệ ấp nên chúng tôi thường tổ chức lễ hội vào ngày 10/2 âm lịch hàng năm, đó là ngày ngài thắng giặc và tổ chức khao quân”, ông Thực cho hay.
“Trộm” kiệu vua
Ở Cổ Nhuế nay còn lưu truyền một câu chuyện khá hài hước nhưng có thật. Đó là chuyện “trộm” kiệu vua đem về làm kiệu Thành hoàng làng. Chiếc kiệu ấy đến nay vẫn còn và được bảo quản khá nghiêm ngặt.
- Ông Chu Văn Thực, Thủ đình Hoàng cùng bia đá cổ viết về Thành hoàng làng Đông Chinh Vương.
Ông Thực kể: “Chúng tôi cũng không rõ là vào thời Lý hay thời Lê, có người trong làng làm việc ở triều đình, khi kiệu vua xong thì người ấy cùng vài người trong làng ăn trộm kiệu quý đem về. Nhà vua có cho người đi tìm khắp nơi đến mấy năm liền mà không thấy. Cùng đợt này cũng có một làng khác trộm chiêng của vua. Vì thế mà có câu: Kẻ Noi trộm kiệu/Kẻ Bưởi trộm chiêng”.
Chiếc kiệu ấy rất đẹp và cầu kỳ. Đường chạm khắc trên kiệu tinh tế cùng bộ bát giáo uy nghi thực sự là bảo vật. Kiệu ấy hiện nay đã được bảo quản trong một chiếc hòm lớn, chỉ đến ngày hội mới đem ra dùng làm kiệu cho Thành hoàng làng.
Hội đình Hoàng được người dân Cổ Nhuế tổ chức 5 năm một lần với quy mô lớn trên toàn xã. Nghi lễ bao gồm: rước kiệu Thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn. Trên kiệu có cỗ ngai chạm khắc vàng son lộng lẫy tượng trưng cho Thành hoàng.
- Kiệu vua của đình Hoàng dùng để kiệu Thành hoàng làng.
Tâm điểm của lễ hội là rước kiệu Thánh. Hành trình của đám rước đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước Thánh hồi cung.
“Ông thần ở đình làng gọi là thần Thành hoàng, cai quản khu vực trong khung thành. Thoạt tiên là thần ngự trị nơi thị tứ, sau áp dụng cả nơi thôn xóm”, Cố nhà văn Sơn Nam.
Dân làng và khách thập phương nô nức kéo theo đám rước, tiếng nói tiếng cười hoà cùng tiếng trống, tiếng nhạc. Ông Chu Văn Thực cho biết, riêng đoàn rước đã lên đến gần 1000 người chưa kể sự tham gia của những người dân và du khách. Hai bên đường, người dân còn bày lễ vật đèn nhang nghênh tiếp và bái vọng như 988 năm trước đây, cha ông chúng tôi đã nghênh tiếp đoàn quân của Đông Chinh Vương.
Kỳ 3: Thành hoàng làng trẻ nhất
Trần Hòa