Thủ tướng Chính phủ yêu cầu kiểm tra, đánh giá nguồn cung và tình hình xuất khẩu gạo. |
Thủ tướng "chỉnh" bộ chủ quản
Theo văn bản ngày 25/3 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì lập đoàn kiểm tra liên ngành để làm việc với các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu gạo chủ chốt, rà soát, kiểm tra, đánh giá về nguồn cung thóc gạo, tình hình xuất khẩu gạo và thực hiện dự trữ lưu thông, tình hình thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo.
Trên cơ sở đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc điều chỉnh hoạt động xuất khẩu gạo theo đúng quy định. Trong khi chờ báo cáo đánh giá của đoàn kiểm tra liên ngành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới. Các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết sẽ được xử lý cụ thể sau khi đoàn kiểm tra liên ngành báo cáo.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu và yêu cầu phải đảm bảo cung ứng gạo cho người dân, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và dịch bệnh hiện nay.
Trước đó, tại cuộc họp thường thực Chính phủ về đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 ngày 23/3, Bộ Công Thương đã đề xuất tạm dừng việc triển khai một số hợp đồng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5/2020. Tuy nhiên, ngay sau khi Chính phủ đồng ý đề nghị này, ngày 24/3, Bộ trưởng Bộ Công Thương lại cấp tập gửi công văn khẩn lên Thủ tướng, đề nghị cho tiếp tục xuất khẩu gạo.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 900.000 tấn, với kim ngạch 410 triệu USD, tăng 27% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc 2 tháng đầu năm 2020 đột nhiên tăng tới 595% về lượng và 724% về kim ngạch.
Theo Bộ Công Thương, trong điều kiện xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức gay gắt, ảnh hưởng tới hàng chục nghìn ha trồng lúa tại ĐBSCL, nếu xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng với tốc độ như 2 tháng vừa qua, Việt Nam sẽ đứng trước rủi ro thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước. Chính vì vậy, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan ra thông báo dừng thông quan các lô hàng gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp.
Lý giải việc rút đề xuất ngừng xuất khẩu gạo chỉ trong vòng 24h, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, do các địa phương và doanh nghiệp lo ngại có sự “vênh” về số liệu gạo dự trữ trong dân và doanh nghiệp. Vì vậy, Bộ Công Thương, sau khi nhận được ý kiến của một số doanh nghiệp và địa phương, đã báo cáo Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng gạo tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, các hợp đồng đã ký kết rồi mới quyết định có ngừng xuất khẩu hay không.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao, nông dân phấn khởi. Ảnh: Ngọc Thắng. |
“Điều tiết” chứ không nên “đóng”
Sau khi có “lệnh” ngừng xuất khẩu gạo, nhiều chuyên gia nông nghiệp, doanh nghiệp đã nhắc tới bài học khủng hoảng năm 2008. Tháng 3/2008, khi giá gạo XK của thế giới và Việt Nam tăng cao, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã gửi văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT, Bộ Công Thương và Chính phủ ra lệnh tạm ngưng ký hợp đồng XK gạo mới.
Hậu quả của lệnh ngưng ký hợp đồng khi đó được cho là không nhỏ. Cụ thể, trong gói thầu IV, các DN Việt Nam chỉ được bán 80.000 tấn gạo trên tổng số 500.000 tấn với giá CNF Philippines ở mức giá “trong mơ” là 1.200 USD/tấn. Còn gói thầu V với khối lượng 500.000 tấn, các DN không được phép đi đấu thầu. Tính ra, trong mấy tháng bị ngưng ký hợp đồng xuất khẩu, do bỏ lỡ thời cơ giá thế giới quá tốt, nước ta đã bị thiệt khoảng 400 triệu USD.
Trước bài học trên, PGS. TS. Nguyễn Đức Thành, Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Việt Nam nên bình tĩnh, chủ động với đợt sóng tăng giá, tăng lượng mua này và xuất khẩu gạo theo làn sóng đó để thu lợi nhuận. Giá cả và nhu cầu có thể tăng dần, thậm chí tăng mạnh, trong các tháng 4-5, vẫn nên chủ động đi theo con sóng đó.
“Tất nhiên giá trong nước cũng có khuynh hướng tăng theo. Nhưng việc tăng giá gạo nội địa cơ bản là lợi nhiều hơn hại, vì tầng lớp được hưởng lợi căn bản vẫn là nông dân và ngành nông nghiệp. Các nhóm khác có thể bị thiệt vì giá gạo tăng lên, nhưng gạo chỉ chiếm một tỷ trọng tương đối nhỏ trong ngân sách của họ” - ông Thành nhận định.
Gạo là một mặt hàng Việt Nam có thể chủ động nguồn cung trong chu trình 3-4 tháng (các giống lúa ngắn ngày), nên nếu cầu lúa gạo thế giới đột ngột tăng cao, Việt Nam nên tranh thủ “đón sóng” - ông Thành khuyến cáo. Nếu đến mùa sau, việc cung ứng gạo trong nước có dấu hiệu mất cân đối trầm trọng, sản lượng giảm do điều kiện thời tiết (nhưng sản lượng này vẫn sẽ luôn luôn lớn hơn tổng lượng tiêu thụ nội địa), thì lúc đó, mới cần cân nhắc “điều tiết” xuất khẩu, chứ không đóng cửa thị trường xuất khẩu.
Về lo ngại giá gạo tăng đẩy lạm phát lên cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, ông Thành cho rằng, giả sử giá gạo tăng 30% liên tục trong nửa năm thì đóng góp của nó vào mức tăng CPI chỉ khoảng 1,5%, hoàn toàn chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tương đối tốt hiện nay. Vì vậy, đây là một cơ hội tốt cho không chỉ nông nghiệp Việt Nam phục hồi trong mùa dịch, mà còn cải thiện vị thế của Việt Nam như một nước luôn xuất khẩu ròng lúa gạo.
Tuy nhiên, “lệnh” dừng xuất khẩu gạo cũng nhận nhiều ý kiến ủng hộ. Một số ý kiến cho rằng khủng hoảng của 2008 khác xa 2020 về nguyên nhân và mức độ. Nếu Việt Nam phải cách ly diện rộng sẽ thiếu nhân lực sản xuất lúa gạo. Đại dịch và xâm nhập mặn sẽ làm khan hiếm nguồn cung trong nước và toàn cầu. Chính phủ “phòng thân” cho dân là cần thiết. “Tạm dừng” để khảo sát đảm bảo an ninh lương thực rồi tiếp tục “xuất” với giá cao hơn là hợp lý.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, nhu cầu tích trữ lương thực của người dân Trung Quốc và nhiều nước sẽ còn tăng. Hạn hán cũng đe dọa nguồn cung ở một số nước xuất khẩu quan trọng như Thái Lan. Vì vậy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang tăng liên tục, ngày 25/3 đã ở mức 428-432 USD/tấn với gạo 5% tấm và 413-417 USD/tấn với gạo 25% tấm.