Họ chỉ biết thở dài và đặt câu hỏi, liệu hành tây ngoại nhập về gần trung tâm huyện mà lực lượng chức năng từng phát hiện trước đây, vẫn còn tồn tại?
Hành tây chất đống tại các cơ sở thu mua vì khó tiêu thụ. Ảnh: P.T
Tồn đọng vì hành ngoại nhập?
Dù cuối vụ, nhưng ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, chúng tôi chứng kiến cảnh tượng hàng trăm tấn hành tây tồn đọng vì rớt giá thê thảm. Nếu trước Tết Nguyên đán, giá hành tây tại ruộng ở mức 11-12 nghìn đồng/kg thì hiện tại chỉ hơn 1.000 – 2.000 đồng/kg (tùy theo loại). Người có không gian chứa thì đào lên chất đống, phủ bạt như núi, “nuôi” tâm tưởng chờ lên giá. Nhà không có chỗ chứa, người dân chẳng buồn thu hoạch, để mặc hành tây phơi nắng, phơi mưa thối ngoài ruộng.
Ông Phạm Văn Luật (63 tuổi, thôn Yên Khê Hạ, xã Lạc Lâm) đi ra đi vào thẫn thờ nhìn hơn 1,5ha hành tây không có bóng thương lái đến hỏi mua. Thảm cảnh rớt giá, theo ông Luật, là chưa từng có từ trước tới nay.
Ông nhẩm tính, 1 sào hành tây bán ra với giá trên thì còn thiếu vài triệu đồng nữa mới cập vốn, công sức đã bỏ ra. Ông thở dài: “Khổ lắm người nông dân chúng tôi! Trồng hành tây mà như tập thể dục cho khỏe người thôi chứ không thu lại được cắc nào”.
Trồng hành và các loại rau màu khác như cải, xà lách nhưng không có vốn, ông Luật dùng sổ đỏ vay vốn ngân hàng. “Nếu không có chút thu nhập từ rau màu, chắc gia đình tôi “ra đường” theo hành tây. Mọi năm, thương lái đến ruộng hành tây đặt cọc tiền trước, nhưng nay không thấy bóng dáng thương lái nào. Thảm ơi là thảm” – ông Luật mếu máo.
Cách nhà ông Luật không xa là đống hành tây gần 50 tấn chất như núi, phủ bạt của anh N.C.K (xã Lạc Lâm). “Giá có 2000 đồng/kg, làm sao bán? Đó là chưa kể, thương lái chê lên chê xuống, lựa ra đến 3 loại. Củ nhỏ quá hay lớn quá họ cũng loại ra” – anh K thở dài.
Anh K đầu tư hết 17 triệu đồng vào 1 sào hành tây, nhưng bán chỉ thu lại được khoảng 14 triệu đồng, chịu lỗ 3 triệu đồng. “7/10 người dân huyện Đơn Dương sống bằng nghề trồng hành tây, nhưng hành tây ngoại nhập lại được thương lái mang về gần trung tâm huyện Đơn Dương. Thử hỏi, người nông dân làm sao tiêu thụ nổi. Hàng tấn hành tây ngoại nhập chuyển về bằng xe container.
Chuyện này trước đây chúng tôi đã từng kiến nghị, có cơ quan chức năng phát hiện rồi. Đóng cửa được vài hôm, sau đó người dân thấy họ hoạt động lại. Có đời ai lại “mang củi vào rừng” như vậy, làm sao hành tây của nông dân chúng tôi không trôi nổi. Trong khi hành tây ở đây không sử dụng bất kỳ loại chất bảo quản nào” – anh K lắc đầu ngao ngán.
Một thương lái thu mua hành tây của người dân huyện Đơn Dương mệt mỏi: “Việc nhập khẩu hành tây làm ảnh hưởng lớn đến hành tây tại địa phương. Chúng tôi đã cố gắng mua hành tây “giúp” cho bà con nhưng thực sự không cạnh tranh nổi. Hành tây tôi mua với giá 1.200 đồng/kg nhưng tiêu thụ hết sức khó khăn. Tôi gần như chỉ bán lẻ tẻ chứ thị trường các nơi từ chối nhập hàng”.
Giá vẫn ổn định và không có cạnh tranh giá?
Bà Lê Thị Bé – Trưởng phòng NNPTNT huyện Đơn Dương – nói rằng, bà không có thông kê cụ thể về diện tích hành tây mà chỉ có nắm số liệu chung diện tích của cây rau thương phẩm. Bà khẳng định cũng không có quy hoạch gì diện tích trồng hành tây mà chỉ khuyến cáo người dân không trồng 1 mặt hàng nào đó. “Đất người ta thì người ta thích trồng gì thì họ trồng chứ mình đâu làm gì được” – bà Bé nói.
Hành tây bỏ trắng đồng vì thương lái không thèm đoái hoài. Ảnh: P.T.
Trái ngược với tiếng thở dài của người nông dân về thực cảnh hành tây rớt giá, bà Bé khẳng định, giá hành tây vẫn ở mức ổn định (!). “Người dân hay thích rên” – bà Bé nói. Bản báo cáo của Phòng NNPTNT huyện Đơn Dương bà Bé cung cấp cho chúng tôi thể hiện, tháng 3, giá nông sản có chiều hướng tăng, trong đó có hành tây là 11 nghìn đồng/kg. Đó là giá bán xuất đi mà Phòng NNPTNT khảo sát ở 1 vựa nào đó chứ không nắm giá tại ruộng hành tây. Bà Bé cũng tỏ ra bất ngờ khi phóng viên thông tin, hiện giá hành tây tại các vựa chỉ có giá vài nghìn đồng/kg.
Trả lời câu hỏi có hay không hành tây ngoại nhập về tại km 14, Quốc lộ 20 (đoạn qua thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương), bà Bé khẳng định: “Họ không bán hành tây ở đây mà đóng gói chuyển đi nơi khác bán. Nếu hành tây rớt giá thì do ảnh hưởng thị trường nơi khác chứ không có việc hành tây ngoại bán phá giá ở đây”.
Theo bà Bé, việc cơ sở này thuê đất, nhập hành tây về rồi bán đi nơi khác thì chính quyền cũng không cấm cản được. “Năm ngoái, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện do Phòng Kinh tế – Hạ tầng làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra cơ sở này thì ghi nhận họ có giấy phép kinh doanh. Khi đóng gói hành tây thì họ cũng dán nhãn của họ, không dán nhãn hành tây Đơn Dương rồi bán ra thị trường” – bà Bé nói.
Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đơn Dương cũng mơ hồ: “Chưa xác định được hành tây nhập về tại cơ sở ở km 14, Quốc lộ 20 (thị trấn Thạnh Mỹ) có phải từ nước ngoài hay không”.
“Trước đây, kiểm tra thì chúng tôi biết ở đó có nhập bắp sú từ nước ngoài. Chúng tôi vẫn đang theo dõi, nắm tình hình” – vị này nói. Khi chúng đề nghị cung cấp biên bản kiểm tra cơ sở này vào năm ngoái thì vị này nói “để coi lại đã” rồi không thấy hồi âm.
Trao đổi qua điện thoại, ông Đinh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) – bảo phóng viên gặp trực tiếp cơ sở đó hỏi xem có nhập hành tây ngoại hay không. “Hành tây giá lúc lên, lúc xuống là do thị trường chớ. Sao lại hỏi chúng tôi. Chúng tôi sẽ cùng các doanh nghiệp nghiên cứu chứ đâu có đẩy giá đó lên được” – ông Hùng nói.
Ông Hùng cho biết, chính quyền cũng có định hướng, hướng dẫn cho nhân dân thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp, xây dựng chuỗi sản xuất… nhưng trong quá trình triển khai thực hiện thì có lúc chưa đạt được, có lúc người dân sản xuất không hợp lý với giai đoạn của thị trường, dẫn đến hành tây bị trôi nổi.
Khi chúng tôi đề cập đến hoạt động bán buôn của cơ sở tại km số 14, Quốc lộ 20 thì ông Hùng đặt câu hỏi mà lẽ ra, về quản lý nhà nước, ông phải nắm rõ, là, làm sao biết cơ sở đó có nhập hành tây ngoại hay không? Làm sao xác định được họ có bán phá giá. Ông Hùng cho biết: “Việc lưu thông hàng hóa trên thị trường mình không thể cấm họ chở các mặt hàng từ nơi khác đến đó được”.
Ông Hùng khẳng định, sẽ yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra xem có hành vi, hiện tượng đó không. Chiều muộn, ông Hùng gọi lại cho phóng viên, nói rằng: “Anh mới khảo sát, thăm dò lại thì thông tin cơ sở này chở hành tây ở nơi khác về bán thì không phải đâu”.
Phóng viên đặt câu hỏi, “vậy tại sao cơ sở này lại treo bảng nhập hàng ngoài nước?”. Ông Hùng nói: “Người ta nhập hàng thì hàng ở địa phương khan hiếm họ chở nơi khác về, địa phương nhiều thì người ta chở ở địa phương đi. Chuyện đó bình thường trong thương mại, dịch vụ mà”.
Ông Hùng khẳng định, cơ sở này “đang tích cực trong việc thu mua hành tây của người dân”. Tuy vậy, phóng viên không nghe người dân đề cập đến việc cơ sở này thu mua hành tây của họ, mà đi đâu cũng nghe tiếng thở dài của người nông dân “không bán được hành tây”, “hành tây rớt giá thê thảm”…
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 2.11.2016, các cơ quan chức năng đã bất ngờ kiểm tra đột xuất Trung tâm phân phối, bán lẻ các mặt hàng nông sản của Công ty TNHH Đài Xuân Ái tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Chủ cơ sở này xuất trình một số hóa đơn nhập khẩu nông sản từ nước ngoài, gồm 88 tấn hành tây, 15 tấn cải thảo. Tuy nhiên, còn 60 tấn cải thảo khác, 2,5 tấn bắp sú và 1,5 tấn hành tím có xuất xứ từ nước ngoài nhưng không có tờ khai nhập khẩu.
Mặc dù chưa được cấp phép lập điểm kinh doanh tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương nhưng từ tháng 9.2016 đến thời điểm bị kiểm tra, Công ty TNHH Đài Xuân Ái vẫn tổ chức hoạt động thu mua nông sản có nguồn gốc từ nước ngoài, bình quân 16 tấn 1 ngày để sơ chế đóng lại bằng bao bì mới, sau đó chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Campuchia với mác rau Đà Lạt.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính và tạm đình chỉ hoạt động đối với cơ sở thu mua, sơ chế nông sản này của Công ty TNHH Đài Xuân Ái tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương. Nay vị trí này lại xuất hiện cơ sở khác có tên Chúc Em, trưng bảng “Vựa rau Chúc Em, chuyên thu mua các loại rau củ quả, xuất nhập khẩu trong và ngoài nước”.
Theo Nguyễn Phước Tín (Lao động)