Hỏi: Loại gạo xát rối vẫn còn nguyên vỏ cám sẽ nhiều vitamin B1 hơn gạo xát kỹ, nên ăn bổ dưỡng hơn, điều đó có đúng không?
Trần Bích Nhi (Hà Nội)
PGS.TS Nguyễn Văn Hoan, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lúa, Học viện Nông nghiệp: Cơm không chỉ cung cấp chất bột đường để bổ sung năng lượng cho cơ thể mà còn chứa nhiều vitamin và khoáng chất khác. Trong đó phải kể đến vitamin nhóm B (B1, B3, B6) và chất xơ. Ngoài ra gạo còn có vitamin E, magiê, mangan, sắt, kẽm. Nhiều người cho rằng gạo càng trắng, càng ít dưỡng chất là không đúng.
Lớp vỏ cám, lỗ nhũ (phôi) của hạt gạo còn nguyên nên hàm lượng vitamin B1 lớn. Người ốm cần bổ sung dinh dưỡng hoặc làm rượu nếp thì dùng gạo này. Còn hàm lượng protein và tinh bột thì giống nhau ở mọi loại gạo, dù là trắng hay tím, đỏ. Thực tế, tinh bột và protein nằm trong hạt gạo. Khi được xay xát kỹ thì hạt gạo sẽ cho ra màu trắng. Loại gạo này khi nấu, tinh bột sẽ nhanh chóng biến thành đường nên cơm nhanh chín, ăn ngon, mềm và dễ tiêu hóa hơn. Gạo còn nguyên vỏ cám, gạo lứt… có nhiều vitamin B nhưng ngược lại hạt gạo cứng, khó ăn, khó tiêu hóa. Người bệnh cần bổ sung dinh dưỡng thì nên ăn loại gạo này, còn người khỏe mạnh bình thường chỉ cần ăn gạo trắng là đủ dưỡng chất.
Trong gạo có nhiều hoạt chất khác nhau, nhưng không phải giống lúa nào cũng cho ra các hoạt chất giống nhau. Thực tế trong bất kỳ loại gạo nào cũng có thành phần Momilactone A và Momilactone B (MA và MB) có tác dụng chống tiểu đường, béo phì, gut… Tuy nhiên hàm lượng cao hay thấp tùy thuộc vào giống và quy trình canh tác. Giống như vitamin ở loại rau quả nào cũng có, nhưng loại nào giàu vitamin A, loại nào giàu vitamin B… thì lại tùy giống cây.
Đăng Khoa