Thái úy Lý Công Bình và hai lần cầm quân

Thái úy Lý Công Bình và hai lần cầm quân,

Vua Lý Nhân Tông.

Lý Nhân Tông dặn việc không ngờ

Sử chép, sau khi người Việt giành lại độc lập từ Trung Hoa thì chính quyền Đại Việt với Chân Lạp nhiều lần giao thiệp; phía Chân Lạp ở bổn phận nước chư hầu, phải thực hiện nghĩa vụ triều cống Đại Việt.

Năm 1113, Suryavarman II, một vị vua được coi là vĩ đại nhất của Chân Lạp lên ngôi đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh xâm lược để mở rộng lãnh thổ. Đối với Đại Việt, thời gian mới nắm quyền, Suryavarman II đã cử sứ giả sang cống nạp một lần vào năm 1120.

Tuy vậy, vua Lý Nhân Tông lúc ở ngai vàng, đã tiên liệu được tình thế của đất nước, nên để lại di chiếu cho đời sau, có đoạn đã dặn dò: “…Mà thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỷ (12 tuổi), có nhiều đại độ, thông minh thành thật, trung nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế. Nay kẻ ấu thơ chịu mệnh trời, nối thân ta truyền nghiệp của ta, làm cho rộng lớn thêm công nghiệp đời trước. Nhưng cũng phải nhờ quan dân các ngươi một lòng giúp rập mới được.

Này Bá Ngọc, ngươi có khí lượng của người già cả, nên sửa sang giáo mác, để phòng “việc không ngờ”, chớ làm sai mệnh, trẫm dù nhắm mắt cũng không di hận. Việc tang thì chỉ 3 ngày bỏ áo trở, nên thôi thương khóc; việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế…”.

Nhưng “việc không ngờ” mà Lý Nhân Tông căn dặn đâu chỉ biến động giành ngôi của các thân vương mà còn nạn ngoại xâm của các lân bang nữa.

Đầu năm Mậu Thân (1128), nhân lúc vua Lý Nhân Tông mới mất, Thái tử Lý Dương Hoán (Lý Thần Tông) lên ngôi khi mới 12 tuổi, nước ta bị Chân Lạp đem quân quấy phá.

Lần thứ nhất cầm quân đánh Chân Lạp

Sách Đại Việt sử kí toàn thư cho biết, ngày Giáp Dần (29/1), hơn hai vạn quân Chân Lạp tiến đánh bến Ba Đầu, châu Nghệ An. Vua Lý Thần Tông sai quan nhập nội Thái phó Lý Công Bình cầm quân đi đánh giặc.

Ngày Quý Hợi (3/2), Lý Công Bình đã đánh bại quân Chân Lạp, bắt được cả chủ tướng và rất nhiều quân lính của chúng. Thắng trận, Lý Công Bình lập tức cho người đưa thư về Kinh thành Thăng Long báo tin.

Cũng sách trên chép rằng: “Thư báo tin thắng trận của Lý Công Bình đến kinh sư. Ngày Mậu Thìn (15/2), Vua Lý Thần Tông  ngự đến hai cung Thái Thanh và Cảnh Linh cùng các chùa quán trong thành làm lễ tạ ơn Phật và Đạo đã ngầm giúp Thái úy Công Bình đánh được người Chân Lạp. Đến tháng 3, Lý Công Bình về kinh thành, dâng số tù nhân bắt được là 169 tên.

Bị thua đau nên hơn nửa năm sau, vào tháng 8, Suyrayavarman II lại cho một đạo quân gồm 700 thuyền chiến, đánh phá hương Đỗ Gia châu Nghệ An.

Lý Thần Tông xuống chiếu sai tướng Nguyễn Hà Viêm ở Thanh Hóa, tướng Dương Ổ ở châu Nghệ An đem quân đánh và phá được giặc. Suyrayavarman II lại gửi Lý Thần Tông một phong quốc thư, yêu cầu Đại Việt cử sứ giả sang Chân Lạp, vua Đại Việt không thèm trả lời.

Năm Nhâm Tý (1132), Thiên Thuận năm thứ 5, Suyrayavarman II cử tướng hội quân cùng với Chiêm Thành lại đánh châu Nghệ An. Lý Thần Tông xuống chiếu sai Thái úy Dương Anh Nhĩ huy động quân binh ở phủ Thanh Hóa và châu Nghệ An chống trả mạnh mẽ, phá tan quân xâm lược.

(còn nữa)

    TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top