Kỳ 2: Hoàng tử nhà Lý làm thành hoàng làng
Anh hùng xuất thiếu niên, dù mới 9 tuổi nhưng cô bé con thầy đồ đã dũng cảm đóng giả là người bán trầu cau để dò la tin tức giặc Chiêm Thành. Nhờ đó mà quân Việt đại thắng, anh hùng nhỏ tuổi được phong làm công chúa rồi làm Thành hoàng làng.
Sau cánh cổng làng
Làng Đại Yên, phường Ngọc Hà (Ba Đình – Hà Nội) nằm khuất sâu trong những con ngõ nhỏ giữa hai con phố sầm uất là Đội Cấn và Hoàng Hoa Thám. Cổng làng Đại Yên dưới con mắt khách lạ như một kỳ quan cổ kính.
- Đình Đại Yên nay thuộc phường Ngọc Hà.
Ở phía trước, trên trán cổng là ba chữ nho Đại An môn. Cổng này được xây vào năm 1917. Phía trong cổng làng đề chữ “Xuất nhập thủ vọng”, có nghĩa “Ra vào đều ngưỡng vọng” cùng đôi câu câu đối: “Trác nhĩ hữu lập giang sơn trường thử tráng quan chiêm/Ngưỡng chi di cao đặc địa y nhiên chiêu thánh hóa” – Xin lược dịch: Dựng lên chót vót non sông còn mãi rạng rỡ cảnh quan chiêm/Càng nhìn càng thấy cao thắng địa y nhiên sáng ngời nơi thánh hóa.
Theo các cao niên thì tên cổ của làng là Đại Bi, nhưng do phạm húy nên đổi thành Đại Yên. Từ đôi câu đối ghi trên cổng đã tỏ rõ ước nguyện an vui lập nghiệp và hành nghiệp của người địa phương, bởi làng vốn có nghề bán thuốc Nam nổi tiếng khắp Kinh thành Thăng Long xưa.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Minh Hồng, cho biết: “Cổng làng Đại Yên vốn hội tụ đủ mọi câu chuyện thú vị. Nhưng sau cánh cổng, vào làng là cả một thế giới của truyền thuyết và sự thật, của thánh nhân và thần nhân”.
- Gò đất mối xông sau hậu cung đình.
Có một thời gian dài, tư liệu lịch sử có nhầm lẫn khá lớn về Thành hoàng làng của Đại Yên. Rằng, bà Tổ của làng nghề thuốc Đại Yên chính là Ngọc Hoa công chúa. Đó là vào thời nhà Lý, một cô gái tên là Trần Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng đã rất giỏi chữa bệnh bằng các loại lá cây.
Đoàn quân của Lý Thường Kiệt qua đây bị mắc dịch bệnh nhưng được Ngọc Tường chữa trị mà khỏi bệnh, nhờ đó mà quân ta thắng giặc. Ngọc Tường được nhà vua triệu vào cung và phong làm Ngọc Hoa công chúa, nhưng nàng đã quay trở lại làng Đại Yên sinh sống và truyền lại nghề thuốc cho dân. Công chúa hóa khi mới 9 tuổi và được nhà vua phong làm Thành hoàng làng.
Anh hùng xuất thiếu niên
Theo tìm hiểu của nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng, thì sự tích Thành hoàng làng ở Đại Yên có nội dung hoàn toàn khác. Vào triều nhà Lý, Chế Ma Na vua nước Chiêm Thành dẫn đội quân sang đánh chiếm nước ta để lấy lại 3 châu Địa Lý mà trước đó vua Chế Củ đã cắt cho Đại Việt.
Thái úy Lý Thường Kiệt tiến hành tuyển quân và lúc này, thầy đồ Trần Huấn, một người con rể của làng Đại Yên trúng tuyển. Trần Huấn vốn là người ở Thanh Hóa, ra Thăng Long làm nghề dạy học rồi kết duyên với người con gái làng Đại Yên.
- Cổng vào làng Đại Yên.
Một hôm trên đường đi chợ, vợ Trần Huấn nhặt được một dải lụa. Bà cầm lên để tìm người đánh rơi, trả lại. Đêm ấy bà nằm mộng có thai, sau sinh được người con gái đặt tên là Trần Ngọc Tường.
Năm Lý Thường Kiệt tuyển quân, Ngọc Tường mới 9 tuổi nhưng xin giả làm trai theo cha đi đánh giặc. Tướng cầm quân Lý Thường Kiệt không có cách nào để từ chối một đứa trẻ 9 tuổi nhưng dũng cảm nên đành để Ngọc Tường đi theo.
Chiến tranh giữa Đại Việt và Chiêm Thành kéo dài vài tháng mà chưa phân thắng bại. Bé gái Ngọc Tường mới xin với tướng quân Lý Thường Kiệt cho mình sang khu đồn địch bán trầu cau để dò la tin tức rồi dùng mật hiệu báo cho quân Đại Việt biết, nhờ đó mà quân của Lý Thường Kiệt toàn thắng.
- Chùa Bát Tháp cổ kính.
Về triều, Thái úy Lý Thường Kiệt tâu lại chuyện Ngọc Tường với vua. Cảm phục tinh thần của người thiếu niên anh hùng nên vua phong Ngọc Tường làm Ngọc Hoa công chúa, tặng vàng bạc châu báu và mời ở lại Hoàng cung. Ngọc Hoa liền từ chối để về làng ở với mẹ. Ngọc Hoa yểu mệnh qua đời năm đó tại Đại Yên.
Nhà vua thương tiếc nên lệnh cho dân làng lập miếu thờ và phong Ngọc Hoa công chúa là Thành hoàng làng Đại Yên. Từ đó đến nay, Ngọc Hoa trở thành Thành hoàng làng trẻ tuổi nhất.
Bên mộ Ngọc Hoa
Bà Trương Thị Phương Nhu, Trưởng ban quản lý di tích đình Đại Yên dẫn chúng tôi ra khu mộ của Ngọc Hoa công chúa. Khu mộ hiện ở ngay sau hậu cung đình. Theo bà Nhu, khi Ngọc Hoa được mai táng thì mối xông lên thành một gò đất cao hơn hẳn so với địa thế trong vùng.
- Nơi chôn cất Ngọc Hoa công chúa.
Bên cạnh ngôi mộ đó là cây đa cổ thụ có 66 rễ mọc dài xuống, cao 25m, tán rộng khoảng 33m. Bà Nhu cho biết, năm ngoái cây đa đã được tôn vinh là cây di sản của Việt Nam. Cây cao và vươn mình vượt lên cả những ngôi nhà cao tầng xung quanh tỏa tán rộng mát che bóng cho mộ công chúa.
“Ở các làng xã, Thành hoàng là một niềm tin thiêng liêng, một chỗ dựa tinh thần cho cộng đồng. Thờ cúng Thành hoàng cũng giống như thờ cúng tổ tiên với quan niệm uống nước nhớ nguồn. Thành hoàng của các làng Việt không phải lúc nào cũng thờ vị thần bảo vệ thành hào hay lập làng, mà còn thờ cả những người có công với dân với nước”, Nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng.
Theo các cao niên làng Đại Yên thì cây đa có tuổi đời 189 năm, tức tính từ khi tu sửa đình. Người địa phương cho biết, Ngọc Hoa công chúa rất linh thiêng nên khi cây đa mọc bên cạnh mộ Thành hoàng làng thì như có hồn cốt.
- Cây đa cổ thụ bên mộ Ngọc Hoa công chúa.
Hiện, trong ngôi đình cổ kính Đại Yên vẫn còn lưu giữ những thần tích, câu đối ca ngợi công lao to lớn của Ngọc Hoa công chúa, như: “Nhất trận hoàn quân/Điện yên vũ trụ/Cửu linh phá tặc/Phù Lý giang sơn”, nghĩa là: “Một trận thắng hồi quân/khiến đất trời yên ổn/Chín tuổi đi dẹp giặc/Phù Lý vững non sông”.
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Minh Hồng, đình Đại Yên tôn thờ Ngọc Hoa công chúa làm Thành hoàng làng không chỉ thể hiện sự vâng mệnh nhà vua ban ơn mà còn thể hiện lòng thành, sự biết ơn đối với người anh hùng trẻ tuổi.
Đình Đại Yên cùng với ngôi chùa cổ kế cạnh là Bát Tháp tự nổi tiếng tạo thành chuỗi hành hương tâm linh không chỉ của người Hà Nội, mà thu hút khách thập phương khắp nơi tụ về chiêm ngắm.
Theo bà Nhu, lễ hội đình Đại Yên thường được tổ chức vào hai ngày 13/14 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đặc biệt, buổi sáng ngày 14 là phần lễ văn tế thánh của làng, không khí rất trang nghiêm và thành kính.
Kỳ 4: Rước xôi dâng Thành hoàng làng
Trần Hòa